Bình Phước - Đồng Nai "cãi nhau" vì một cây cầu
(Dân trí) - Được kỳ vọng sẽ giúp Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên rút ngắn khoảng cách tới quốc lộ 1, sân bay Long Thành và các cảng nước sâu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng đến nay, cầu Mã Đà vẫn không thể triển khai vì Bình Phước muốn làm mà Đồng Nai từ chối.
Đường làm xong, cầu bị “treo”
Theo kết luận cuộc họp giữa Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai và Sở GTVT tỉnh Bình Phước về đề xuất xây dựng cầu Mã Đà giáp ranh giữa 2 tỉnh này, đại diện lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Phước trình bày, ngày 20/9/2002, tỉnh ủy Đồng Nai có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc chấp thuận dự án xây dựng cầu trên tuyến đường Bà Hào – sân bay Rang Rang (Đồng Nai).
Hơn 11 năm sau, ngày 16/8/2013 UBND tỉnh Bình Phước mới phê duyệt dự án làm đường và cầu.
Dự án được triển khai từ ngã ba Cây Điệp (thị xã Đồng Xoài) đến sông Mã Đà (ĐT753) với tổng mức đầu tư ngân sách gần 174 tỷ đồng. Quy mô dự án này gồm 29,5km đường, hạng mục xây dựng khôi phục cầu Mã Đà được quy hoạch rộng 11m, dài hơn 90m, bằng bê tông cốt thép kiên cố, kinh phí khoảng 10 tỉ đồng.
Trong trường hợp cầu Mã Đà được xây dựng, xe cộ có thể đi tới các tuyến đường Bà Hào - sân bay Rang Rang, nối ĐT761 rồi tới thẳng quốc lộ 1, thay vì phải đi vòng qua tỉnh Bình Dương như hiện nay.
Sau khi triển khai dự án và làm xong 29 km đường, Sở GTVT tỉnh Bình Phước có công văn gửi Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đề nghị phối hợp, triển khai dự án xây cầu Mã Đà thì “ngã ngửa” khi biết phía Đồng Nai không đồng ý cho làm cầu nối 2 tỉnh.
Lúc này, tỉnh Bình Phước đã “cầu cứu” đến Bộ GTVT nhằm thuyết phục Đồng Nai phối hợp làm cầu.
Sau đó, Bộ GTVT đã giao Tổng cục đường bộ Việt Nam phối hợp với 2 tỉnh khảo sát, làm việc cụ thể để thống nhất vị trí, hướng tuyến, phương án xây dựng cầu Mã Đà.
Ngày 31/8/2016, Cục quản lý đường bộ IV đã làm việc với Sở GTVT tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, sau khi làm việc đã thống nhất việc Sở GTVT tỉnh Bình Phước chủ động liên hệ, cập nhật quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và các quy hoạch khác liên quan của tỉnh này để lựa chọn phương án đấu nối giao thông khu vực phù hợp.
Theo Sở GTVT Bình Phước, vị trí đề xuất xây dựng cầu Mã Đà trước đây vốn dĩ đã có cầu cũ nhưng do chiến tranh nên cầu bị đánh sập. Dù hai tỉnh đã có nhiều lần làm việc và có sự vào cuộc của Bộ GTVT nhưng đến nay vẫn chưa thể thống nhất việc xây dựng cầu Mã Đà
Sợ ảnh hưởng đến khu bảo tồn
Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc đầu tư dự án xây dựng cầu Mã Đà nối tỉnh Đồng Nai và Bình Phước trong giai đoạn hiện nay là không phù hợp với quy hoạch tổng thể dự án đầu tư phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2013 – 2020 đã được phê duyệt.
Việc xây cầu Mã Đà nối 2 tỉnh sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ diện tích rừng hiện hữu, khả năng sinh sống của các loài động vật quý hiếm, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý và bảo vệ rừng…
Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, tại khu vực này hiện nay tất cả các tuyến đường, kể cả tuyến đường tỉnh ĐT761 đã được khu bảo tồn kiểm soát nghiêm ngặt, hạn chế các phương tiện lưu thông ra vào. Tỉnh Đồng Nai dự kiến làm một con đường khác men theo hồ Trị An để thay thế con đường đi xuyên qua khu bảo tồn sẽ bị đóng cửa.
Trong một văn bản do ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kí ngày 18/4/2014 cũng thể hiện những nội dung như trên. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở GTVT tỉnh này chủ trì, thông báo chủ trương cho Sở GTVT tỉnh Bình Phước được biết, thông cảm.
Đại diện Khu bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai cho biết khu bảo tồn này có diện tích hơn 100ha, giáp Vườn quốc gia Cát Tiên và hồ Trị An, sông Đồng Nai nên phạm vi bảo tồn có ý nghĩa rất quan trọng. Năm 2011, UNESCO đã công nhận khu vực này là khu dự trữ sinh quyển cần được bảo tồn. Việc xây dựng cầu Mã Đà xuyên qua rừng sẽ đi ngược lại định hướng chung bảo vệ khu bảo tồn…
Để tháo gỡ, trong một cuộc họp gần đây, đại diện Sở GTVT Đồng Nai cho rằng theo quy hoạch kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương… sẽ được kết nối qua dự án đường Vành đai 4 TPHCM. Vì vậy, Đồng Nai đề nghị Bình Phước nghiên cứu phương án kết nối với quốc lộ 1, sân bay Long Thành bằng cách đấu nối vào tuyến đường vành đai này.
Sở GTVT tỉnh Đồng Nai và Bình Phước kiến nghị Bộ GTVT lưu ý sớm triển khai đầu tư tuyến đường nói trên nhằm phát triển hệ thống giao thông kết nối khu vực.
Trung Kiên