Bí thư Thanh Hóa: Tuyệt đối không để tài sản công sử dụng sai mục đích
(Dân trí) - Đối với tài sản công dôi dư thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu đưa vào sử dụng, tuyệt đối không để bỏ trống, không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích.
Chiều 9/7, kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn về vấn đề quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tài sản công dôi dư, nhất là xử lý tài sản công sau sáp nhập thôn, xã, các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đưa tài sản công sau sắp xếp vào sử dụng
Phát biểu tại phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, UBND tỉnh cần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định, quy trình đề xuất, thực hiện việc sắp xếp, xử lý các tài sản công trên địa bàn tỉnh.
Ông Hưng cũng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, cập nhật đầy đủ tài sản công vào cơ sở dữ liệu tài sản công quốc gia để theo dõi, quản lý; hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý của từng tài sản; phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất trên địa bàn.
Ông yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị đưa tài sản sau sắp xếp vào sử dụng, tuyệt đối không để bỏ trống, không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích.
Đồng thời, ông đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cần bố trí nguồn kinh phí phù hợp để thực hiện đầu tư sửa chữa, cải tạo một số tài sản công dôi dư sau khi đã thực hiện sắp xếp theo quy định mà phải chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng.
Ông cũng yêu cầu các sở liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy định, quy trình thực hiện xử lý tài sản công sau sáp nhập, tháo gỡ các vướng mắc khi tổ chức thực hiện. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công sau sáp nhập.
Một bộ phận cán bộ tham mưu rất chậm, sợ sai
Trước đó, các đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa Nguyễn Văn Tứ về quản lý, sử dụng, phát huy hiệu quả tài sản công dôi dư sau sáp nhập thôn, xã, các đơn vị sự nghiệp công lập; trang thiết bị y tế, giáo dục nghề nghiệp.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa Nguyễn Văn Tứ, cho biết giai đoạn 2019-2021, tỉnh này sáp nhập 143 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sáp nhập, có 537 công sở, nhà đất công dôi dư, trong đó chủ yếu là trụ sở UBND cấp xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn…
Đến nay, 455 cơ sở nhà đất đã được phê duyệt phương án xử lý; 82 cơ sở nhà đất dôi dư chưa có phương án sắp xếp.
Theo ông Tứ, việc sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư triển khai chậm, gây lãng phí trong thời gian dài do nhiều nguyên nhân như: các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập; ảnh hưởng của dịch Covid-19; số lượng công sở nhà đất dôi dư lớn, địa bàn rộng, cán bộ kiêm nhiệm…
Ông Tứ nhận trách nhiệm trong vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh đã chưa kịp thời đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai và báo cáo kết quả thực hiện. Bên cạnh đó, còn có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có tài sản dôi dư.
Về giải pháp, xử lý trong thời gian tới, ông cho biết, cần kiến nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn, sửa đổi bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
Làm rõ thêm về vấn đề tài sản công dôi dư, ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết các địa phương cũng nỗ lực, tuy nhiên còn vướng về thể chế, trong khi cán bộ thực hiện nhiệm vụ có một phần đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai và sợ trách nhiệm.
"Một bộ phận cán bộ tham mưu rất chậm, sợ sai, trong khi đó UBND tỉnh có nhiều chỉ đạo rất sát. Nói đến tài sản công, các địa phương cũng băn khoăn, bởi tính pháp lý trong quá trình thực hiện cho cả người thực hiện, người ký và cả người tham mưu.
UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo riêng và tổ chức 12 cuộc họp để xử lý tài sản công dôi dư. Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo sẽ quyết liệt xử lý có hiệu quả các tài sản công dôi dư", ông Thi nói.