1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Quảng Nam:

Bình yên ở “vùng đất bom mìn”

(Dân trí) - Qua 1 năm triển khai rà phá bom mìn, một số xã của huyện Duy Xuyên đã “bình yên” trở lại, không còn tiếng bom mìn gây tang thương cho người dân nữa và mùa màng tươi tốt đã mọc lên từ những vùng đất “bom đạn” này.

Huyện Duy Xuyên nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung là vùng đất chiến tranh ác liệt với hơn một triệu ha diện tích đất bị ảnh hưởng bởi bom mìn và cho đến nay mới chỉ có khoảng 5% diện tích ô nhiễm được rà sạch.

1-33695
Nhân viên cộng đồng tiếp xúc với người dân để tìm hiểu, giải thích về VLCN

Từ tháng 9/2014, Tổ chức rà phá bom mìn Đan Mạch (Danish Demining Group – DDG) đã triển khai dự án rà phá bom mìn tại một số xã của huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Sau khi khảo sát phi kỹ thuật tại 6 xã và 36 thôn, DDG đã xác định được 156 khu vực nguy hiểm với diện tích 9.492m2 đã được đánh dấu với 321 điểm ô nhiễm xác thực được xác định và xác định 549 vật liệu chưa nổ (VLCN).

2-73043
Một địa điểm phát hiện VLCN được rào chắn cảnh báo nguy hiểm

Sau khi thủ tục cấp phép hoàn thành, DDG đã tiến hành “làm sạch” tại hai xã Duy Hải và Duy Nghĩa của huyện Duy Xuyên; trong đó có 39 điểm ô nhiễm xác thực đã được rà soát, làm sạch, 194 VLCN đã được phát hiện và hủy nổ, 1.034 người dân được hưởng lợi trực tiếp.

Thôn Lệ Sơn (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên), đây là một trong những thôn bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất của xã Duy Nghĩa, người dân vẫn “sẵn sàng” mạo hiểm để trang trải cuộc sống với bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh đã tạo nên vòng luẩn quẩn này cho cuộc sống.

3-e17e4
Ông Nhĩ chỉ nơi xảy ra vụ nổ trong vườn nhà ông

Tuy nhiên, giờ đây vòng luẩn quẩn này sẽ sớm được xóa bỏ. Năm 1995, một tai nạn thương tâm đã xảy ra khi một trong hai nạn nhân nam giới vốn từng là một công binh, đang cố gắng lấy thuốc nổ bên trong một quả bom dài 1,5m và người còn lại là ông Phạm Văn Bắc - lúc đó mới 37 tuổi.

Trước đó, nạn nhân tử vong khi đang lấy thuốc nổ từ quả bom đã đến năn nỉ ông Bắc cùng tham gia tháo gỡ một quả bom để lấy thuốc nổ.

4-be60b
Bà Ngọ ngồi thu hoạch lạc (đậu phụng), gần đó là quả đạn photpho 122mm đã được đội kỹ thuật dự án DDG chất bao cát giăng dây cảnh báo nguy hiểm

Từng là công nhân quốc phòng tại tỉnh Gia Lai, sau khi xuất ngũ, ông Bắc đã theo bà con trong thôn rà phế liệu để nuôi gia đình. Vì muốn tăng thêm thu nhập để các con ăn học, ông vay mượn tiền để mua máy rà cho anh em trong thôn cùng rà và bán lại phế liệu cho ông, kể cả bom mìn chưa nổ và thuốc nổ sau khi tháo bom. Tuy nhiên, trước khi vụ nổ xảy ra một năm, ông Bắc đã quyết định từ bỏ nghề nguy hiểm này sau khi gia đình khuyên can.

Sáu người con của ông Bắc đều phải nghỉ học sớm sau khi bố mất để phụ giúp mẹ là bà Hà, lúc đó mới 29 tuổi. Ngoài việc nuôi con, bà Hà phải lo trả khoản nợ mà ông Bắc đã vay trước đó để mua máy rà. Hiện bà Hà vẫn sống chật vật và thui thủi một mình bởi con cái cũng đã lớn và phải đi làm xa nhà để trang trải cuộc sống.

5-010a8
Hình ảnh bà con sinh hoạt, đi lại cạnh nơi có quả đạn photpho 122mm

Tai nạn xảy ra với ông Bắc đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với người dân xung quanh. “Cái chết của ông Bắc là một sự trả giá quá đắt, vì sự mưu sinh cuộc sống mà đánh đổi tính mạng của bản thân mình. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của ông mà còn ảnh hưởng đến bà con xung quanh nữa. Cũng may là vụ nổ xảy ra ở đồi cát chứ nếu ông ấy tháo ở nhà thì không biết hậu quả sẽ thảm khốc thế nào”, ông Phan Văn Nhĩ, 66 tuổi, hàng xóm gia đình ông Bắc cho biết.

Sau khi tai nạn xảy ra, nhiều người thu mua phế liệu đã tìm đến nhà ông Bắc. Họ tìm kiếm trong đống phế liệu là bom mìn, vật liệu nổ và mang đi những loại họ nghĩ có thể bán được. Số còn lại, họ vứt vào các khu vực gần đó, trong đó có vườn nhà ông Nhĩ.

6-f3d1f
Thu gom VLCN để phá hủy

Hậu quả của việc đưa mối nguy hiểm từ nơi này sang nơi khác này đã diễn ra ngay sau đó. Từ một mồi thuốc hút dở bị vứt vào bụi cây trong vườn nhà ông Nhĩ, nơi đây bén lửa bốc cháy và một tiếng nổ lớn vang lên.

Từ đó trở đi, gia đình ông Nhĩ và bà con trong thôn rất sợ khi phải tiếp cận khu vực này, đây là khu vực đất vườn có diện tích khoảng 150m2 và hiện đang bị bỏ hoang, không ai dám khai phá, canh tác.

“Tôi rất vui khi biết dự án DDG triển khai hoạt động tại địa phương này, nhờ DDG tôi có thể sẽ có thêm đất để sản xuất. Ngoài thu nhập tăng thêm giúp gia đình cải thiện cuộc sống, một điều có ý nghĩa quan trọng nữa đó là mối hiểm họa hằng ngày của gia đình tôi, của bà con xung quanh bị loại trừ”, ông Nhĩ hồ hởi nói.

Một hàng xóm của ông Nhĩ - bà Phạm Thị Ngọ - vui vẻ chia sẻ cùng ông Nhĩ đồng thời bày tỏ mong muốn DDG đến xử lý quả đạn phốt pho nằm tại góc vườn nhà bà, cạnh đường bê tông chính đi lại trong thôn.

7-ed997
 Mùa màng tươi tốt ở vùng đất đã được làm sạch bom đạn

Cách đây 20 năm, những người bán phế liệu cho ông Bắc đã vứt quả đạn này vào vườn nhà bà Ngọ. Khi trời nắng, bà Ngọ lại thấy ở vị trí quả đạn có hiện tượng bốc khói. “Không chỉ quả đạn này mà dọc bụi rậm quanh vườn cũng làm tôi rất lo sợ, vì trước đây nhiều vật liệu nổ từ nhà ông Bắc cũng bị vứt vào đây”, bà Ngọ chia sẻ.

Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn, vì mưu sinh, những hiểm họa trên không thể ngăn cản gia đình bà Ngọ canh tác hoa màu trên mảnh vườn. “Tôi chỉ dám làm mé phía bên ngoài, không dám làm sát vào trong cũng như phát quang các bụi cây trong vườn”, bà Ngọ phân trần.

Theo yêu cầu hỗ trợ rà phá bom mìn của chính quyền địa phương năm 2014, tháng 3/2015, DDG đã đến khảo sát để xác định các khu vực nguy hiểm nhằm chuẩn bị cho công tác rà phá bom mìn tại thôn Lệ Sơn. DDG đã xác định, đánh dấu được 19 khu vực nguy hiểm, phát hiện và quây che chắn ít nhất 27 vật liệu nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân trong khi chờ đội kỹ thuật DDG đến xử lý.

Giở đây, người dân các địa phương đã được làm sạch bom mìn ở huyện Duy Xuyên cảm thấy yên tâm hơn với cuộc sống. Người dân không còn cảnh lo nơm nớp với những “quả nổ” mà chăm lo cho đồng án, bắt vùng đất một thời bom đạn khốc liệt đơm hoa, kết trái, mang lại cuộc sống ấm no.

 

 

 

Dự án rà phá bom mìn, VLCN ở huyện Duy Xuyên do Tổ chức rà phá bom mìn Đan Mạch (Danish Demining Group – DDG) tài trợ từ ngày 1/9/2014 – 31/8/2016. Dự án do Văn phòng Chính phủ phê duyệt; địa điểm tiếp nhận dự án là UBND tỉnh Quảng Nam; địa bàn dự án ở huyện Duy Xuyên; cơ quan tham mưu dự án là Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Nam.

Mục đích dự án là xử lý và tháo gỡ các tất cả các VLCN và mìn được xác định ở các xã bị ô nhiễm nhiều nhất tại địa bàn dự án, nơi cộng đồng người dân địa phương phải chịu rủi ro, nguy hiểm nhiều nhất (bao gồm cả điểm thu mua phế liệu) và tại các khu vực đất đai có thể được sử dụng cho mục đích phát triển cộng đồng theo các thông tin, báo cáo từ cộng đồng và chính quyền địa phương.

Công tác này nhằm giảm nguy cơ tử vong và bị thương từ mìn và VLCN đồng thời hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế xã hội vì cộng đồng người dân chịu ảnh hưởng của chiến tranh ở tỉnh Quảng Nam.

 

 

 

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm