1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Công an: Nhiều tổ chức khủng bố tiến hành chiến dịch chống phá bầu cử

Nguyễn Dương

(Dân trí) - "Mỗi lần chúng ta có sự kiện trọng đại của đất nước, của dân tộc như Đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội... các thế lực thù địch luôn coi đó là dịp để chống phá", Chánh Văn phòng Bộ Công an nói.

Chiều 21/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc gặp gỡ giữa đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị liên quan và các cơ quan báo chí để cung cấp thông tin, giúp nhân dân biết, nắm rõ và yên tâm thực hiện quyền công dân của mình vào ngày 23/5, đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra tốt đẹp nhất, thành công nhất.

Bộ Công an: Nhiều tổ chức khủng bố tiến hành chiến dịch chống phá bầu cử - 1

Trung tướng Tô Ân Xô phát biểu tại buổi trao đổi với báo chí.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, mỗi lần chúng ta có sự kiện trọng đại của đất nước, dân tộc (Đại hội Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ngày 30/4 thống nhất đất nước...) các thế lực thù địch luôn coi đó là dịp để chống phá. Đợt bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 lần này cũng là dịp các thế lực thù địch chống phá.

Qua theo dõi, Bộ Công an nhận thấy nổi lên một số thủ đoạn, phương thức như công kích, bôi nhọ nhiều lãnh đạo các cấp, nhất là các ứng cử viên ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, hòng làm giảm sút lòng tin của nhân dân, gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Lợi dụng quá trình chuẩn bị công tác nhân sự để tạo dựng, tán phát thông tin theo hướng phân hóa thành phần nhân sự ứng cử, giữa những người trong đảng và ngoài đảng nhằm gây chia rẽ nội bộ, gây nhiễu loạn thông tin, gây ra những dư luận trái chiều.

Lợi dụng mạng xã hội đăng tải rất nhiều những đơn thư khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo các cấp, bịa đặt chính quyền đàn áp, bắt giam những người tự ứng cử ĐBQH; vu cáo chính quyền tước quyền bầu cử của người dân... Thậm chí có một số tổ chức, cá nhân kêu gọi người dân thực hiện chiến dịch "không biết, không đi bầu", kích động không đi bầu cử, "tẩy chay bầu cử".

Trước tình hình đó, lực lượng Công an đã tổ chức điều tra, phát hiện các tổ chức khủng bố như Việt Tân đã xây dựng, tiến hành các chiến dịch quy mô lớn nhằm chống phá bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, ý đồ tạo ra "làn sóng phong trào" để lôi kéo các đối tượng phản động trong nước tham gia tẩy chay bầu cử. Thiết lập các trang mạng về bầu cử Quốc hội 2021 để phát tán thông tin, bài viết, video clip xuyên tạc.

"Nhiều tổ chức phản động, chống đối trong và ngoài nước ráo riết sử dụng các trang mạng, blog, mạng xã hội để đăng tải bài viết, video clip kích động, kêu gọi biểu tình chống Đảng, Nhà nước trong dịp chuẩn bị tổ chức bầu cử, làm xói mòn lòng tin của người dân, của cử tri vào Đảng và chính quyền", Trung tướng Tô Ân Xô thông tin.

Thời gian vừa qua, Bộ Công an đã tổ chức đấu tranh 124 đối tượng phản động chống phá, phá hoại cuộc bầu cử; quản lý, giám sát chặt chẽ 1.251 đối tượng phản động, chống đối; khởi tố, bắt 3 đối tượng vi phạm pháp luật hòng chống phá bầu cử; khởi tố 11 đối tượng đưa tin xuyên tạc sự thật liên quan bầu cử trên không gian mạng, xử lý vi phạm hành chính liên quan hành vi này đối với hàng trăm đối tượng...

Do Covid-19, các đối tượng triệt để lợi dụng không gian mạng

Bộ Công an: Nhiều tổ chức khủng bố tiến hành chiến dịch chống phá bầu cử - 2

Tại các điểm bỏ phiếu, danh sách các ứng cử đã được niêm yết đầy đủ.

Tính từ ngày 15/4 đến nay, lực lượng an ninh nội địa đã phá rã 3 nhen nhóm phản động, truy tìm, triệu tập và vô hiệu hóa nhiều đối tượng, thu giữ hàng trăm đầu tài liệu phản động. Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đấu tranh vô hiệu hóa hơn 200 mục tiêu trên không gian mạng, gỡ bỏ 658 video clip có nội dung xuyên tạc về cuộc bầu cử.

Lực lượng cảnh sát tổ chức điều tra làm rõ 1.472 vụ án, bắt 2.096 đối tượng phạm tội về trật tự an toàn xã hội, bắt 323 đối tượng truy nã; triệt phá 1.955 vụ, bắt 2.600 đối tượng phạm tội về ma túy; bắt 1.312 vụ, xử lý 7.158 đối tượng đánh bạc, góp phần tạo môi trường an ninh, an toàn phục vụ công tác tổ chức bầu cử.

Ngoài ra, lực lượng công an đã tiếp nhận, tra cứu 66.302 yêu cầu tra cứu về nhân sự để những trường hợp tham gia ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đảm bảo quy định của luật bầu cử. Lực lượng công an triển khai tổ chức phân công cán bộ chiến sĩ (CBCS) đến làm nhiệm vụ tại gần 85.000 tổ bầu cử. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay còn chuẩn bị lực lượng, phương tiện, phương án bảo vệ các thùng phiếu phụ...

Cũng theo Chánh Văn phòng Bộ Công an, lực lượng an ninh mạng đã tấn công, vô hiệu hóa 1.191 mục tiêu trên không gian mạng, thường trực giám sát 300 trang mạng, 100 hội nhóm lớn, 65 kênh youtube có hoạt động chống phá; ngăn chặn 3.666 trang mạng có nội dung xấu, độc có máy chủ ở nước ngoài.

"Do dịch bệnh Covid-19 nên các thế lực thù địch, những đối tượng chống đối cũng thay đổi phương thức tiến hành chống phá. Nếu như trước đây chúng bằng các phương thức, thủ đoạn truyền thống như đưa người về câu móc trong, ngoài, thì bây giờ các đối tượng triệt để lợi dụng không gian mạng, lợi dụng công nghệ thông tin để tấn công, chống phá", Trung tướng Tô Ân Xô phân tích, khẳng định đây là phương thức, thủ đoạn mới và lực lượng an ninh mạng sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình trong đấu tranh, ngăn chặn các thông tin xấu, độc.

Dòng sự kiện: Bầu cử Quốc hội