1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bộ Công an đề xuất quy định mới về giấy thông hành

(Dân trí) - Để tiếp tục tạo thuận lợi cho công dân sang các tỉnh, thành phố biên giới của Trung Quốc tiếp giáp Việt Nam, Bộ Công an kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho thực hiện cấp giấy thông hành “nhập xuất cảnh”.

Theo hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết đối tượng, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, thu hồi, hủy giá trị sử dụng giấy thông hành được Bộ Công an gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, hiện nay trong các hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và các nước láng giềng có chung đường biên giới trên đất liền đang có 2 tên gọi về giấy thông hành. Cụ thể gồm: Giấy thông hành biên giới (đối với Lào, Campuchia) và Giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới (đối với Trung Quốc).

Trong khi đó, Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam chỉ quy định chung tên gọi là giấy thông hành.

Bộ Công an đề xuất quy định mới về giấy thông hành - 1

Giấy thông hành nhập xuất cảnh.

Bộ Công an nhận thấy kể từ khi triển khai thực hiện các hiệp định về biên giới trên đất liền với các nước láng giềng, Việt Nam đã ban hành các mẫu giấy thông hành cấp cho công dân qua lại biên giới. Để phân biệt phạm vi sử dụng của giấy thông hành, tên gọi của giấy thông hành được gắn liền với tên của nước trong hiệp định (Ví dụ: Giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào, Giấy thông hành biên giới Việt Nam- Campuchia...).

Các nước láng giềng cũng cấp giấy thông hành tương ứng cho công dân của nước họ. Mẫu giấy thông hành đã được các bên thông báo cho nhau qua đường ngoại giao, đến nay vẫn đang được sử dụng ổn định và chưa có gì thay đổi.

Do đó, Bộ Công an đề xuất không ban hành mẫu giấy thông hành mới trong nghị định này mà tiếp tục sử dụng tên gọi và các mẫu giấy thông hành hiện có.

Kiến nghị tiếp tục cấp giấy thông hành “nhập xuất cảnh”

Bộ Công an cho biết, những năm qua, xuất phát từ việc phía Trung Quốc cấp giấy thông hành “nhập xuất cảnh” cho công dân Trung Quốc thường trú ở các tỉnh nội địa của họ sang Việt Nam du lịch hoặc giải quyết việc riêng nên phía Việt Nam cũng cấp giấy thông hành tương ứng cho công dân Việt Nam thường trú ở các tỉnh nội địa của Việt Nam sang Trung Quốc trên cơ sở “có đi có lại”.

Để thực hiện cấp giấy thông hành này, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 43/2011/TT-BCA hướng dẫn việc cấp giấy thông hành nhập xuất cảnh cho công dân Việt Nam sang các tỉnh, thành phố biên giới của Trung Quốc tiếp giáp Việt Nam. Cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã thông báo cho nhau mẫu giấy thông hành thông qua đường ngoại giao.

Theo Bộ Công an, diện đối tượng trên không được quy định trong Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc nên không có cơ sở đưa vào nghị định đang xây dựng.

Do đó, để tiếp tục tạo thuận lợi cho công dân sang các tỉnh, thành phố biên giới của Trung Quốc tiếp giáp Việt Nam, tương tự như phía Trung Quốc đang thực hiện đối với công dân của họ, Bộ Công an kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho thực hiện cấp giấy thông hành “nhập xuất cảnh” cho công dân theo quy định tại Thông tư số 43/2011/TT-BCA.

Đối tượng cấp giấy thông hành

Dự thảo nghị định đề xuất, đối tượng được cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam - Campuchia gồm cán bộ, công chức, viên chức, công nhân đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh có chung đường biên giới với Campuchia được cử sang tỉnh biên giới đối diện của Campuchia công tác.

Đối tượng được cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào gồm công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại tỉnh có chung đường biên giới với Lào; công dân Việt Nam không có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh có chung đường biên giới với Lào nhưng làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh có chung đường biên giới với Lào.

Đối tượng được cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc gồm công dân Việt Nam thường trú tại các xã, phường, thị trấn tiếp giáp đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc; cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan nhà nước có trụ sở đóng tại huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh của Việt Nam tiếp giáp đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc được cử sang vùng biên giới đối diện của Trung Quốc để công tác.

Theo dự thảo nghị định, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện, người bị mất giấy thông hành trực tiếp nộp hoặc gửi đơn trình báo báo mất giấy thông cho cơ quan cấp giấy thông hành. Nếu vì lý do bất khả kháng, thời hạn nộp hoặc gửi đơn báo mất có thể dài hơn nhưng trong đơn phải giải thích cụ thể về lý do bất khả kháng.

Trường hợp bị mất giấy thông hành ở nước ngoài thì phải báo cho cơ quan chức năng của nước sở tại để làm các thủ tục xác nhận việc mất giấy thông hành và được tạo điều kiện cho xuất cảnh; khi về nước phải trình báo về việc mất giấy thông hành với đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh của Việt Nam tại cửa khẩu.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm