1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Dương cảnh báo triều cường đạt đỉnh gây ngập vùng ven sông Sài Gòn

Phạm Diện

(Dân trí) - Theo tin cảnh báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Dương, triều cường đạt đỉnh kết hợp mưa lớn có thể gây tràn bờ, ngập các khu vực trũng, thấp ven sông Sài Gòn.

Ngày 17/9, theo tin cảnh báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Dương, trong các ngày từ 19/9 đến 21/9 (17-19/8 âm lịch), mực nước hạ lưu sông Sài Gòn sẽ ở mức đỉnh triều cường.

Mực nước đỉnh triều cao nhất hàng ngày sẽ xuất hiện vào buổi sáng từ 6h30 đến 8h30, buổi chiều tối từ 17h đến 19h30 và có khả năng ở mức từ 1,62m đến 1,67m, cao hơn báo động 3 tại trạm Thủ Dầu Một (cảng Bà Lụa). Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường khu vực TP Thủ Dầu Một và TP Thuận An ở cấp độ 1.

Người dân cần đề phòng triều cường đạt đỉnh kết hợp mưa lớn có thể gây tràn bờ, ngập các khu vực trũng thấp ven sông Sài Gòn.

Cụ thể, TP Thủ Dầu Một: Đường Đoàn Trần Nghiệp, rạch Ông Đành (phường Phú Cường); đường Nguyễn Tri Phương, Rạch Bàu Bàng (phường Chánh Nghĩa, khu vực ngoài đê bao Tân An).

Tại TP Thuận An, khu vực ngoài đê bao An Sơn - Lái Thiêu (phường Vĩnh Phú, phường Bình Nhâm), các rạch: Miễu, Sáu Em, Cầu Nhỏ, Ba Tâm, Mương Đỏ, nhánh rạch Búng (phường An Thạnh); các tuyến bờ bao, bờ rạch lún, thấp thuộc phường Vĩnh Phú.

Bình Dương cảnh báo triều cường đạt đỉnh gây ngập vùng ven sông Sài Gòn - 1

Mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao khiến phường An Thạnh, TP Thuận An, bị ngập nặng vào hồi tháng 10/2023 (Ảnh minh họa: Phạm Diện)

Để chủ động phòng chống ngập, lụt do ảnh hưởng của triều cường, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các thành phố: Bến Cát, Thuận An, Thủ Dầu Một và Trung tâm Đầu tư, khai thác Thủy lợi - Nước sạch nông thôn thông báo rộng rãi cho người dân ở các vùng trũng thấp ven sông Sài Gòn được biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh nhằm giảm nhẹ thiệt hại.

Đồng thời, các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, bờ bao, bờ rạch… nhất là các đoạn xung yếu đã bị bể, tràn bờ, thực hiện ngay việc gia cố, cơi đắp các đoạn đê bao, bờ bao, bờ rạch có khả năng bị vỡ, bị tràn; vận hành cửa van cống, cửa van ngăn triều đúng quy trình, không để xảy ra ngập úng ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

Các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi tình hình triều cường, mưa lớn; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố.