1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ đội công binh và “sứ mệnh” bắc cầu phao nối 2 bờ sông Hồng

(Dân trí) - Hơn 5 tháng duy trì cầu phao Chèm, nhiều đêm thức trắng giữa sông nước và cát bụi, các chiến sỹ công binh luôn nêu cao tinh thần khẩn trương thông cầu mở bến, kéo đẩy ô tô, thậm chí phải đổ máu vì “sứ mệnh” bắc cầu phao nối 2 bờ sông Hồng.

Từ những ngày cuối tháng 11/2009, nhằm “giải cứu” cầu Thăng Long khỏi sự quá tải và ùn tắc trong thời gian sửa chữa, nhiệm vụ quân sự bắc cầu phao nối liền hai bờ sông Hồng được 2 đơn vị chủ lực là Lữ đoàn 239 và Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh, Bộ Tư lệnh Công Binh thực hiện.

Quân lệnh như sơn

“Ngay khi cập bến Chèm, toàn lực lượng lập tức bắt tay vào khảo sát địa hình. Cái khó đầu tiên mà lực lượng công binh gặp phải là đất cát bị sụt, trong khi đó mực nước sông Hồng đang ở mức báo động về tình trạng cạn nhất trong lịch sử, những khó khăn của điều kiện tự nhiên đã vô tình vô hiệu hóa nhiều loại khí tài, phương tiện, nhiều canô, đầu máy chuyên dụng mắc cạn” - Thiếu tá Nguyễn Văn Chuyên (Phó chỉ huy Lữ đoàn Công binh 249) nhớ lại.


Bộ đội công binh và “sứ mệnh” bắc cầu phao nối 2 bờ sông Hồng  - 1

Tháng 11/2009, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội tiến hành bắc cầu quân sự tại bến Chèm (ảnh: Hữu Nghị)

Giữa ngày đông, không khí lạnh liên tục tràn về làm Hà Nội lạnh cóng, nhưng những hiệu lệnh quân sự liên tục được phát ra, các vị trí “chiến đấu” luôn sẵn sàng, tinh thần làm việc hăng say, cấp tốc và đầy trách nhiệm của hàng trăm chiến sỹ công binh đã khiến cả khúc sông Hồng qua bến Chém “nóng” lên.

Điểm tập kết khí tài cách bến phà Chèm 5 km. Để vận chuyển những đốt phao nặng hàng chục tấn về bến thì lính công binh phải dùng sào đẩy và chống chèo. Đặc biệt, tại những đoạn nước sông quá cạn, khi những khí tài bị chệch luồng “sa lầy” trong bãi cát, các cán bộ, chiến sỹ phải nhảy xuống sông và dầm mình dưới nước để đẩy trong khi trời rét căm căm, nhiệt độ ngoài trời chỉ hơn 10oC.
 
Bộ đội công binh và “sứ mệnh” bắc cầu phao nối 2 bờ sông Hồng  - 2
Cây cầu bắc qua sông Hồng tại bến Chèm có tổng chiều dài hơn 1.000m (ảnh:Việt Hưng)

Sau nhiều đêm dài thức trắng trong giá rét để thi công, 8h sáng ngày 24/11, hơn 1.000m cầu phao quân sự quân sự hiện đại nhất Việt Nam chính thức được thông xe với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cùng hàng trăm chiến sỹ công binh và nhân dân địa phương.

Lính công binh “đa zi năng”

Hàng ngày, tại bến Chèm có gần 200 chiến sỹ công binh làm nhiệm vụ kiểm tra kỹ thuật và duy trì cầu phao. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các phương tiện, bộ đội công binh phải túc trực 24/24 giờ với nhiều bộ phận như kỹ thuật, cứu hộ, cảnh giới, kiểm soát…

Sau khi cầu phao Chèm hoạt động ổn định, một số bộ phận công binh được rút về đơn vị để làm nhiệm vụ mới, nhiều chiến sỹ khác nhận điều chuyển công việc ngay tại cầu phao.

Chiến sỹ Hoàng Đình Việt Tiến (Lữ đoàn Công binh 249) vui vẻ: “Tôi làm nhiệm vụ lái máy ủi trong những ngày đầu bắc cầu phao, sau khi cầu thông xe thì tôi được điều chuyển sang làm công tác hậu cần, hàng ngày tôi nấu cơm phục vụ toàn Lữ đoàn. Tôi rất tự hào vì được tham gia làm nhiệm vụ quân sự tại cầu phao Chèm và phục vụ nhân dân, tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
 
Bộ đội công binh và “sứ mệnh” bắc cầu phao nối 2 bờ sông Hồng  - 3
Tại cầu phao Chèm, bộ đội công binh đã "giải cứu" người và nhiều phương tiện gặp nạn (ảnh: Như Quỳnh)

Không chỉ giúp các phương tiện lưu thông an toàn, suốt thời gian duy trì cầu phao tại bến Chèm, các chiến sỹ công binh còn nhiều lần cứu giúp người gặp nạn trên sông Hồng. Đơn cử như đêm 7/4, khi đoạn qua cầu phao thông thủy đã xảy ra va chạm giữa 2 tàu lưu thông ngược chiều khiến 1 thanh niên nam bị thương rất nặng. Ngay khi nhận được tin báo, nhiều cán bộ và chiến sỹ Lữ đoàn 249 đã có mặt thực hiện sơ cứu và đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời.

“Đối với bộ đội, giỏi 1 việc nhưng phải biết nhiều việc, phải độc lập tác chiến. Là nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt nên tất cả lực lượng đều không nghĩ gì đến cá nhân, nhiều đồng chí chấp nhận không phép về thăm nhà suốt 5 tháng qua. Giữa bãi nổi sông Hồng niềm vui của chúng tôi là nhận được sự quan tâm của người thân lên thăm nom và sự động viên hàng ngày của nhân dân địa phương, bất kỳ việc gì tốt cho dân cho nước chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ” - Thiếu tá Chuyên chia sẻ.
 
Bộ đội công binh và “sứ mệnh” bắc cầu phao nối 2 bờ sông Hồng  - 4
Hoàn thành "sứ mệnh" giải cứu cầu Thăng Long, sáng 8/5, cầu phao quân sự tại bến Chèm bắt đầu được tháo dỡ (ảnh: Như Quỳnh)

Hơn 5 tháng duy trì cầu phao Chèm, nhiều đêm thức trắng giữa sông nước và cát bụi, các chiến sỹ công binh luôn nêu cao tinh thần khẩn trương “Mở đường thắng lợi”. Hoàn thành “sứ mệnh” nối liền 2 bờ sông Hồng, cầu Chèm đã hoàn thành nhiệm vụ “giải cứu” thành công cho cầu Thăng Long, và từ ngày 8 - 10/5 Bộ Quốc phòng tiến hành tháo dỡ cầu phao quân sự tại bến Chèm.

“Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”

Sáu năm với 3 lần nhận lệnh bắc cầu phao nối 2 bờ sông Hồng (bắc cầu phao Khuyến Lương phục vụ cho Sea Games 22, bắc cầu phao tại Phùng trong trận lụt lịch sử năm 2008, bắc cầu phao tại bến Chèm để “giải cứu” cầu Thăng Long), thực hiện nhiệm vụ mở đường thắng lợi và đảm bảo an toàn giao thông, bộ đội công binh đã có nhiều hy sinh mất mát, thậm chí phải đổ máu.

Tấm gương mà chúng tôi muốn nhắc tới là liệt sỹ Bùi Văn Dũng, cấp bậc: binh nhất; chức vụ: chiến sỹ; đơn vị: Đại đội, Tiểu đoàn 1 Lữ đoàn H39, Bộ Tư lệnh Công binh. Anh Dũng hy sinh tháng 2/2003 khi đang thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tải trọng của các phương tiện qua cầu phao Khuyến Lương, lúc đó anh Dũng mới vừa tròn 19 tuổi.
 
Bộ đội công binh và “sứ mệnh” bắc cầu phao nối 2 bờ sông Hồng  - 5
Bộ đội công binh xứng danh "Bộ đội cụ Hồ" (ảnh: Hữu Nghị)

Đại tá Phùng Quang Nam (Trưởng Lữ đoàn Công Binh 239) kể: “Đó là thời gian bắc cầu phao Khuyến Lương phục vụ Sea Games 22 tại Hà Nội. Đồng chí Dũng thuộc tổ điều hành giao thông qua cầu phao Khuyến Lương. Khi phát hiện một xe container quá tải qua cầu, đồng chí Dũng ra hiệu yêu cầu xe dừng lại nhưng tài xế không chấp hành.

Trước tình hình đó, đồng chí Dũng nhảy lên bậc lên xuống của xe và bám vào cabin kiên quyết yêu cầu tài xế chấp hành quy định, thế nhưng lái xe vẫn cố tình vi phạm điều khiển xe chạy xuống cầu phao khiến đồng chí Dũng tuột tay và bị bánh xe cán lên người, đơn vị đã đưa đồng chí Dũng đi cấp cứu ở Bệnh viện 103 nhưng không kịp…”.

“Trong đơn vị, Dũng là một chiến sỹ luôn tích cực và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sự hi sinh của đồng chí Bùi Văn Dũng được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi công và truy tặng danh hiệu liệt sỹ năm 2004” - Trung tá Phùng Quang Nam chia sẻ.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm