1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bộ GTVT “giải trình” với Thủ tướng về trạm thu phí BOT trên quốc lộ

(Dân trí) - Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các trạm thu phí dự án BOT trên hệ thống quốc lộ, trong đó khẳng định không có việc "phí chồng phí" như dư luận phản ánh.

Văn bản báo cáo Thủ tướng do Bộ trưởng Đinh La Thăng ký đã nêu lên hiện trạng các trạm thu phí Dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên hệ thống quốc lộ trong phạm vi cả nước. Theo đó, trên các tuyến quốc lộ có 96 trạm thu phí; trong đó 45 trạm đang thu phí, 51 trạm sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng (đã ký hợp đồng BOT, khoảng từ nay đến năm 2018).

Trong số 96 trạm thu phí có 83 trạm do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT, 13 trạm do UBND các tỉnh ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT. Việc thành lập các trạm thu phí để thu phí đối với các dự án BOT nêu trên đã tuân thủ đúng quy định của Bộ Tài chính, có sự đồng thuận của địa phương liên quan.

Trạm thu phí trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai 
Trạm thu phí trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai 

Theo Bộ GTVT, việc đặt các trạm thu phí sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí BOT có cơ sở pháp lý và sự tách bạch giữa việc thu phí sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí BOT và thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện. Trong quá trình lập và phê duyệt dự án BOT, Bộ GTVT đều có văn bản thỏa thuận với Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, các Bộ có liên quan về hình thức đầu tư dự án BOT và được UBND cấp tỉnh và Bộ có liên quan thỏa thuận bằng văn bản. Trong quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở điều kiện thực tế của từng dự án, Bộ GTVT yêu cầu Nhà đầu tư chỉ đạo tư vấn kiểm tra, khảo sát kỹ hiện trường để lựa chọn vị trí trạm thu phí cho phù hợp.

Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính thống nhất bằng văn bản trước khi xây dựng trạm thu phí theo đúng quy định. Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí áp dụng riêng cho từng trạm thu phí BOT (mỗi trạm thu phí có một Thông tư riêng của Bộ Tài chính quy định), trên cơ sở thông tư của Bộ Tài chính nhà đầu tư sẽ tổ chức thực hiện.

Về việc tách bạch giữa việc thu phí sử dụng đường bộ tại các trạm thu phí BOT và thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện, Bộ GTVT khẳng định được thực hiện theo đúng quy định và đúng Luật.

Quy định như trên là phù hợp và không có việc phí chồng phí vì phí sử dụng đường bộ thu trực tiếp tại các trạm BOT do nhà đầu tư dự án BOT thu dùng để hoàn vốn đầu tư và chi cho công tác quản lý bảo trì đường bộ hình thành từ các dự án BOT.

Phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện do đơn vị Đăng kiểm thu dùng để chi cho công tác quản lý, bảo trì đường quốc lộ và đường địa phương do Nhà nước đầu tư (không bao gồm các dự án BOT đường bộ và không dùng để hoàn vốn đầu tư) - văn bản báo cáo Thủ tướng nêu rõ.

Theo Bộ GTVT, thực tế hiện nay, Bộ Tài chính vẫn phải cấp bù từ ngân sách hàng năm cho công tác duy tu, bảo trì các tuyến đường quốc lộ do nguồn thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện không đáp ứng đủ yêu cầu.

Được biết, Bộ GTVT đã và đang thực hiện 68 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, trong đó 20 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng, tiến độ đầu tư các dự án được rút ngắn. Nhiều dự án hạ tầng giao thông khác không sử dụng ngân sách Nhà nước đã được các doanh nghiệp tự đầu tư như cảng biển, đường cao tốc, sân bay.

Châu Như Quỳnh