Bộ giao thông thờ ơ với cây cầu có thể sập bất cứ lúc nào

Ông Ao Văn Thinh, Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai cho biết, trước tình trạng lung lay của cầu Đồng Nai, 3 năm qua tỉnh liên tục đề xuất sửa chữa nhưng Bộ Giao thông vận tải đáp ứng quá chậm. "Tỉnh cũng vô phương, không biết phải xử lý thế nào", ông Thinh bức xúc.

Từ ngày 7/8, để chống sập cầu Đồng Nai, xe ôtô có trọng tải từ 15 tấn trở lên thay vì đi qua cầu sẽ được điều chuyển lưu thông qua cầu Hóa An (Đồng Nai) và phà Cát Lái (TPHCM). Xe gắn máy vẫn lưu thông bình thường.

Chiều qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Ao Văn Thịnh cho biết, việc phân luồng giao thông này sẽ giúp cầu Đồng Nai giảm bớt khoảng 5.000 xe tải. Hiện ước tính mỗi ngày có hơn 40.000 xe các loại lưu thông qua cầu.

Trong cuộc họp sáng nay với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Cục Giao thông đường bộ cũng đặt ra khả năng sẽ làm cầu phà vận tải ở 2 bờ sông, một bên là Đồng Nai, phía kia thuộc TPHCM và Bình Dương, để giảm thêm lượng xe qua cầu.

Dự kiến đầu tuần sau, 15 chuyên gia của Cục Giao thông đường bộ sẽ tiến hành khảo sát thực địa để lập đề cương kiểm định, lên phương án giảm tải hoàn chỉnh cho cầu Đồng Nai. Cuộc khảo sát này cũng xác định hướng để xây cầu mới thay thế chiếc cầu đang được cảnh báo là có thể sập bất cứ lúc nào.

"Lão" cầu 33 tuổi

Cầu Đồng Nai là cửa ngõ giao thông quan trọng trên quốc lộ 1A, con đường huyết mạch kết nối TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh và các tỉnh miền Tây với miền Đông, Trung, Bắc Việt Nam. Đầu cầu Đồng Nai cũng là khu vực giáp ranh 3 tỉnh thành Đồng Nai, Bình Dương và TPHCM.

Muốn vào TPHCM từ phía Đông (hướng Đồng Nai về), chỉ có 2 con đường. Một theo Quốc lộ 1K từ nội thị Biên Hòa vào TPHCM, một đi Quốc lộ 1A qua cầu Đồng Nai. Hầu hết tài xế chọn đường 1A, còn gọi là xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Đồng Nai vào đến thành phố vì là quốc lộ chính, rộng rãi.

Chính vì vậy hàng ngày chiếc cầu Đồng Nai, được xây dựng từ năm 1964, có trọng tải 25 tấn theo thiết kế ban đầu, phải oằn mình cõng gần 41.000 loại phương tiện lưu thông. Công tác duy tu bảo dưỡng lại không được chú trọng khiến chiếc cầu hiện trong tình trạng sắp sập.

Mỗi lần xe tải lớn đi qua, chiếc cầu rung lên bần bật tưởng như sắp long ra những mối nối bằng sắt. Trên mặt cầu có nhiều đoạn được lắp ghép với nhau bằng các thanh sắt, xe gắn máy chạy ngang cũng nghe những thanh sắt ráp mặt cầu dội lên xuống kêu ầm ầm.

Đó là chưa kể khu vực Tân Vạn - ngã ba giáp ranh 3 địa phương - thường xuyên xảy ra tắc đường. Mỗi lần kẹt xe, hàng đoàn xe tải, container nối dài có khi qua cả bên kia cầu, khiến trọng lượng càng thêm nặng. Ban Quản lý cầu phải có quy định xe tải qua cầu cách nhau khoảng 3m nhưng thực chất khoảng cách thường sát đầu xe nhau.  

Cầu Đồng Nai mới vẫn nằm trong ý tưởng

Ông Ao Văn Thinh cho biết, trước tình trạng lung lay của cầu Đồng Nai, 3 năm qua tỉnh liên tục đề xuất sửa chữa nhưng Bộ Giao thông vận tải đáp ứng quá chậm. "Tỉnh cũng vô phương, không biết phải xử lý thế nào với cầu", ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai than dài.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty xây dựng số 1 Nguyễn Văn Chiến cũng cho biết, 2 năm qua đơn vị này cũng đuổi theo việc xúc tiến thủ tục sửa cầu nhưng chỉ mới xin được chữ ký của Bộ Giao thông vận tải. Mọi quy trình còn lại cho một dự án như phải sửa cầu như thế nào, ra sao... chưa được bàn đến chứ đừng nói đến vốn hay kế hoạch triển khai, theo ông Chiến.

Chỉ đến cuối tuần trước, khi những cảnh báo về nguy cơ cầu sắp sập đang manh nha trở thành hiện thực, Tổng Công ty xây dựng số 1 mới chính thức được chọn làm chủ đầu tư xây cầu Đồng Nai mới ngay vị trí gần cầu hiện tại.  

Ông Chiến cho biết: "Mặc dù chưa hề có văn bản ký kết nào với các bên liên quan về hợp đồng chủ đầu tư cầu Đồng Nai, đầu tuần này tổng công ty đã bắt tay vào thiết kế, khảo sát vì không thể chậm trễ hơn".

Ông tổng giám đốc xây cầu Đồng Nai khẳng định, hiện cầu mới vẫn là con số 0: chưa có thiết kế, không dự án, chưa tiền, vốn vì vậy cũng chưa xác định... Ngày khởi công lại càng xa vời hơn. Biện pháp an toàn trước mắt cho cây cầu cũ vẫn là phải giảm trọng tải, lượng xe cộ lưu thông.

Theo Phan Anh
VnExpress