Quảng Bình:

Biển sạch trở lại - Niềm vui vẫn đi cùng nỗi lo!

(Dân trí) - Sau khi hiện trạng môi trường biển được công bố đã sạch trở lại sau thảm họa cá chết do Formosa Hà Tĩnh gây nên, nhiều ngư dân Quảng Bình bày tỏ sự phấn khởi, nhưng bên cạnh đó cũng còn có nhiều băn khăn, lo lắng.

Ngư dân phấn khởi khi biển sạch trở lại

Nhiều ngư dân tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã bày tỏ niềm vui và phấn khởi khi có công bố biển miền Trung đã sạch trở lại, an toàn để tắm và nuôi trồng thủy sản.

Ngư dân Nguyễn Văn Nương (65 tuổi) chia sẻ: "Dân chúng tôi sống nhờ biển từ đời cha ông đến giờ, không có biển chúng tôi không biết lấy gì mà sống. Hôm qua xem báo, đài thấy công bố nước biển đã an toàn, chúng tôi như được gỡ gánh nặng, khi biển sạch trở lại chúng tôi mới có thể vươn khơi làm ăn, để vượt qua khó khăn”.

Ngư dân tại Quảng Bình bày tỏ sự phấn khởi, nhưng bên cạnh đó còn có nhiều băn khăn, lo lắng.
Ngư dân tại Quảng Bình bày tỏ sự phấn khởi, nhưng bên cạnh đó còn có nhiều băn khăn, lo lắng.

Các ngư dân cũng mong muốn nhà nước, chính quyền cần có biện pháp quản lý, thắt chặt và kiểm soát việc xả thải của Công ty Formosa cũng như nhiều công ty khác để không xảy ra tình trạng này thêm một lần nào nữa.

“Biển sạch thì ngư dân chúng tôi mới sống được, cá sinh sống được thì chúng tôi mới có thể bám biển đánh cá được chứ môi trường biển bị ô nhiễm là ngư dân chúng tôi điêu đứng, vất vả trăm bề, giờ biển sạch trở lại bản thân tôi cũng như nhiều ngư dân ở đây rất vui, chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần theo dõi, kiểm tra chặt chẽ các hoạt động xả thải không chỉ của Formosa mà còn nhiều công ty khác nữa, để không xảy ra tình trạng như vừa qua”, ngư dân Đồng Quyết Thắng ở thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương bày tỏ.

Mặc dù phấn khởi sau khi có công bố biển miền Trung đã sạch trở lại, tuy nhiên nhiều ngư dân vẫn băn khoăn, lo lắng với việc một số vùng biển tại Quảng Bình vẫn cần theo dõi thêm về vấn đề độc tố, bên cạnh đó thị trường tiêu thụ cá biển vẫn chưa trở lại được như trước, sau thảm họa cá chết lượng cá gần bờ đã giảm đi rất nhiều.

“Khi có công bố biển miền Trung đã sạch là ngư dân chúng tôi ai cũng vui mừng lắm. Tuy nhiên việc phía đông biển Nhật Lệ giáp với vùng biển Nhân Trạch chúng tôi và một số khu vực khác vấn đề độc tố cao nên phải tiếp tục theo dõi làm chúng tôi cũng khá là lo lắng, với lại người dân vẫn chưa dám ăn cá biển kể cả là cá đánh bắt xa bờ dẫn đến cá ngư dân chúng tôi đánh bắt về khó bán mà giá cũng thấp nữa", ngư dân Hồ Hoàn (55 tuổi) lo lắng bày tỏ.

Nhiều ngư dân tại Quảng Bình cũng mong muốn Nhà nước sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, bên cạnh đó, cũng cần có chính sách chuyển nghề cho một bộ phận ngư dân không đi biển để giúp ngư dân có một nghề mưu sinh giúp họ sớm ổn định cuộc sống, ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên quan trắc để thông tin cho bà con ngư dân biết lúc nào biển sạch hoàn toàn để yên tâm ra khơi đánh cá.

Ngư dân sẵn sàng quay lại với biển
Ngư dân sẵn sàng quay lại với biển

Ông Nguyễn Thanh Điệu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới) cũng bày tỏ mong muốn các ban ngành chức năng cần có nhiều chính sách trợ cấp vay vốn cho ngư dân để họ tiếp tục đóng các tàu lớn và nâng cấp các loại tàu nhỏ để ra khơi bám biển.

Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết Bố Trạch là một trong những địa phương có nhiều xã bãi ngang và số lượng ngư dân lớn ở tỉnh Quảng Bình nên sau khi công bố biển miền Trung đã sạch thì Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương cần phải có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích ngư dân hơn nữa để họ tiếp tục quay trở lại với biển.

“Thực tế bây giờ có một số bộ phận bà con ngư dân ra khơi đánh bắt rồi nhưng vấn đề sản phẩm tiêu thụ rất là khó, giá cả nó xuống rất thấp. Đối với huyện thì nguồn lực và ngân sách rất hạn chế hỗ trợ ngư dân bước đầu nhưng không đáng là bao, về lâu dài thì tỉnh và Trung ương cần phải có những chủ trương chính sách để hỗ trợ như dân nhiều hơn, đặc biệt là vấn đề vay vốn và chuyển đổi nghề”, ông Vũ nói.

Tiến Thành – Đặng Tài