Bộ đội cho gạo, cho thuốc, cho cái chữ…
(Dân trí) - Con đường lên vùng biên viễn khu 7 Tây Giang xa xăm khúc khuỷu, bốn bề núi dựng. Nơi đây người dân tin thầy mo, thầy cúng hơn thầy thuốc, mê tín dị đoan ăn sâu vào máu thịt, chuyện thiếu ăn xảy ra hàng ngày... Nhưng, nhiều đổi thay đã đến với họ...
Ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển, đồn biên phòng 651 nằm cheo leo bên ngọn núi dưới chân đỉnh Tà Xuyên (Tây Giang, Quảng Nam). Tiếp vội chúng tôi ngay tại bàn trực của đồn, thượng tá Vương Đăng Vinh, đồn trưởng kể chuyện bộ đội Biên phòng tham gia giúp dân khai sáng thoát khỏi những hủ tục và chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, đem lại cuộc sống mới cho đồng bào.
“Trước đây tại vùng này, hủ tục còn nặng lắm. Dân tin vào những thầy mo, thầy cúng hơn thầy thuốc, mê tín dị đoan ăn sâu vào máu thịt của họ nên thường xảy ra nhiều chuyện đau buồn như tự tử vì những chuyện mâu thuẫn rất nhỏ nhặt, cấm kị những điều hết sức vô lí. Theo tục bắt vợ, người phụ nữ Cơtu phải gánh nặng cả khối công việc trên đôi vai gầy. Anh em chúng tôi phải vận động rất nhiều, các chiến sĩ phải cắm bản để giúp dân làm kinh tế, tuyên truyền cho họ thấy cái không tốt của các hủ tục”.
Anh Vương Đăng Vinh trao nhà Đại đoàn kết cho chị Alăng Bhứa tại xã Ch'ơm
“Dân ở đây nghèo, nghèo lắm vì tài sản họ chẳng có gì ngoài ngô và sắn. Chuyện thiếu gạo ăn là có thực, nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại rằng nhân dân ở đây không đói. Thực tế hôm bão, đồn cũng đã xuất mấy chục tạ gạo để phát cho dân”, đồn trưởng Vinh kể.
Chuyện dân trong bản lúc lên xin bao muối, chén mắm, gói mì chính, viên thuốc là “chuyện thường ngày ở huyện” tại vùng này. Trên đường đi trao nhà tình nghĩa cho một hộ dân trong xã Ch’ơm, qua một quán tạp hóa nhỏ trên đường chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi tình cảm mà bà con dành cho cán bộ chiến sĩ biên phòng nơi đây, đặc biệt là “chú Vinh”. “Chú Vinh đi cho nhà đó, chú Vinh tốt nhất bản này. Đau ốm chú Vinh cho các anh trong đồn đến chữa khỏi liền…”.
Tại xã Ch’ơm, đồn 651 cũng đã cử anh Chín, cán bộ đồn làm Phó chủ tịch xã để giúp đỡ bà con. Ngoài ra còn nhiều chiến sĩ trẻ cắm bản tại đây như chiến sĩ trẻ Chu Mạnh Đoàn (1987) cùng bà con bảo vệ sự bình yên biên giới và đi lên khỏi đói nghèo.
Những điều còn nhức nhối
Bên chén rượu mừng tình quân dân sau buổi lễ trao nhà Đại đoàn kết (trong chương trình “Mái ấm nơi biên giới, hải đảo” do Bộ đội Biên phòng phát động) của đồn cho chị Alăng Bhứa tại xã Ch’ơm, chúng tôi mới cảm nhận hết được ý nghĩa của câu nói “quân với dân như cá với nước”, thấy được sự thể hiện qua hình ảnh minh họa câu chuyện hôm anh Vinh kể trên đồn lúc chúng tôi vừa tới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng tôi cũng còn nghe nhiều về câu chuyện đang còn làm cho Đồn cũng như lãnh đạo xã còn nhức nhối. Đó là hủ tục vẫn còn chưa mất hẳn, bà con còn nghèo lắm, gạo không đủ ăn quanh năm. Vào mùa mưa rét bà con rất cực khổ, chẳng thể chăn nuôi gì được vì dịch bệnh, vì thời tiết quá khắc nghiệt.
“Mùa mưa ở đây kéo dài lê thê, mùa đông nhiệt độ có lúc xuống đến 6-7 độ, mùa hè không vượt quá 24 độ. Nó giống nhiệt độ Đà Lạt đấy, nhưng khi nhìn những đứa trẻ co ro trong giá lạnh, lội suối vượt rừng đến trường tìm con chữ thì chẳng ai có thể cầm lòng để mà mơ về Đà Lạt nơi miền biên ải này nữa. Thời tiết nơi đây khắc nghiệt, đất đai xấu lắm, bà con phải “lách đá” để trồng lúa, trồng sắn ngô. Chăn nuôi thì rất khó, cứ rét về là gia súc gia cầm xù lông rồi theo nhau chết hết”, anh Vinh cho biết thêm.
Nơi đây nhân dân vẫn còn mang nặng tính trao đổi hàng hóa tự phát theo kiểu hàng đổi hàng chứ ít có trao đổi bằng tiền mặt. Đời sống kinh tế thị trường mới khẽ chạm ngõ vùng biên này qua một số quán tạp hóa nhỏ. “Tuy nhiên, có khi cần thứ gì họ cũng mang con gà con heo, ang bắp, sắn đến đổi chứ không phải bằng tiền mặt”, một chị chủ quán người kinh cho biết thêm.
Dấu ấn đời sống cộng đồng ở đây còn rất đậm, “săn được một con thú rừng họ cũng chia đều cho cả làng dù mỗi nhà chỉ được có nắm thịt. Có thể là truyền thống tốt đẹp lâu đời của bà con nhưng thực tế nó sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh để vươn lên làm giàu. Họ thích công bằng một cách tuyệt đối chứ không thích ai hơn ai. Những nhà sống tách khỏi cộng đồng bản là những nhà có ý chí làm giàu, họ giàu lên thật. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền đến bà con nhiều lắm để bà con chú tâm làm ăn, nhưng không đơn giản một sớm một chiều có thể thay đổi được. Chính vì thế đồn đã cử cán bộ chiến sĩ cắm bản, vừa giúp dân làm ăn vừa tuyên truyền vận động họ để từ từ cho họ thấy được cái đúng cái sai trong một số tập tục truyền thống của đồng bào” - anh Vương ĐăngVinh tâm sự.
Ước mong lớn nhất của chiến sĩ biên phòng nơi đây cũng như bà con là làm sao để sớm thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Quanh năm đủ hạt gạo ăn cho no cái bụng, có cái áo ấm cho đứa trẻ đến trường không bị lạnh. Nhìn những mái nhà lợp tôn xanh theo hình thức nhà truyền thống của bà con dân tộc Cơtu nơi đây, chúng tôi đã cảm nhận được trên miền xa biên giới này đang rộn rã những đổi thay nay mai.
Trọng Huy