1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Công an đề xuất gộp giấy phép lái xe hạng B1, B2

Hải Nam

(Dân trí) - Theo Bộ Công an, việc chuyển đổi chỉ thực hiện đối với sát hạch, cấp mới và các trường hợp cấp đổi, cấp lại.

Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, hiệp hội về dự thảo báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tại dự thảo báo cáo đang lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất thay đổi một số hạng giấy phép lái xe (GPLX).

Theo quy định đang có hiệu lực tại luật Giao thông đường bộ 2008, giấy phép lái xe bao gồm 13 hạng: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC.

Trong đó, hạng A4 cấp cho người lái máy kéo có trọng tải đến 1.000kg.

Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg.

Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg.

Bộ Công an đề xuất gộp giấy phép lái xe hạng B1, B2 - 1

(Ảnh minh họa: C.L.).

Trong dự thảo báo cáo mới, Bộ Công an đề xuất bỏ hạng A4 và không quy định hạng GPLX cho người điều khiển máy kéo vì căn cứ vào kiểu loại, công dụng của phương tiện, loại phương tiện này sẽ được xếp vào nhóm xe máy chuyên dùng.

Đồng thời, Bộ Công an cũng đề xuất đưa hạng B1 và B2 về cùng hạng B do căn cứ để phân hạng GPLX là từ công suất, kiểu loại, động cơ, số chỗ ngồi.

Việc cấp GPLX theo hạng mới này, theo Bộ Công an, sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu và cho những GPLX thuộc các trường hợp cấp đổi, cấp lại. Điều khoản chuyển tiếp sẽ quy định GPLX cấp trước khi luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng theo thời hạn và giá trị ghi trên GPLX.

Giải thích về đề xuất trên, Bộ Công an cho rằng, việc đưa nội dung phân hạng GPLX vào dự thảo luật nhằm nội luật hóa các quy định về phân hạng GPLX quy định tại Công ước Viên năm 1968, đảm bảo cam kết của Việt Nam khi ký kết, gia nhập công ước.

Theo Bộ Công an, việc này còn tạo thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, học tập tại các nước là thành viên Công ước Viên năm 1968; không mất chi phí đổi, học để được cấp GPLX, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, thương mại, hợp tác quốc tế, đồng thời phát triển đầu tư, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện trong nước và quốc tế do có sự đồng bộ về phân hạng phương tiện và GPLX.

Việc chuyển đổi chỉ thực hiện đối với sát hạch, cấp mới và các trường hợp cấp đổi, cấp lại, chuyển đổi thực hiện theo hướng có lợi cho người dân, không gây mất an toàn giao thông.