“Bình giò chả” và món giò cuốn hoa ngày Tết
(Dân trí) - Không phải chờ đến cây chả quế khổng lồ nặng 2 tạ trưng bày dịp Hội trợ triển lãm năm 2003, cái tên “Bình giò chả” mới được mọi người biết đến. Năm mới Đinh Hợi này, nghệ nhân giò chả Nguyễn Đức Bình muốn gửi tặng những người mê ẩm thực truyền thống một món quà mới: giò cuốn hoa.
Từ anh bộ đội biên phòng thành “ông giò chả”
Những năm 1981, 1982, anh bộ đội biên phòng Nguyễn Đức Bình lần lượt đón hai cậu con trai chào đời. Sống giữa mảnh đất Lai Châu, anh băn khoăn sau này làm sao để các con phát triển cuộc sống, mở mang tương lai? Nghĩ là làm, anh quyết định chuyển cả gia đình về Hà Nội.
Để có thể trụ lại Hà Nội, Nguyễn Đức Bình đã phải kinh qua đủ nghề: sửa đồng hồ, làm bánh, đưa nước… Dành dụm được ít vốn, anh bộ đội biên phòng trở lại với nghề giò chả truyền thống của làng Ước Lễ quê mình. Kể từ đó, giò chả gắn với những thăng trầm của cả gia đình ông.
Ông Bình “bật mí” bí quyết làm nghề: Làm giò chả ngon không khó nhưng cũng không hề đơn giản. Điều quan trọng nhất là phải biết chọn thịt vì “làm giò chả thực chất là luyện các tế bào thịt”. Phải nhận ra được miếng thịt tươi ngon, khi các tết bào thịt đã “chết” thì miếng giò sẽ bã, không có mùi thơm và độ dẻo. Người làm giò chả nếu không phân biệt được miếng thịt tươi thì giống như “ngày nào cũng nấu cơm 3 bữa nhưng không sống thì khê”.
Ông Bình hướng dẫn cách chọn giò chả cho mâm cỗ ngày Tết: Giò ngon khi cắt ra phải bóng, có những lỗ lấm tấm trên bề mặt lát cắt. Những lỗ đó là do thịt dẻo, tươi tạo nên.
Muốn chắc chắn hơn, có thể chọn giò chả bằng cách thử bằng giấy quỳ vàng ngay tại chỗ. Nếu giấy quỳ chuyển sang màu xám là loại thực phẩm có pha trộn hay sử dụng hoá chất, không đảm bảo an toàn.
|
Giò phải được gói bằng lá chuối theo đúng cách làm giò truyền thống. Loại giò có lớp vỏ trong cùng là ni-lon hiện có bán trên thị trường “không giữ được hương vị của giò bởi người ta luộc giò bằng lớp ni-lon, sau đó mới bọc lớp lá chuối ra ngoài.
Làm giò chả lâu năm, ông Bình nhận thấy việc giã thịt tốn quá nhiều công sức và thời gian. Vào những ngày lễ Tết thì không sao làm xuể. Và ông nghĩ ngay đến cách tìm ra một loại máy làm thây công sức con người. Ông đã sáng tạo thành công hệ thống máy giã giò hiệu quả. Chiếc máy hoạt động rất hiệu quả, thớ thịt nhỏ và quánh, đều hơn.
Giò cuốn hoa chào xuân Đinh Hợi
Ngày nay, người ta không chỉ cần ăn ngon mà còn đòi hỏi món ăn có tính thẩm mỹ cao, “ăn bằng mắt” là như thế. Nắm bắt tâm lý đó, ông Bình ngày càng chú ý đến việc nâng cao chất lượng giò chả cả về vị giác lẫn thị giác.
Tết Đinh Hợi năm nay, ông gửi tặng những khách hàng của mình món giò cuốn hoa, trong đó ông kết hợp các nguyên liệu sao cho giò có cả vị âm - vị dương, tính nhiệt - tính hàn, khoanh giò cắt ra hình mềm mại như một bông hoa để món ăn vừa nhìn đã hấp dẫn, khi ăn không chỉ ngon mà còn dễ tiêu. “Ban đầu tôi định đặt tên loại giò này là yên vân vì khi cắt ra có hình đường mây, hình sóng nhưng sau đó tôi đặt cho nó cái tên thân thiện hơn là giò cuốn hoa”, ông Bình cho biết.
Món quà này, không những là lời chào năm mới mà còn là cách để ông Bình khôi phục lại vị trí của món giò truyền thống trong mâm cỗ cưới Việt Nam.
Quỳnh Hoa - Trang Đinh