1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Biệt thự cổ nhất Hà Nội được bán giá “bèo”

Biệt thự 1B ở phố Đặng Thái Thân, Hà Nội - ra đời trước cả Nhà Hát Lớn và Cầu Long Biên - đã bị lãnh đạo nhà đất Hà Nội xếp hạng “chung cư” và bán rẻ như bèo.

Một kiểu “đánh bùn sang ao”

 

Không chỉ riêng người Hà Nội, hết thảy những người quý trọng công trình kiến trúc trong nước cũng như trên thế giới đều biết đến biệt thự cổ 1B Đặng Thái Thân (rộng hơn 1.000m2 tại Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là công trình “mái hồi lợp vẩy” đầu tiên được người Pháp xây dựng tại Việt Nam vào năm 1886.

 

Từ những năm 1960, Nhà nước giao ngôi nhà này cho Bộ Công nghiệp nặng để phân cho cán bộ công nhân viên thuê ở. Sau khi Nghị định 61 ra đời, năm 1995, cũng như các khu nhà khác, nhà 1B Đặng Thái Thân được giao về địa phương quản lý.    

 

Đến năm 2004, có 10 gia đình sinh sống tại đây. Một vài hộ được mua nhà theo Nghị định 61 và được cấp sổ đỏ. Một số hộ vì lý do này khác mà chưa được giải quyết. Lúc này có ba người đến đặt vấn đề mua gom toàn bộ nhà 1B Đặng Thái Thân. Hộ nào chưa được nhà nước bán, số người này sẽ chịu trách nhiệm mua theo Nghị định 61 và làm sổ đỏ...

 

Là nhà cổ nên sinh hoạt hoạt có nhiều khó khăn, các hộ không thể đập đi để cải tạo lại nên cả 10 hộ đồng ý bán cho ba người nói trên. Đó là các ông Đỗ Minh Phú (trú tại số 2, ngõ 69, Đặng Văn Ngữ, Hà Nội); ông Đỗ Anh Tú (trú tại số 16, ngõ 62, Đặng Văn Ngữ, Hà Nội), và ông Vũ Thắng (trú tại 506-E10, TT Thành Công, Hà Nội).

 

Ngay sau khi mua được nhà, ba ông nhanh chóng làm thủ tục để xin mua nốt các phần còn lại là sân chung, hành lang, lối đi “theo NĐ 61”.

 

Cơ quan nhà đất cũng rất nhanh chóng giải quyết cho ba đối tượng buôn bán đất này được mua theo Nghị định 61 số tài sản còn lại trị giá hàng 100 tỷ đồng (theo thị trường). Sở Nhà đất còn phóng khoáng cấp thêm cho họ ba sổ đỏ để số nhà 1B - Đặng Thái Thân có tổng cộng tới 13 chiếc sổ đỏ.

 

Khi có 13 sổ đỏ, ba người trên lại bán toàn bộ đất và nhà 1B - Đặng Thái Thân cho bà Mai Bích Thuỷ trú tại 49 - Phố Thi Sách - Hà Nội. Bà Thuỷ được UBND thành phố Hà Nội cho nhập 13 sổ đỏ vào với nhau để thành một sổ đỏ.

 

Biến đất công thành tài sản tư

 

Một ngôi biệt thự vị trí đắc địa nằm sát ngay khách sạn Hilton, quận trung tâm của Thủ đô này lại được bán hóa giá theo Nghị định 61.

 

Về việc bán nhà theo NĐ61, Điều 5 của Nghị định ghi rõ: “Nhà nước thực hiện bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê phần diện tích được thuê để người mua nhà có điều kiện cải thiện chỗ ở…”, Nghị định 21/CP của Chính phủ ban hành ngày 16/4/2001 cũng qui định những trường hợp “nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ và cấu trúc căn hộ không khép kín do nhà nước xây dựng thì không được phép bán”.

 

Căn cứ vào qui định tại 2 Nghị định này thì rõ ràng nhà số 1B Đặng Thái Thân không thuộc diện nhà được bán theo NĐ61 và người xin mua cũng không nằm trong đối tượng được giải quyết. Vậy mà không hiểu sao, ngày 9/12/2004, Sở TN-MT&NĐ Hà Nội đã đồng ý “duyệt bán” số diện tích nhà, đất còn lại cho 3 hộ này.

 

Đáng chú ý là theo hồ sơ, số “đất chung” mà 3 hộ này được cấp trong sổ đỏ lên tới 896m2, diện tích nhà được tính theo giá… nhà cấp 3. Không những thế, trong văn bản liên quan đến việc bán hóa giá nhà 1B, cơ quan chức năng của Hà Nội lại một mực coi đây là nhà chung cư.

 

Việc bán khu đất (sân, hành lang, lối đi...), bán nhà và cấp thêm ba sổ đỏ như nói trên là việc làm bất bình thường. Bởi nếu được hoá giá, Khu nhà cổ 1B Đặng Thái Thân nằm ở vị trí đắc địa của tuyến phố cổ, theo Quyết định số 242/2006/QĐ-UB ngày 29/12/2006 của UBND TP Hà Nội, vị trí này có mức giá 30 triệu đồng/m2, tương đương ba cây vàng 99,99. Trong khi đó, mức giá nhà chung cư theo Nghị định 61 thấp hơn nhiều. Còn theo giá thị trường mà các hộ tại đây đã bán, mức giá lên tới 15 cây vàng 99,99 cho một m2.

 

Việc “chuyển hạng” từ biệt thự thành chung cư đã khiến nhà nước thất thoát hành trăm tỷ đồng. Với khoảng chênh lệch khổng lồ ấy, người ta hoàn toàn có quyền nghi vấn về động cơ hóa giá nhà của một số người có thẩm quyền.

 

Sau khi ngôi nhà được bán theo NĐ61, chủ nhà đã tiến hành xây dựng, sửa chữa dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Được biết, sau rất nhiều công văn đi, lại đề nghị làm rõ nguồn gốc ngôi nhà này, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo thanh tra việc mua bán ngôi biệt thự 1B Đặng Thái Thân và phong tỏa mọi giao dịch liên quan đến ngôi nhà.

 

Ngày 4/6 vừa qua, Văn phòng Chính Phủ cũng đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu làm rõ những khuất tất và báo cáo Thủ tướng trong tháng 7 này.

 

Theo Trọng Hiếu

VnMedia