1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Công an giải đáp về kỹ năng mở cửa phòng thoát khỏi đám cháy

(Dân trí) - Bộ Công an vừa giải đáp thắc mắc của người dân về kỹ năng thoát khỏi đám cháy, mở cửa phòng tránh bị lửa tạt từ bên ngoài vào như thế nào cho an toàn.

“Vừa qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại cả về người và tài sản, trong đó thiệt hại về người chủ yếu là do bị ngạt khói và tạt lửa khi thoát khỏi đám cháy. Bộ Công an cho tôi hỏi, kỹ năng mở cửa phòng tránh lửa tạt từ bên ngoài khi thoát khỏi đám cháy như thế nào?”- một người dân thắc mắc.

Trả lời việc này, Bộ Công an cho biết, khi phát hiện có cháy hoặc nghe thấy chuông báo động có cháy xảy ra, việc mở cửa các căn phòng để thoát nạn an toàn đóng vai trò rất quan trọng. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp đã gặp nguy hiểm khi mở cửa phòng đột ngột, do ngọn lửa từ ngoài tạt vào người gây chấn thương và nguy hiểm đến tính mạng.

Chính vì vậy, trước khi mở cửa hãy quan sát xung quanh các khe của cánh cửa xem có thấy ánh lửa hay có khói lọt qua các khe cửa hay không. Nếu thấy có ánh lửa phía sau cửa và có khói lọt qua các khe thì tuyệt đối không mở cửa một cách đột ngột.

Bộ Công an giải đáp về kỹ năng mở cửa phòng thoát khỏi đám cháy - 1

Không mở rộng cửa và đứng trực diện để quan sát.

Nếu không nhìn thấy khói, lửa hãy tiến hành kiểm tra nhiệt độ của cánh cửa, hoặc tay nắm khóa cửa (sử dụng phần lưng của các đốt ngón tay hoặc mu bàn tay để kiểm tra). Nếu cánh cửa hoặc tay nắm của cửa nóng hoặc rất ấm thì không được mở cửa đột ngột.

Bộ Công an giải đáp về kỹ năng mở cửa phòng thoát khỏi đám cháy - 2

Kiểm tra nhiệt độ của cửa trước khi mở.

Bộ Công an giải đáp về kỹ năng mở cửa phòng thoát khỏi đám cháy - 3

Mở cửa từ từ và quan sát...

Trong trường hợp thấy tay nắm cửa không nóng và không nhìn thấy khói xung quanh cánh cửa, khi đó cúi thấp người xuống và mở cánh cửa một cách từ từ rồi quan sát để xác định khả năng thoát ra khỏi phòng.

Bộ Công an giải đáp về kỹ năng mở cửa phòng thoát khỏi đám cháy - 4

Đóng cửa và chèn khăn ướt ngăn khói lọt vào phòng.

“Khi mở cửa, nếu quan sát thấy đám cháy đã phát triển lớn, mật độ khói dày đặc, nếu không có các thiết bị như áo chống cháy và mặt nạ chống độc để thoát ra ngoài, thì ngay lập tức phải đóng cửa lại thật chắc chắn; di chuyển vào trong nhà, lấy các tấm khăn hoặc vải mềm thấm ướt chèn vào các khe xung quanh cửa để hạn chế khói lọt vào phòng. Gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 đến ứng cứu”- Bộ Công an hướng dẫn.

Bộ Công an giải đáp về kỹ năng mở cửa phòng thoát khỏi đám cháy - 5

Cách di chuyển an toàn trong vùng nhiễm khói.

Theo Bộ Công an, khi xảy ra cháy, thông thường khu vực xung quanh đám cháy sẽ hình thành 2 vùng cơ bản: vùng không gian sát trần nhà sẽ bao gồm khói và khí độc; vùng không gian phía dưới giáp sàn nhà là không khí sạch.

Đồng thời có thể trong cùng một thời điểm có nhiều người cùng thoát nạn trên một lối. Vì vậy để di chuyển an toàn và tránh hít phải khói độc chúng ta cần chú ý thực hiện một số biện pháp như sau:

- Trên quãng đường di chuyển đến buồng thang, cầu thang thoát nạn, nếu phải đi qua các khu vực bị khói bao phủ thì cần hạ thấp trọng tâm (cúi thấp di chuyển hoặc bò). Đồng thời kết hợp với việc sử dụng khăn hoặc vải mềm thấm ướt bị vào mũi để hạn chế hít phải khói, khí độc;

- Khi có nhiều người cùng di chuyển thoát nạn thi mọi người cần bình tĩnh, không chen lấn, xô đẩy, tuân thủ theo các hướng dẫn của lực lượng cứu nạn, cứu hộ tại chỗ hoặc lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy;

- Khi đã vào trong buồng thang thoát nạn thì phải nhanh chóng đóng ngay cửa ra vào để chặn không cho khói, lửa lọt vào trong buồng thang

- Trong trường hợp khi không còn đường thoát khác mà bắt buộc phải băng qua khu vực có lửa, khói thì hãy chuẩn bị các vật dụng như chăn dày, áo khoác dày thấm ướt nước, trùm lên người rồi chạy qua hoặc bò qua khu vực có lửa khói. Tuy nhiên, trước khi di chuyển cần suy tính và hình dung trước quãng đường di chuyển (hướng di chuyển, các điểm rẽ,…) để có thể nhanh chóng đến đích an toàn.

Bộ Công an giải đáp về kỹ năng mở cửa phòng thoát khỏi đám cháy - 6

Biện pháp an toàn khi vượt qua tường lửa để thoát nạn.

- Trong trường hợp bị lửa tác động dẫn đến quần áo bị bén cháy, thì nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực đám cháy rồi dừng lại, tuyệt đối không được chạy tiếp, thật bình tĩnh nằm xuống đất (hoặc sàn) lấy 2 tay che mặt và lăn qua lăn lại cho đến khi ngọn lửa được dập tắt thì mới dừng lại.

Bộ Công an giải đáp về kỹ năng mở cửa phòng thoát khỏi đám cháy - 7

- Trong trường hợp thấy quần áo của người khác bị bắt lửa, thì nhanh chóng lấy tấm vải, áo chăn hoặc cởi áo khoác mình đang mặc (nếu có) phủ kín lên vị trí quần áo bị cháy trên người nạn nhân.

Dùng tay vỗ, đập vào điểm cháy đã được chăn, áo trùm lên để nhanh chóng dập tắt ngọn lửa. Sau khi ngọn lửa đã được dập tắt thì tiến hành sơ cứu bỏng cho nạn nhân và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Bộ Công an giải đáp về kỹ năng mở cửa phòng thoát khỏi đám cháy - 8

Cách xử lý khi người khác bị cháy quần áo.

- Trong quá trình di chuyển thoát nạn ra khỏi đám cháy, nếu nhớ ra còn người thân nào đó hiện vẫn đang mắc kẹt trong căn hộ bị cháy hoặc không biết chính xác người đó đã thoát ra khỏi căn hộ hay chưa, trong trường hợp này không nên cố gắng quay trở lại đám cháy để tìm kiếm người thân, mà phải nhanh chóng thoát ra ngoài và thông tin cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và mọi người xung quanh để có biện pháp xử lý kịp thời.

"Vì khi quay trở lại, đám cháy có thể đã phát triển lớn hơn, nếu người vào tìm kiếm trong đám cháy không có các thiết bị bảo hộ thì rất dễ bị nguy hiểm  đến tính mạng do lửa và khói, khí độc tác động"- Bộ Công an giải thích.

Thế Kha