1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bọ đen “bu kín” xã Xuân Quế, Đồng Nai

Bọ đen bám thành từng mảng lớn trên mái nhà và những góc tường ẩm mốc. Khi chúng rớt vào nước thì phải bỏ nước, rớt vào thức ăn thì bỏ thức ăn. Có nhiều người bị bọ chui vào tai phải đi cấp cứu. Trẻ em thì ghẻ ngứa vì bọ.

Tại xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, hơn 20 năm nay, cứ đến rằm tháng 4 từng đàn bọ đen cả triệu con bay về, bám dày đặc khắp nơi, gây không ít khó khăn cho đời sống, sinh hoạt của người dân…

 

Người dân ở đây cho biết: Lúc trời nắng thì loài côn trùng này nằm im, nhưng hễ trời âm u hoặc mưa thì chúng bò ra rơi khắp nhà khiến hàng trăm hộ dân không thể ăn uống, nghỉ ngơi được.

 

Vì bọ có mùi rất hôi nên khi rớt vào nước thì người dân bỏ nước, rớt vào thức ăn thì bỏ thức ăn. Trẻ em trong xã bị ghẻ ngứa rất nhiều vì bị bọ đen bò lên người. Đêm xuống, mùng, màn vô tác dụng. Đã có nhiều người bị chúng chui vào tai phải đi bệnh viện cấp cứu.

 

Ông Trần Hoành- Chủ tịch UBND xã Xuân Quế cho biết: Nạn dịch bọ đen là nỗi bận tâm của người dân và chính quyền địa phương.

 

Nhiều năm nay, xã cũng đã thực hiện nhiều biện pháp dập dịch như mua các loại thuốc diệt sâu, bọ đắt tiền về xịt, mời một số nhà khoa học về nghiên cứu nhưng vẫn chưa tìm được thuốc diệt bọ đen hữu hiệu. Gần đây, một số hộ đã tháo gỡ nhà ngói và lá để xây nhà tường, lợp tôn, đồng thời dùng thuốc trừ sâu để phun xịt nhưng vẫn không có tác dụng.

 

Quan sát trong nhiều năm, người dân nhận thấy một điều lạ: nhà nào mà năm nay bọ đen về nhiều thì sang năm nó lại tiếp tục cư trú, dù có dùng mọi biện pháp tiêu diệt và xua đuổi chúng. Chẳng hạn như văn phòng nông trường Cao su Ông Quế, mấy chục năm qua, năm nào bọ đen cũng về cư trú.

 

Trước đây, nông trường sử dụng căn nhà cũ lợp ngói do Pháp xây, bị bọ bám dày đặc, nông trường đã tháo bỏ ngói, lợp tôn. Nay tường và trần nhà được thay mới và gắn thêm cả máy lạnh, nhưng bọ vẫn về bám đen đặc.

 

Ghê hơn là trường THCS Lý Tự Trọng. Trường có hơn 15 phòng học thì tất cả đều dày đặc bọ đen. Có nơi chúng bám dày đến hơn một gang tay. Mật độ bọ đen tập trung quá nhiều làm cho học sinh không thể học được mỗi khi trời mưa.

 

          
Bọ đen “bu kín” xã Xuân Quế, Đồng Nai - 1

              Bọ bám kín các góc tường của trường THCS Lý Tự Trọng

 

Ông Trần Hoành - Chủ tịch UBND xã phàn nàn: “Hàng năm, cứ đến kỳ thi tốt nghiệp THCS, chúng tôi lại phải chạy đôn chạy đáo tìm những loại thuốc diệt bọ mà không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của học sinh. Thuốc rất đắt tiền, nhưng xịt cũng chỉ để đối phó”.

 

Một số giáo viên cho biết: Mỗi lần xịt thuốc hốt được cả trăm bao bọ đen, nhưng hôm sau chúng lại bò đen nhà. Vì thế, học sinh vẫn bị bọ đen bám đầy người.

 

Cũng theo một số hộ dân, dịch xuất hiện theo chu kỳ (thường chấm dứt vào giữa tháng 10 âm lịch). Nhưng đáng ngại hơn, dịch này đang có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây và gây bao nỗi phiền toái, khổ sở cho người dân trong xã.

 

Theo Tiền phong