1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Công an: Không để người dân đu bám tàu hàng để tránh chốt kiểm dịch

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Lực lượng công an cần tăng cường kiểm tra, không để người dân đu bám trên tàu hàng nhằm tránh chốt kiểm dịch gây mất an toàn chạy tàu, ngăn chặn người dân từ vùng dịch đến các địa phương khác.

Dự báo của Bộ Công an, trong thời gian tới, khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều địa phương tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, tình hình TTATGT sẽ phức tạp, vi phạm gia tăng, các phương tiện vận tải hành khách công cộng hoạt động trở lại, nhu cầu người dân từ các địa phương nới lỏng giãn cách để trở về quê là rất lớn.

Để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 26 ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện nghiêm túc các giải pháp bảo đảm TTATGT, phòng ngừa tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông từ nay đến hết năm 2021.

Theo đó, lực lượng Công an, trọng tâm là Cảnh sát giao thông cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ về phòng, chống đua xe trái phép, bảo đảm TTATGT và phòng, chống dịch Covid-19 sau thời điểm nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội.

Các lực lượng phải chủ động nắm tình hình để xác định thời gian, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng, từ đó kịp thời phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng vi phạm, xử lý ngay từ đầu khi các đối tượng "manh nha" có biểu hiện tụ tập, gây rối trật tự công cộng, tổ chức, cổ vũ đua xe trái phép.

Chỉ đạo cũng định hướng đưa ra truy tố, xét xử ngay tại địa bàn xảy ra các vụ việc điển hình nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

Cảnh sát giao thông được giao đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT; tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông.

Bộ Công an: Không để người dân đu bám tàu hàng để tránh chốt kiểm dịch - 1

Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng kiểm soát chặt chẽ tính xác thực của giấy đi đường, xét nghiệm SARS-CoV-2. . (Ảnh: Nguyễn Dương).

Đối với đường bộ, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, công an các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch về tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm chuyên đề nồng độ cồn, ma túy; tập trung các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông như không đội mũ bảo hiểm, tốc độ, nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá khổ, quá tải, đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt, dừng, đỗ không đúng quy định; chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ…;

Đồng thời, các đơn vị, công an địa phương phải kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp lợi dụng việc cấp giấy nhận diện có mã QR cho các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu để vi phạm pháp luật, như: vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại; chở người từ vùng dịch đến các địa phương khác không đúng quy định; chở người nhập cảnh trái phép; làm giả hoặc sử dụng mã QR của xe khác, tẩy xóa thời hạn giấy xét nghiệm Covid-19...; 

Trên đường sắt, Bộ Công an đề nghị, các đơn vị, công an địa phương cần tập trung xử lý các hành vi không chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu, nhân viên gác chắn khi đi qua đường ngang; các vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt; vi phạm về quy trình tác nghiệp kỹ thuật đường sắt; mở đường ngang trái phép…

"Các đơn vị chuyên môn cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để người dân đu bám trên tàu hàng để tránh chốt kiểm dịch gây mất an toàn chạy tàu, ngăn chặn người dân từ vùng dịch đến các địa phương khác",  Bộ Công an chỉ đạo.

Về đường thủy, Bộ Công an tiếp tục đề nghị công an các địa phương cần tập trung xử lý các hành vi vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá số người quy định; quy định về giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện... 

Bên cạnh đó, lực lượng công an cần phối hợp với ngành GTVT và các ngành chức năng bảo đảm hoạt động vận tải thông suốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; tổ chức rà soát tổ chức giao thông; đánh giá, khảo sát xác định các "điểm đen" về tai nạn giao thông để có giải pháp khắc phục kịp thời; phân luồng, điều tiết giao thông thông suốt, tuyệt đối không để ùn tắc giao thông, nhất là tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch;...