1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ máy hành chính phải có thủ lĩnh rõ ràng

Hãy làm ráo riết những gì đã quyết vì có nhiều việc chậm do nhận thức chưa rõ hoặc đụng đến lợi ích riêng... Ông Nguyễn Khánh - nguyên phó thủ tướng, nguyên phó Ban chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ - bày tỏ quan điểm.

Thưa ông, chúng ta đã đi được hơn nửa chặng đường của chương trình cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2001-2010, song bộ máy chính quyền xem ra chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân?

 

Có hai điều khiến công cuộc CCHC chưa đạt được yêu cầu mong muốn. Thứ nhất, do nhận thức và tư tưởng của những người lãnh đạo các cấp chưa đủ với sự cần thiết của một cuộc cải cách.

 

Thứ hai, CCHC là sự thay đổi mà không phải sự thay đổi lớn về chức năng tổ chức bộ máy, về con người trong bộ máy hành chính nhà nước nào cũng thuận với tất cả mọi người. Tôi cho rằng chúng ta chưa chuẩn bị tốt về tư tưởng khi tiến hành cuộc cải cách này nên có chỗ thông suốt, có chỗ không tích cực.

 

Vậy ông có góp ý, đề đạt gì cụ thể trong chuyện này?

 

Thiết thực nhất bây giờ là làm tốt, làm quyết liệt những nội dung, những vấn đề đã được kết luận, đã được ghi vào nghị quyết, đã thành chủ trương. CCHC, sắp xếp bộ máy... đâu phải bây giờ mới nói, mà đã nói nhiều rồi, nói từ lâu rồi nhưng vì sao việc thực hiện còn khó khăn?

 

Theo tôi, đó là do nhận thức chưa đúng và chưa đủ, do cải cách đụng đến những lợi ích riêng. Tôi thấy nhiều cán bộ công chức thi hành các quyết định về CCHC chưa được nhiệt tình lắm.

 

Nhiều người làm với ý thức thi hành chỉ thị ở trên chứ chưa phải làm với sự say sưa của chính mình. Cho nên cần phải tiếp tục làm thông tư tưởng, đồng thời đôn đốc, kiểm tra rất chặt chẽ để những người có trách nhiệm, có thẩm quyền phải làm tốt trong phạm vi mình phụ trách, từ cấp trung ương xuống đến địa phương.

 

Ai cũng lo cho dân, nhưng...

 

Nhiều ý kiến cho rằng một trong những vấn đề của CCHC hiện nay là việc tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cồng kềnh, nhiều tầng nấc. Tại sao như vậy, thưa ông?

 

Cồng kềnh là đúng vì nó chưa rõ từ chức năng. Trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, những quan niệm về chức năng trách nhiệm và quyền hạn chung quá, chưa đủ rõ ràng. Một chủ tịch UBND, một tỉnh trưởng phải biết công việc cụ thể của ông ta với dân đến đâu, những loại việc gì phải trực tiếp làm, những loại việc gì do cấp dưới làm, những loại việc gì chính quyền không cần làm.

 

Nếu biết được như thế thì bộ máy sẽ gọn, phù hợp với chức năng, sẽ không cần tới nhiều cấp trung gian. Nhưng ở ta thì cấp nào cũng có nhiệm vụ chăm lo cho dân về đời sống, y tế, văn hóa, an ninh trật tự..., nói chung chung như thế từ cấp tỉnh, quận huyện đến cấp xã, phường.

 

Như vậy theo ông phải làm cho rõ chức năng trước khi nghĩ đến việc sắp xếp, bố trí?

 

Then chốt của cuộc CCHC chính là làm rõ chức năng của Chính phủ và bộ máy hành chính các cấp. Cần xác định rõ bộ máy Chính phủ làm gì và không nên làm gì trong tình hình hiện nay. Những gì Chính phủ không cần làm thì chuyển lại cho doanh nghiệp, cho các tổ chức xã hội, cho người dân, cho cấp dưới làm.

 

Bộ máy Chính phủ cũng giống cơ thể con người, mỗi bộ phận có một chức năng, không thể lẫn lộn được. Anh không thể có hai quả tim và cũng không thể bớt đi bất kỳ một bộ phận nhỏ nào trong cơ thể.

 

Chức năng rõ thì hoạt động đúng, chức năng không rõ thì hoạt động sai, tốn công sức mà ít hiệu quả. Như vậy, phải bắt đầu từ chức năng chứ không phải bắt đầu từ sắp xếp tổ chức. Nhưng chúng ta lại ít bàn kỹ chức năng mà bàn nhiều về tổ chức bộ máy, xem xét thêm bộ này, sở này, bớt bộ kia, sở kia. Phải biết mình cần làm gì thì mới có bộ máy tốt và lựa chọn cán bộ mới đúng.

 

Chưa rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân

 

Việc phân định rõ trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với trách nhiệm tập thể cũng cần được xác định rõ để bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả. Ông có đồng tình với quan điểm này?

 

Bắt đầu từ Chính phủ, cần phải phân biệt rõ chế độ làm việc tập thể và chế độ trách nhiệm cá nhân. Quyền quyết định của cá nhân Thủ tướng đã được luật hóa trong Luật tổ chức Chính phủ nhưng thực hiện chưa đầy đủ và còn dè dặt.

 

Khi còn chưa rõ về thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng, của người đứng đầu cơ quan hành chính với thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể thì làm sao đòi hỏi cá nhân người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đầy đủ được?

 

Thủ tướng khi chủ trì cuộc họp nội các thì không có quyền quyết định riêng mà chỉ có ý kiến riêng và kết luận theo ý kiến tập thể. Nhưng khi Thủ tướng làm việc với các bộ trưởng thì là cấp trên chỉ thị, quyết định để bộ phải làm, có thể nghe ý kiến một cách dân chủ, nhưng quyết định với tư cách cá nhân và chịu trách nhiệm cá nhân trước Đảng, trước Quốc hội, trước nhân dân. Bây giờ từ Chính phủ cho đến tỉnh, đến quận, huyện đều còn chưa rõ về trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân.

 

Nhiều ý kiến cho rằng một bộ máy chính quyền mạnh không thể thiếu yếu tố những người công bộc của dân. Ông đánh giá thế nào về yếu tố này?

 

Công chức hành chính là một nghề, người công chức phải được đào tạo chuyên sâu đúng với tính chất, yêu cầu việc làm. So ngay với công chức các nước trong khu vực, công chức của ta làm kém, làm chậm những công việc trong quan hệ với doanh nghiệp, với dân.

 

Chính vì vậy mà những sản phẩm anh ta làm ra đóng góp cho bộ máy hành chính còn rất thấp. Tôi nghĩ rằng xây dựng được đội ngũ hành chính giỏi theo cách làm như Singapore thì chúng ta sẽ có bộ máy chính quyền giỏi, dân chủ và hiện đại.

 

Theo Khiết Hưng - Lê Anh Đủ

Tuổi Trẻ