1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Biên phòng băng rừng bảo vệ mốc biên giới giữa giá lạnh thấu xương

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Những người lính biên phòng ở biên giới xứ Nghệ ngày đêm bám bản, băng rừng, vượt suối gùi hàng giữa thời tiết lạnh thấu xương để bảo vệ mốc biên cương của Tổ quốc.

Những ngày tháng Chạp, tiết trời ở vùng đất Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) lạnh như cắt da, cắt thịt. Mặc cho thời tiết lạnh tê tái, hàng ngày, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Phúc Sơn (Bộ Đội biên phòng Nghệ An) dậy từ sáng sớm băng rừng, lội suối để tuần tra khép kín từ mốc biên cương số 443 đến 447. 

Biên phòng băng rừng bảo vệ mốc biên giới giữa giá lạnh thấu xương - 1

Đồn Biên phòng Phúc Sơn những ngày giá lạnh chìm trong màn sương mù bao phủ.

Biên phòng băng rừng bảo vệ mốc biên giới giữa giá lạnh thấu xương - 2

Để tuần tra các mốc biên giới, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Phúc Sơn vừa phải gùi các nhu yếu phẩm, vừa phải băng rừng, "đi trong sương"...

Theo Thiếu tá Phạm Quang Thuận - Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Phúc Sơn, để lên được mốc biên giới, các chiến sĩ đã phải đi bộ, băng rừng, vượt suối…, mất hơn 7 giờ đồng hồ.

"Hành trình di chuyển lên các mốc biên giới rất vất vả dù bất kể vào mùa mưa hay nắng. Mùa mưa thì có cái khổ của mùa mưa, mùa nắng thì có cái khó khăn, gian khổ của mùa nắng. Mỗi chuyến đi, chúng tôi phải vượt núi, băng rừng, trên lưng còn mang thêm thức ăn, súng đạn... mỗi chiến sĩ thường gùi trên mình thêm 30-40kg", Thiếu tá Phạm Quang Thuận chia sẻ.

Trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Phúc Sơn ngoài tuần tra, bảo vệ mốc biên giới, đơn vị còn chủ trì và phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 7 vụ với 7 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật; tang vật thu giữ 9kg ma túy dạng đá, 6 bánh hê rô in, 6.005 viên ma túy tổng hợp, 0,315g hêrôin và nhiều tang vật khác.

Vào mùa này, sương mù luôn bao phủ cả núi rừng, gần như không thấy đường đi, người cách nhau khoảng 2-3m là không nhìn thấy nhau. Các chiến sĩ chia nhau những nắm cơm vắt cứng như đá, chia nhau từng manh áo trong những đêm ngủ lại trên đỉnh núi cao khoảng 1.500m so với mực nước biển giữa thời tiết buốt giá.

Biên phòng băng rừng bảo vệ mốc biên giới giữa giá lạnh thấu xương - 3

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Phúc Sơn tranh thủ ăn cơm nắm trong lúc tuần tra.

Biên phòng băng rừng bảo vệ mốc biên giới giữa giá lạnh thấu xương - 4

Rồi những bữa cơm đêm trong rừng sâu lạnh giá của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Phúc Sơn.

Cũng theo Thiếu tá Phạm Quang Thuận, mỗi cuộc hành trình tuần tra khép kín mốc 443 đến 447 hiểm nguy lớn nhất là những lúc lội qua vực, vách đá dựng đứng… nếu lỡ sẩy chân một chút là lao xuống vực. 

Được biết, cột mốc 443 đến 447 tại cửa khẩu Cao Vều (xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn) được xác định là cửa khẩu có vị trí chiến lược giao thương, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Đây là vị trí tiếp giáp giữa Thông Phi La, huyện Xay-Chăm-Phon, tỉnh Bô-ly-khăm-xay (Lào) và xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. 

Biên phòng băng rừng bảo vệ mốc biên giới giữa giá lạnh thấu xương - 5

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Phúc Sơn trang nghiêm khi thực hiện tuần tra.

Theo đó, 2 bên đã thống nhất mở rộng diện tích, hạ độ cao so với vị trí mốc đã được xác định, nhằm đảm bảo cảnh quan; thống nhất chủ trương được phép xây dựng các công trình phụ trợ trong phạm vi 100m tính từ đường biên giới; xây dựng hệ thống dẫn nước sinh hoạt tại khu vực cửa khẩu. 

Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Nghệ An Trần Khánh Thục cho biết, giai đoạn 2016-2021, tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Cụ thể, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, bảo vệ đường biên, cột mốc, giải quyết tốt các vụ việc, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trước các hành vi vi phạm pháp luật trong khu vực biên giới, lực lượng chức năng tỉnh đã kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý.

Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cũng phối hợp lực lượng bảo vệ biên giới Lào chủ động, kịp thời thông báo cho nhau những tình hình có liên quan đến biên giới lãnh thổ; phối hợp chính quyền các cấp tạo điều kiện giúp đỡ nhân dân hai bên biên giới khi gặp khó khăn.

Thiếu tá Phạm Quang Thuận cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn tuyến biên giới dài 19,3km với 5 cột mốc. 

"Để hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền nhân dân địa phương, xây dựng lực lượng nòng cốt trong nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ biên giới. Với phương châm xây dựng trận tuyến từ lòng dân; mỗi người dân là một cột mốc chủ quyền, nên giữa đơn vị và chính quyền nhân dân địa phương luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới", Thiếu tá Phạm Quang Thuận chia sẻ thêm. 

Đại úy Vi Ngọc Lâm - Đội trưởng Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Phúc Sơn chia sẻ: "Hầu hết các nhóm tội phạm như đưa người qua biên giới, vận chuyển, buôn bán trái phép các chất ma túy; việc lưu thông hàng hóa, xuất nhập cảnh sai trái với các quy định của Nhà nước đều được chúng tôi phát hiện, xử lý kịp thời…".

Biên phòng băng rừng bảo vệ mốc biên giới giữa giá lạnh thấu xương - 6

Các chiến sĩ tuần tra trong thời tiết mù, giá lạnh.

Từ chân cột mốc 443 đến 447, phóng mắt nhìn thấy cả một vùng biên cương đầy núi cao chất ngất, sừng sững với những làn mây trắng quanh năm bao phủ. Cung đường tuần tra của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn phải đạp chân lên những phiến đá tai mèo sắc nhọn, băng trên đường mòn, những con suối theo suốt dọc dài biên cương đầy hiểm nguy, hoặc những lúc với muỗi, mòng, vắt rừng bám, chui vào trong người. 

Rồi sự khắc nghiệt của tiết trời biên giới, nhất là những ngày mùa đông, sương mù bao phủ, lạnh thấu xương, quần áo phơi không khô vì độ ẩm không khí cao. Gian nan là thế nhưng chưa bao giờ cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Phúc Sơn lơ là, mất cảnh giác. 

Nhiệm vụ đặt lên vai những người mang quân hàm xanh là bảo vệ vững chắc cột mốc biên cương Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phúc Sơn nói riêng, các chiến sĩ Biên phòng Nghệ An trên tuyến biên giới Việt - Lào luôn xác định rõ nhiệm vụ, trọng trách của mình là bằng mọi giá phải bảo đảm được sự bình yên cho biên cương Tổ quốc.

Biên phòng băng rừng bảo vệ mốc biên giới giữa giá lạnh thấu xương - 7

Sau hành trình dài, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Phúc Sơn ngồi nghỉ dưới tán cây cổ thụ giữa núi rừng bao phủ.

Biên phòng băng rừng bảo vệ mốc biên giới giữa giá lạnh thấu xương - 8

Thực hiện kiểm tra mốc 444.

Nghệ An có đường biên giới tiếp giáp với Lào dài nhất cả nước với 468km. Do đó, Nghệ An luôn chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã đầu tư tôn tạo và tăng dày 116 cột mốc và 44 cọc dấu, nằm trải dài trên địa bàn của 6 huyện, 27 xã biên giới, tiếp giáp với các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bô-ly-khăm-xay, Lào.

Với vị trí địa lý có tính chiến lược cao như vậy, tỉnh Nghệ An luôn chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, đồng thời tạo thuận lợi để nhân dân các huyện, xã biên giới có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm