1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ GTVT: BOT giao thông sai sót nhưng không gây thất thoát, lợi ích nhóm

(Dân trí) - Bộ Giao thông vận tải trả lời cử tri, vừa qua, Quốc hội, UB Kiểm tra Trung ương... đã tổ chức nhiều đoàn thanh kiểm tra các dự án BOT, kết luận dù còn sai sót nhưng không gây thất thoát, lợi ích nhóm.

Sáng 8/5, bắt đầu chương trình phiên họp thứ 45, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9.

Báo cáo do Đoàn Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp cho biết, tại kỳ họp thứ 8, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan chức năng rà soát việc đầu tư các dự án BOT, việc thu phí, mức phí, vị trí đặt trạm, công khai minh bạch kết quả thu phí các dự án BOT.

Cử tri cũng đề nghị làm rõ có lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong các dự án BOT như nghi vấn của dư luận hay không?

Bộ GTVT: BOT giao thông sai sót nhưng không gây thất thoát, lợi ích nhóm - 1
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định các đoàn thanh kiểm tra các dự án BOT giao thông kết luận, dù còn sai sót, tồn tại nhưng các dự án không gây thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.

Giải đáp ý kiến cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết, hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) bắt đầu thực hiện tại Việt Nam từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định 77 về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đối với nhà đầu tư trong nước. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP được thực hiện chặt chẽ như dự án đầu tư công. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án được quản lý như đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách.

Đối với các dự án đang triển khai thực hiện, ngoài việc thẩm tra, thẩm định hồ sở thiết kế, dự toán công trình theo quy định, Bộ Giao thông vận tải đã chủ động phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành thanh tra, kiểm toán tất cả các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Trên cơ sở kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục cập nhật, rà soát, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của các chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình thẩm định, quyết toán dự án, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Các dự án PPP do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, không áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Liên quan đến mức phí, báo cáo nêu rõ, đối với các dự án đã triển khai, trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư, giá trị quyết toán công trình, Bộ Giao thông vận tải và các nhà đầu tư BOT sẽ tính toán lại phương án tài chính của các dự án để xác định chính xác mức phí và thời gian thu phí các dự án trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người sử dụng dịch vụ và nhà nước.

Đối với các dự án chuẩn bị đầu tư, mức phí, thời gian thu phí được xác định ngay từ bước lập dự án theo đúng quy định. Mức phí và thời gian thu phí được xác định chính thức trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên nguyên tắc đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Bộ khẳng định, quá trình thực hiện và khai thác các dự án BOT đảm bảo tính công khai, minh bạch các dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Vừa qua,Quốc hội, UB Kiểm tra Trung ương, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tổ chức nhiều đoàn thanh kiểm tra toàn bộ quá trình triển khai các dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thấy, quá trình triển khai thực hiện các dự án BOT còn có các sai sót, tồn tại nhưng không gây thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.

Thông qua đó, các cơ quan, đơn vị có liên quan đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại ngay trong quá trình thi công, phòng ngừa, ngăn chặn những sai sót, gây thiệt hại cho Nhà nước, đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, rút ra các kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trong thời gian tới.

Về giải pháp thời gian tới, Bộ cho biết,sẽ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và kiến nghị dừng toàn bộ hình thức chỉ định thầu (kể cả dự án đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định), kiến nghị áp dụng hình thức đấu thầu tại tất cả các dự án.

Sẽ triển khai hệ thống thu giá tự động không dừng tại các dự án BOT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí đường bộ độc lập để quản lý giám sát việc thu phí đường bộ trên toàn quốc.

Biện pháp đáng chú ý nữa là đưa vào hoạt động chính thức trang thông tin điện tử công bố thông tin chi tiết về tất cả dự án, đăng tải đầy đủ thông tin về dự án, nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư, đơn vị thực hiện, thời gian thực hiện, chi phí đầu tư, chi phí quyết toán, mức phí, thời gian thu phí..., công khai các thông số, chính sách về miễn giảm cho xe qua trạm và miễn giảm cho người dân sống quanh trạm thu phí BOT.

Thái Anh