1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ GTVT tổng kiểm tra “hộp đen” xe khách

(Dân trí) - Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang tiến hành tổng kiểm tra việc cung cấp, lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình đối với xe khách (hộp đen) trên phạm vi cả nước. Địa phương đầu tiên bị “sờ gáy” là Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, mục đích của đợt kiểm tra nhằm hiệu chỉnh, thống nhất lại hệ thống quản lý thiết bị hộp đen từ cấp Bộ cho đến các đơn vị sử dụng, giúp các doanh nghiệp vận tải thấy được lợi ích của việc lắp đặt hộp đen và dùng nó để kinh doanh có hiệu quả, để thiết bị này thực sự trở thành con mắt của nhà quản lý.

Tại Hà Nội, công tác kiểm tra bắt đầu từ cuối tuần trước. Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra theo 2 hình thức chỉ định và đột xuất đối với hộp đen của 3 nhà cung cấp Bình Anh, Eposi, Tân Á Châu và một số nhà cung cấp khác mà nhiều xe khách đang đang sử dụng và hoạt động tại bến Mỹ Đình, bến Yên Nghĩa. 

Hàng loạt doanh nghiệp vận tải sẽ bị kiểm tra chỉ định và đột xuất 
Hàng loạt doanh nghiệp vận tải sẽ bị kiểm tra chỉ định và đột xuất từ nay đến hết tháng 6/2013

Qua kiểm tra 7 nhà cung cấp hộp đen và 10 doanh nghiệp vận tải có phương tiện lắp đặt hộp đen cho thấy một số doanh nghiệp mắc các lỗi về cổng kết nối, trạng thái hoạt động của thiết bị, hiển thị tín hiệu. Trên một số thiết bị thiếu mục hướng dẫn nên các lái xe không nắm được cách sử dụng, truy nhập thông tin.

Đặc biệt, ở hầu hết các xe, thiết bị được lắp đặt sâu bên trong nắp "táp - lô" hoặc trong thân xe khiến cho việc khai thác tính năng và kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị gặp rất nhiều khó khăn. Một số lái xe thậm chí nói rằng chỉ biết trên xe có lắp thiết bị giám sát hành trình và hiểu rằng lắp để nó đảm bảo an toàn khi xe chạy quá tốc độ, còn nó được lắp ở đâu và do đơn vị nào sản xuất, hoạt động ra sao thì phải hỏi doanh nghiệp!

Nhìn nhận về tình hình này, ông Huyện cho biết sau đợt kiểm tra Thanh tra Bộ sẽ kiến nghị Bộ GTVT ban hành quy định thống nhất về về vị trí lắp đặt thiết bị, quy định về nơi để cổng trích xuất trên tất cả các loại xe để thuận tiện cho việc kiểm tra, cũng như bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị.

“Với những nhà cung cấp không đảm bảo chất lượng, chúng tôi sẽ buộc họ phải có những hiệu chỉnh để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định. Đồng thời, nhà cung cấp có trách nhiệm bổ sung những tính năng còn thiếu của thiết bị cho các doanh nghiệp đang sử dụng. Việc bổ sung này phải được thực hiện trên cơ sở vừa đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp vừa không làm tăng chi phí mua, sử dụng thiết bị” - ông Huyện khẳng định.

Được biết, sau khi kết thúc kiểm tra tại Hà Nội, tới đây Thanh tra Bộ GTVT sẽ tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp thiết bị ở TPHCM, Đồng Nai và Đà Nẵng. Thời gian bắt đầu từ cuối tháng 4 và dự kiến hoàn thành giữa tháng 5/2013; kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thiết bị hộp đen ở các tỉnh, thành phố là Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa trong tháng 6/2013.

Rút giấy phép một đơn vị kiểm định hộp đen

Hồi đầu tháng 4, Thanh tra Bộ GTVT đã tiến hành kiểm tra 6 đơn vị chuyên sản xuất, cung cấp hộp đen cho xe ô tô và 3 đơn vị đo, kiểm định chất lượng ở Hà Nội là Viện Đo lường Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng 1 (Bộ Khoa học và Công nghệ); Trung tâm Đo lường (Bộ Quốc phòng).

Về kết quả kiểm tra sơ bộ, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện một số vi phạm tại Trung tâm Đo lường thuộc Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Bộ Quốc phòng (đơn vị do Bộ GTVT chỉ định).

Trong đó, tại thời điểm kiểm tra, Trung tâm Đo lường này không có giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo quy định; không cung cấp được hồ sơ nhân sự của các thử nghiệm viên thực hiện thử nghiệm nội dung về cơ lý; không có thiết bị đo, thử nghiệm tốc độ trên đường phù hợp để thử nghiệm tốc độ, hành trình, cảnh báo quá tốc độ khi dùng phương pháp thực nghiệm GPS; không xuất trình được các tài liệu chứng minh các trang thiết bị thử nghiệm đồng bộ với chuẩn thời gian và tần số quốc gia…

Ngoài ra, các hồ sơ thử nghiệm cấp kèm theo giấy chứng nhận thử nghiệm đang lưu trữ tại trung tâm không có biên bản hoặc phiếu nhận, trả mẫu thiết bị giữa trung tâm và các cơ sở lắp ráp, nhập khẩu. Vì vậy, trong hồ sơ không có thông tin liên quan đến mẫu thử nghiệm do bên yêu cầu thử nghiệm cung cấp như: mô tả sản phẩm/các kích thước/hình ảnh của thiết bị; không có bản kê khai các thông số kỹ thuật cơ bản và hướng dẫn sử dụng thiết bị giám sát hành trình đăng ký theo quy định.

Thanh tra Bộ GTVT đã có văn bản kiến lãnh đạo Bộ GTVT chấm dứt việc chỉ định tổ chức đo lường thử nghiệm thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để công bố hợp quy đối với Trung tâm Đo lường thuộc Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Bộ Quốc phòng và không công nhận kết quả thử nghiệm của Trung tâm này.

Quỳnh Anh