Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau và một số việc làm khuất tất

Trong những ngày qua, dư luận chưa kịp lắng với vụ việc Bí thư tỉnh uỷ Cà Mau giao nộp 100 triệu đồng tiền chạy chức thì mới đây, dư luận lại có dịp đặt câu hỏi, có hay không việc ông Bình biến nhà công thành của riêng và làm sai quy định dẫn đến khiếu nại?

Có bán nhà công?

 

Căn nhà công số 83, đường Phạm Văn Ký, phường 2 (TP Cà Mau) có diện tích rộng 86m2 được Nhà nước cấp cho gia đình ông Bình ở từ năm 1987 khi ông đang công tác tại Tỉnh đội Cà Mau. Năm 1992, căn nhà có vị trí "vàng" nói trên được ông Bình xin hóa giá.

 

Điều lạ, căn nhà được bán với giá 18,229 lượng vàng 24K nhưng Công ty Phát triển nhà Minh Hải lại làm thủ tục để ông Võ Thanh Bình sang tên ngôi nhà cho ông Trần Văn Trạng - người dân sống kế bên căn nhà số 83 đường Phạm Văn Ký với giá 92 triệu đồng.

 

Công ty Phát triển nhà còn hoàn trả tiền sửa chữa và tiền hỗ trợ di chuyển khoảng 9 triệu đồng cho ông Võ Thanh Bình. Như vậy có nghĩa là căn nhà công số 83 gia đình ông Võ Thanh Bình được cấp để ở, chưa có chủ quyền và Nhà nước vẫn đang quản lý nhưng đã chuyển nhượng cho người dân bình thường là trái đối tượng, sai qui định của pháp luật và chủ trương của địa phương thời điểm này.

 

Chủ trương chung hay chủ trương riêng?

 

Năm 2003, tỉnh Cà Mau có Quyết định số 25, áp dụng qui định mức giá đất trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nhưng cuối năm 2005 (lúc này ông Võ Thanh Bình đã làm Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau) thì Ban thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau có chủ trương cho UBND tỉnh Cà Mau áp dụng khung giá đất kèm theo Quyết định số 63/QĐ-UB ngày 12/11/1999 đối với đất quốc phòng đã tạm cấp cho cán bộ, sĩ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

 

Chủ trương tính khung giá đất lùi lại 6 năm (năm 1999) đã tạo điều kiện cho cho 321 trường hợp khi hợp thức hóa lẽ ra phải áp dụng khung giá đất năm 2003 thì được áp dụng khung giá đất năm 1999? Vì sao?

 

Qua tìm hiểu hồ sơ được biết, ông Võ Thanh Bình được Tỉnh đội tạm cấp 2.520m2 đất trên đường Nguyễn Khắc Xương, phường 6 (TP Cà Mau). Trong số đất đó, Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy CNQSDĐ cho ông Võ Thanh Bình 1.000m2. Trong đó, có 300m không áp dụng đóng thuế, 700m2 còn lại áp theo Quyết định số 63/QĐ-UB năm 1999 là 300.000đ/m2 thay vì tính giá năm 2003 là 1.500.000đ/m2.

 

Chỉ với 700m2 đất của ông Bình, nhiều người nhẩm tính nếu tính theo giá năm 2003 thì phải đóng tiền sử dụng đất 1,050 tỷ đồng chứ không phải 210 triệu đồng.

 

Trên phần đất 2.520m2, trong đó có 1.000m2 được hóa giá rẻ cho ông Võ Thanh Bình, số còn lại vẫn nằm trong khuôn viên, được ông Bình xây rào chắc chắn. Bên trong được xây dựng nhiều công trình kiến trúc, vườn kiểng… Tuy nhiên, trên phần đất quốc phòng trước đây và giờ được hợp thức hóa này cũng đang xảy ra khiếu nại của người dân.

 

Đó là trường hợp khiếu nại của bà Nguyễn Thị Giàu, thương binh 4/4, vợ liệt sĩ, mẹ của 2 liệt sĩ. Vụ kiện kéo dài nhiều năm và đến nay bà Nguyễn Thị Giàu cũng đã qua đời nhưng vẫn chưa được giải quyết.

 

Nguồn gốc đất của bà Giàu là do ông Ngô Văn Xứng (ở phường 6, TP Cà Mau) bán cho bà 12.870m2 vào năm 1966. Khi bọn giặc bao chiếm khoảng 1/3 diện tích, xây dựng hậu cứ Trung đoàn 32. Nhưng năm 1985, Tỉnh đội Minh Hải (nay là Cà Mau) thu hết phần còn lại để qui vào "đất quốc phòng".

 

Đại tá Trần Tâm Phúc, nguyên Phó Chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau, xác định: "Tôi đóng quân ở đây, tìm hiểu được biết, đất vợ chồng bà Nguyễn Thị Giàu - ông Nguyễn Hồng Dân bị giặc chiếm một phần. Phần còn lại nằm ngoài hàng rào kẽm gai Hậu cứ Trung đoàn 32, gia đình bà vẫn sản xuất. Tỉnh đội thu hồi đất này để sử dụng mục đích quốc phòng thì phải bồi thường”.

 

Sau khi bị thu đất, gia đình bà Nguyễn Thị Giàu đành cất nhà chưa đầy 30m2 nằm ngay mé đường Trần Khắc Xương - Lý Thường Kiệt, phường 6 (TP Cà Mau). Năm 2006, bà Giàu đã qua đời nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

 

Theo Nam Giao

Công an nhân dân