Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã điều động 45 cán bộ diện Trung ương quản lý
(Dân trí) - Ngày 5/8, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị gặp mặt các cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Các Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, chủ trì Hội nghị.
Khâu quan trọng trong công tác cán bộ
Những năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều động, luân chuyển cán bộ ngày càng chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đưa công tác điều động, luân chuyển cán bộ trở thành nhiệm vụ thường xuyên, khâu quan trọng trong công tác cán bộ, từng bước đi vào nền nếp, có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực, đạt kết quả tốt.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã điều động 45 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 34 Ủy viên Trung ương Đảng, cả chính thức và dự khuyết) giữ chức bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối; chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời đã phân công, bố trí công tác sau luân chuyển đối với 53 cán bộ.
Hiện nay, có 16 cán bộ được Trung ương điều động về địa phương; 29 cán bộ được Trung ương luân chuyển ở địa phương. Việc phân công, bố trí cán bộ điều động, luân chuyển đã bám sát các quy định của Bộ Chính trị và có sự đổi mới theo hướng xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và phẩm chất, năng lực, uy tín của cán bộ.
Chất lượng cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển được nâng lên, đa số cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín; nhiều cán bộ sau thời gian điều động, luân chuyển đã có sự trưởng thành rõ rệt. Việc lựa chọn địa bàn, chức danh và chuẩn bị nhân sự điều động, luân chuyển đã gắn kết chặt chẽ với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ của Trung ương, địa phương, có sự đổi mới, phối hợp hiệu quả giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Kết hợp hài hòa, nâng cao hiệu quả giữa mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ với tăng cường cán bộ cho những nơi có khó khăn gắn với quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; góp phần khắc phục một phần tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ và đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp tỉnh không là người địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác điều động, luân chuyển cán bộ còn một số hạn chế: Việc kết hợp hài hòa giữa điều động, luân chuyển với đào tạo, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ gắn với chức danh quy hoạch còn bất cập. Điều động, luân chuyển giữa các khối chưa hài hòa, luân chuyển từ địa phương về Trung ương chưa nhiều. Một số ít cán bộ điều động luân chuyển còn thiếu kinh nghiệm trong công tác xây dựng đảng, quản lý nhà nước…
Tại Hội nghị, các cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển bày tỏ vui mừng được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; mong muốn Trung ương, cấp ủy, cơ quan, đơn vị tiếp tục theo dõi, ủng hộ, tạo điều kiện môi trường công tác; quan tâm bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng lãnh đạo quản lý, điều hành; kịp thời phân công, bố trí công tác khi hoàn thành thời gian luân chuyển.
Đồng thời, khẳng định tiếp tục phấn đấu, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống; tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Trở thành một phần không thể thiếu của địa phương nơi được điều động, luân chuyển
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao ý nghĩa của buổi gặp mặt, đồng thời khẳng định điều động, luân chuyển cán bộ là chủ trương lớn của Đảng, trong đó điều động và luân chuyển có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Trao đổi dưới góc độ là người trong thực tiễn đã luân chuyển ở nhiều vị trí công tác, ông Võ Văn Thưởng mong muốn các cán bộ được điều động, luân chuyển phải nhận thức đúng và đầy đủ về trách nhiệm được giao, thực hiện đúng nguyên tắc, nói đi đôi với làm, nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong phạm vi công tác được phân công; quan tâm làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương; thực sự quan tâm, giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn của nhân dân.
Đặc biệt, mỗi cán bộ được điều động, luân chuyển cần tích cực nêu gương, dành thời gian tìm hiểu đặc điểm, tình hình, phải trở thành một phần không thể thiếu của địa phương nơi được điều động, luân chuyển; chú trọng tự rèn luyện, tự đào tạo, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu công việc cao hơn khi được Bộ Chính trị, Ban Bí thư sắp xếp, phân công.
Chia sẻ với tâm sự của một số đại biểu về những lo lắng khi nhận nhiệm vụ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng "lo lắng khi nhận nhiệm vụ, sợ không hoàn thành nhiệm vụ, sợ không tạo ra sự đồng thuận đó là sự lo lắng tích cực, lành mạnh... Khi chúng ta không thấy được sức nặng của công việc đè lên đôi vai mình thì sẽ thiếu nỗ lực để vượt qua, suy nghĩ những giải pháp để làm. Quá trình đi tìm giải pháp, khắc phục, giải quyết sự lo lắng là quá trình trưởng thành và tiến bộ của chính chúng ta".
Thay mặt Ban Tổ chức Trung ương, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các cán bộ điều động, luân chuyển. Theo bà Trương Thị Mai, công tác điều động, luân chuyển cán bộ là khâu quan trọng để đào tạo, rèn luyện, chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài cho Đảng. Ban Tổ chức Trung ương luôn theo dõi, hỗ trợ các đồng chí cán bộ Trung ương luân chuyển trong quá trình phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Nhiều cán bộ sau khi được điều động, luân chuyển đã có những bước trưởng thành, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thời gian tới, bà Trương Thị Mai đề nghị các cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển chủ động khắc phục khó khăn, phát huy năng lực, sở trưởng của bản thân, thực sự cầu thị, khiêm tốn, tích cực học hỏi, nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu, gắn bó mật thiết với địa phương, cơ quan, đơn vị nơi điều động, luân chuyển đến.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương mong muốn các cán bộ luôn "tận tâm, thực lòng, tận dụng thời gian để những năm tháng ở địa phương thực sự có ý nghĩa, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng và nhân dân".