1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bình Thuận đề xuất dùng bùn cát thải để làm công trình lấn biển

(Dân trí) - Thay vì đổ cả triệu m3 vật chất nạo vét (cát, bùn thải) xuống biển, tỉnh Bình Thuận đề nghị nghiên cứu dùng số vật chất nạo vét này để san lấp mặt bằng cho các công trình lấn biển.

Theo nguồn tin của Dân trí cho biết, vào ngày 23/7, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có văn bản gửi Ban Bí thư, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương liên quan đến hai dự án nhận chìm bùn, cát nạo vét xuống biển của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 và EVNGENCO 3.

Khu vực dự kiến đổ bùn, cát thải
Khu vực dự kiến đổ bùn, cát thải

Trong văn bản này, Tỉnh ủy Bình Thuận đề nghị Trung ương xem xét, chỉ đạo, nghiên cứu phương án sử dụng vật chất nạo vét để san lấp mặt bằng làm các công trình lấn biển. Tỉnh Bình Thuận sẽ khảo sát, chọn và đề xuất các bộ, ngành chức năng vị trí sử dụng vật chất nạo vét để lấn biển.

Liên quan đến việc Bộ Tài nguyên & Môi trường chấp thuận cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Ngày 21/7, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ khẩn cấp cho tạm dừng việc này, bởi khu vực đổ số vật chất này rất gần Khu bảo tồn Hòn Cau.

Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị thành lập tổ chức độc lập kiểm tra, xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường do việc đổ chất thải nạo vét. Đồng thời xem xét quy trình thẩm định dẫn tới cấp giấy phép cho việc đổ thải này của Bộ TN&MT, đặc biệt là tính khách quan, trung thực, tính đại diện của bộ này.

Hội Nghề cá cho rằng: thành phần bùn gồm phần bùn lỏng và phần cát, sỏi, khi đổ xuống biển có thể không lắng đọng xuống đáy. Trong điều kiện sóng, gió bão, thủy triều và hải lưu thì chỉ vài ngày lượng bùn này sẽ được sóng gió đưa đi bồi lấp làm chết sinh vật đáy, mất nơi cư ngụ của thủy sản bố mẹ, nhanh chóng làm thay đổi môi trường sinh thái của Khu bảo tồn Hòn Cau.

Trúc Hà