1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ ngành nào cũng “lạm phát” cấp phó thì chi phí hành chính quá lớn!

(Dân trí) - “Chỉ cần thêm một cấp phó là sinh ra một bộ máy. Nếu Bộ ngành nào cũng như vậy thì chi phí hành chính quá lớn, trong khi đó công việc lại ách tắc vì làm việc theo tập thể”, đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Bên lề hành lang Quốc hội ngày 3/11, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương trao đổi với báo chí về tình trạng “lạm phát” cấp phó ở nhiều bộ ngành diễn ra trong thời gian qua.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, phải quy định cứng trong luật để đỡ lạm phát cấp phó
Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, phải quy định cứng trong luật để đỡ "lạm phát" cấp phó

Ông nhìn nhận thế nào tình trạng “lạm phát cấp phó” ở các bộ ngành hiện nay?

Thực chất cấp phó cũng rất quan trọng vì một mình cấp trưởng không thể làm hết việc. Có những công việc cấp phó lại là người quyết định chứ không phải cấp trưởng. Nhưng nhiều cấp phó quá thì lại làm phân tán nguồn lực, việc chỉ đạo nhiều khi không thống nhất. Đó là tôi chưa nói đến chi phí cho cấp phó vì dưới họ là cục trưởng, vụ trưởng, vụ phó rồi tiếp đến là một loạt công chức phục vụ bộ máy.

Như vậy, chỉ cần thêm một cấp phó là sinh ra một bộ máy. Nếu bộ ngành nào cũng như vậy thì chi phí hành chính quá lớn. Trong khi đó công việc lại ách tắc - vì nếu một người làm thì nhanh nhưng cái gì cũng tập thể là công việc ì ạch.

Thực tế quy định hiện hành quy định cụ thể mỗi bao nhiêu cấp phó ở mỗi bộ, ngành, tuy nhiên điều này không được thực hiện nghiêm mới dẫn đến tình trạng “lạm phát”. Vậy theo ông trong Luật tổ chức Chính phủ có nên đưa ra quy định cụ thể mỗi bộ, ngành được bao nhiêu cấp phó hay không?

Trong luật đã có, nhưng trong quá trình tổ chức phải rất nghiêm mới thực hiện được. Còn quy định cụ thể trong luật thì nếu có thể giảm bớt được thì cũng nên giảm. Theo tôi tốt nhất là quy định cứng trong luật để sau này không phải ban hành nghị định, thông tư nữa - nếu có thì mỗi ngành lại tự đặt ra bộ máy.

Vì thế luật pháp phải quy định rõ để tránh vận dụng một cách tùy tiện khi thi hành. Mà chính sự tùy tiện trong vận dụng chỉ liên quan đến lợi ích của một số người. Lợi ích của một số người đôi khi lại liên quan rất lớn đến xã hội.

Ngoài cấp phó hiện nay cũng có tình trạng “lạm phát” các Tổng cục. Theo ông liệu có phải thu gọn cấp trung gian (trên vụ trưởng, kém thứ trưởng) này, để bộ máy hành chính đỡ phình to hay không?

Phải thu gọn lại chứ không thể để chỗ nào cũng có Tổng cục được. Tổng cục đôi khi vai trò quan trọng chẳng kém gì các Bộ. Thông thường bộ máy được quy định dưới Bộ là các cục, vụ, viện thế nhưng bây giờ lại sinh ra một cấp trung gian nữa là cấp Tổng cục. Nghĩa là bộ máy quá độ giữa cái này và cái kia thì sinh ra một anh kém thứ trưởng một tí nhưng lại trên vụ trưởng. Theo tôi, cái này cũng phải hạn chế với tinh thần muốn tinh giản bộ máy gọn nhẹ thì phải bớt cấp trung gian, bớt cấp phó mới được.

Không chỉ cấp bộ, nhiều xã phường hiện nay cũng có đến vài trăm cán bộ, trong khi dân số không quá đông?

Bộ máy hành chính cấp xã cũng là một vấn đề đáng suy nghĩ để thu gọn lại. Tinh thần là nên giảm chức vụ đi, còn nếu sinh ra nhiều quá thì lấy đâu kinh phí mà nuôi.

Thực chất lương công nhân viên chức rất thấp, vậy tại sao nhiều người vẫn tìm mọi cách vào cơ quan nhà nước làm việc?

Làm lao động bên ngoài nhiều rủi ro hơn vì doanh nghiệp hôm nay thế này nhưng ngày mai có thể phá sản, giải thể. Thực chất là làm ở bên ngoài lương cũng rất thấp như công nhân đi làm từ sáng đến tối nhưng lương như thế nào thì ai cũng biết.

Hơn nữa, công chức tuy lương thấp nhưng ở nhiều nơi vẫn cuộc sống có thể khá giả vì người ta không hẳn sống bằng lương. Vì vậy người ta mới tìm vào nhà nước để nhằm vào thứ khác nữa. Có lẽ do kẽ hở pháp luật tạo nên sự nhũng nhiễu dễ nảy sinh tiêu cực. Ngoài ra, tâm lý vào cơ quan nhà nước để phấn đấu làm lãnh đạo. Tức là anh trưởng thành về mặt chính trị thì anh có quyền lực và đã có quyền lực thì có điều kiện để thu nhập cao hơn.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)