1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bộ GTVT nói gì về việc Bình Dương mua lại trạm thu phí BOT?

(Dân trí) - “Tỉnh bỏ tiền ra mua trạm thu phí mà không phải lấy từ ngân sách của Trung ương thì rất hoan nghênh. Tuy nhiên, cần phải làm rõ nguồn ngân sách địa phương để mua trạm thu phí BOT từ đâu ra? Không phải anh có tiền là anh muốn làm gì thì làm…”.

Ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - trao đổi xung quanh việc UBND tỉnh Bình Dương vừa mua lại một trạm phu phí BOT tại địa phương rồi xóa bỏ trạm này.

Trạm thu phí BOT được UBND tỉnh Bình Dương mua lại (ảnh: Trung Kiên)
Trạm thu phí BOT được UBND tỉnh Bình Dương mua lại (ảnh: Trung Kiên)

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, việc mua lại các trạm thu phí BOT cần phải thực hiện theo các quy định chung của toàn quốc. Tỉnh bỏ tiền của mình ra mua trạm thu phí mà không phải lấy nguồn ngân sách của Trung ương thì rất hoan nghênh. Tuy nhiên, cần phải làm rõ nguồn ngân sách để mua trạm thu phí BOT từ đâu ra.

“Nguồn ngân sách địa phương cũng nằm trong nguồn ngân sách chung của toàn quốc, không phải tiền anh có là anh muốn làm gì thì làm. Thậm chí, địa phương mặc dù có nguồn tiền nhưng cũng phải cân nhắc xem còn nhiều nhiệm vụ kinh tế - xã hội quan trọng khác cần phải ưu tiên đầu tư hơn” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật nêu quan điểm.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, cần làm rõ nguồn ngân sách địa phương bỏ ra mua trạm thu phí là để minh bạch tài chính.

“Giả sử trường hợp một ông Chủ tịch của một tỉnh chơi thân với doanh nghiệp đầu tư dự án BOT đó, thậm chí nhà đầu tư BOT là con hay cháu của ông Chủ tịch. Ông Chủ tịch tỉnh muốn bỏ tiền ngân sách địa phương ra để mua lại trạm thu thu phí BOT này nhằm giúp người nhà mình thu hồi vốn nhanh thì vấn đề này không thể được, cần phải xem xét kỹ. Cần phải làm rõ mối quan hệ của tỉnh đó, lãnh đạo tỉnh đó với các nhà đầu tư BOT này như thế nào?” - Thứ trưởng Nguyễn Nhật lấy ví dụ.

Chưa hết, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng đặt vấn đề cần phải tính xem những nhiệm vụ của Chính phủ giao cho địa phương, địa phương đã làm tốt hay chưa mà lại bỏ tiền ra mua trạm thu phí BOT.

“Hiện nay ở các địa phương có rất nhiều việc quan trọng khác cần phải ưu tiên vốn đầu tư ngay, như các vấn đề xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông nghiệp - nông thôn, các dự án xử bãi rác, bãi thải, bênh viện, trường học… Nếu chưa làm xong được việc này mà bỏ một lượng tiền lớn ra mua trạm thu phí là không thể được” - ông Nhật nêu quan điểm.

Trước đó, như đã đưa tin, UBND tỉnh Bình Dương đã mua lại Trạm thu phí An Phú đường ĐT 743 (thị xã Thuận An) từ Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương, sau đó bàn giao cho Tổng công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh) nâng cấp, mở rộng tuyến đường mà không thu phí.

Được biết, cùng với việc tiếp nhận và mở rộng đường ĐT743, Tổng Công ty Becamex IDCUBND cũng được tỉnh Bình Dương giao cho đầu tư nhiều tuyến đường khác với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 13 trạm thu phí hoàn vốn cho 7 dự án BOT. HĐND tỉnh Bình Dương cũng đã thông qua Nghị quyết tăng mức phí trạm BOT đường ĐT741 nối tỉnh Bình Dương - Bình Phước từ 5.000 - 20.000 đồng/lượt (tùy loại xe).

Châu Như Quỳnh