Bộ GTVT đề nghị Grab không được hoạt động ở 3 tỉnh gần Hà Nội
(Dân trí) - Bộ GTVT vừa có công văn số 3502/BGTVT-VT yêu cầu Công ty TNHH Grab không triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng (hợp đồng điện tử) tại các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc.
Cụ thể, công văn số 3502/BGTVT-VT ngày 16/4/2019 của Bộ GTVT có nội dung: Bộ GTVT nhận được văn bản số 11/HATAS-KN ngày 1/4/2019 của Hiệp hội Taxi Hà Nội về việc các hãng taxi được cấp phù hiệu ngoại tỉnh nhưng lại kinh doanh tại Hà Nội, Bộ GTVT có ý kiến như sau:
Đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Công ty TNHH Grab thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý ký kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (xe Grabcar) trên địa bàn TP Hà Nội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1755/VPCP-CN ngày 23/2/2018 của Văn phòng Chính phủ và quy định tại quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ GTVT.
Đề nghị UBND TP Hà Nội và UBND các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành các vi phạm (nếu có) đối với lái xe, đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm kết nối với hoạt động vận tải có ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn địa phương mình và các nội dung kiến nghị tại văn bản số 11/HATAS-KN ngày 1/4/2019 của Hiệp hội Taxi Hà Nội.
Yêu cầu Công ty TNHH Grab nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật hiện hành, quy định tại quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ GTVT và quy định của UBND TP Hà Nội; Không triển khai thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng (Hợp đồng điện tử) trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc; Không được làm việc trực tiếp với lái xe để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở GTVT các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc.
Nhiều hãng taxi do các tỉnh lân cận Hà Nội cấp phép nhưng lại thường xuyên về Hà Nội hoạt động.
Công văn số 11/HATAS-KN ngày 1/4/2019 của Hiệp hội Taxi Hà Nội có nội dung: Theo số liệu thống kê, hiện nay có khoảng 3.000 xe taxi do các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc cấp phù hiệu "Xe taxi" nhưng lại thường xuyên hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng những xe này hoạt động theo kiểu lách luật, phá giá thị trường; Thậm chí trốn tránh nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ bảo hiểm xã hội với nhà nước và các tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở, cấp phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi; Hoạt động không có bộ máy quản lý điều hành theo quy định; Gây ra sự mất ổn định và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn Hà Nội.
"Đặc biệt lái xe các hãng này đều được cài ứng dụng của Grab để hoạt động kinh doanh đón-trả khách, mặc dù phương án kinh doanh của các đơn vị này đều được lập ở các tỉnh ngoài Hà Nội" - nội dung công văn nhấn mạnh.
Theo thông tin mà Hiệp hội Taxi Hà Nội có được, Sở GTVT Bắc Ninh, Hưng Yên đã có văn bản chưa cho phép Grab triển khai tại địa phương, vì vậy, việc Grab cài ứng dụng cho các đơn vị taxi ngoại tỉnh kinh doanh tại Hà Nội theo quyết định số 24 của Bộ GTVT là hoàn toàn sai phạm. Đề nghị Bộ GTVT yêu cầu phía Công ty TNHH Grab ngắt ứng dụng của các xe ngoại tỉnh nói trên để đảm bảo việc tuân thủ kinh doanh đúng pháp luật trong lúc Nghị định 86 mới sửa đổi chưa được ban hành.
Nguyễn Dương