Bộ Ngoại giao nói về khả năng Việt Nam – Mỹ nâng cấp quan hệ
(Dân trí) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời về khả năng Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ từ “đối tác toàn diện” lên mức “đối tác chiến lược” tại cuộc họp báo chiều 2/7.
Cụ thể, trả lời câu hỏi về các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mỹ và khả năng hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết,
Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, sẵn sàng làm bạn và đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 6 năm thiết lập và triển khai quan hệ “đối tác toàn diện”, quan hệ Việt Nam – Mỹ chứng kiến những bước phát triển tích cực, thực chất trên tất cả các lĩnh vực và trên cả bình diện song phương và đa phương.
Quan hệ của 2 nước cũng được thiết lập trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Hai bên duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc song phương và trao đổi đoàn các cấp, duy trì các cơ chế đối thoại, tăng cường thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh - quốc phòng, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế.
“Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam – Mỹ, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới” - bà Hằng xác nhận, cũng không bình luận trực tiếp vào việc liệu hai nước có nâng cấp quan hệ ngoại giao từ mức “đối tác toàn diện” hiện nay lên mức “đối tác chiến lược” trong năm nay.
Phản đối Trung Quốc gia tăng yêu sách chủ quyền trên Biển Đông
Liên quan đến vấn đề này, chiều cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cũng đã có cuộc gặp với báo chí Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao, và cũng nhận được câu hỏi về việc liệu 2 nước có nâng cấp quan hệ.
Theo đó, Đại sứ cho biết ông cũng không có thông tin cụ thể về việc bao giờ quan hệ ngoại giao giữa 2 nước sẽ có một cái tên mới, nhưng Đại sứ cũng nhấn mạnh, quan hệ thực chất không phụ thuộc vào tên gọi.
Đại sứ cho biết, quan hệ Việt Nam và Mỹ chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay, với nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước cam kết sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ này và hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ những giá trị chung về một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, cởi mở, thịnh vượng, không cá lớn nuốt cá bé.
Bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ Mỹ trong chống dịch Covid-19, Đại sứ Kritenbrink cũng dẫn một câu ngạn ngữ tại Mỹ "a friend in need is a friend indeed" (tạm dịch: người bạn có mặt lúc khó khăn là người bạn đích thực) và nhấn mạnh, trong khó khăn, Mỹ đã thấy được bạn của mình là ai.
“Có lẽ, chúng tôi không có người bạn nào tốt hơn Việt Nam. Sự hỗ trợ của các bạn đã giúp cứu mạng người Mỹ” - Đại sứ Daniel Kritenbrink nói.
Trả lời câu hỏi về hợp tác an ninh hàng hải và việc lần đầu tiên có 3 tàu sân bay Mỹ đang hiện diện tại Biển Đông, Đại sứ Kritenbrink cho biết, đó không phải là phản ứng của Mỹ trước một hoạt động cụ thể nào đang diễn ra trên Biển Đông, mà Mỹ muốn khẳng định lợi ích lâu dài của mình trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định tại khu vực này.
“Ở Biển Đông, các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải hành xử theo luật pháp quốc tế, đưa ra các tuyên bố chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế. Các quốc gia lớn hơn không thể bắt nạt hay đe dọa các quốc gia nhỏ hơn. Chúng tôi tin tưởng vào các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông; tin tưởng vào quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Chúng tôi phản đối các hoạt động cưỡng ép các quốc gia khác ở đây” - Đại sứ Mỹ nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, ông Kritenbrink cho biết, Mỹ “phản đối các hành động của Trung Quốc trong việc can thiệp và cản trở các quốc gia khai thác dầu khí trên Biển Đông, trong đó có các hoạt động lâu năm của Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi phản đối Trung Quốc cố gắng cản trở các quốc gia ASEAN tiếp cận, khai thác nguồn tài nguyên trị giá 2.500 tỷ USD tại vùng biển này”.
Đại sứ Mỹ cũng “lấy làm tiếc” trước việc Trung Quốc đã ngăn cản các hoạt động tự do thương mại, kinh tế trên không chỉ Biển Đông mà còn trên vùng Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Theo ông, Trung Quốc đã thực hiện nhiều hoạt động hung hăng, tác động tiêu cực đến hòa bình, ổn định trên Biển Đông trong nhiều năm qua.
“Chúng tôi cho rằng Trung Quốc đã tận dụng cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra để tăng cường các hoạt động khiêu khích và hiếu chiến trên Biển Đông vì lợi ích của họ. Mỹ phản đối việc Trung Quốc, hay bất kỳ một nước nào, sử dụng các biện pháp cưỡng ép để gia tăng các đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông. Trung Quốc cần dừng các hoạt động mang tính khiêu khích làm ảnh hưởng đến sự ổn định trong khu vực” - Đại sứ Mỹ kêu gọi.
Nêu lên việc, trong một vài tháng qua, Trung Quốc có rất nhiều hoạt động quấy rối tàu cá Việt Nam, trong đó có việc 1 tàu cá đã bị đâm chìm cũng như việc Trung Quốc đưa thêm các tàu đến vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác trong khu vực, Đại sứ Mỹ cũng khẳng định nước này sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định của các quốc gia tại đây.
“Đó là lý do tại sao bạn thấy quân đội Mỹ và các tàu của Mỹ hoạt động thường xuyên trên Biển Đông thời gian vừa qua, và chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động này ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”, ông Kritenbrink nhấn mạnh.
Thái Anh