TPHCM:
Bí thư Thăng: "Ta còn đang làm thủ tục, người khác đã ra sản phẩm rồi"
(Dân trí) - “Như Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân báo cáo trước Quốc hội, thủ tục của ta còn quá rườm rà. Từ ý tưởng cho đến lúc ra sản phẩm, chúng ta còn đang làm thủ tục thì người khác đã sản xuất ra sản phẩm rồi. Chúng ta phải đề xuất, áp dụng cơ chế thí điểm để thực hiện cho thật nhanh”, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nói như trên tại buổi làm việc với Khu Công nghệ cao (KCNC) TPHCM về kết quả hoạt động năm 2015 và kế hoạch hoạt động năm 2016.
Tại buổi làm việc, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý KCNC TPHCM cho biết: "KCNC tiếp tục khẳng định là điểm đến tin cậy về đầu tư công nghệ cao, tiếp theo dự án Intel đã có sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ cao như Sanofi, Schneider, Jabil, Microsoft... và nhà đầu tư Samsung - Hàn Quốc trong năm 2014 và Đại học Fulbringht năm 2015 là một minh chứng".
Theo báo cáo, riêng năm 2015, giá trị sản xuất của KCNC đạt trên 4 tỷ USD, đã đóng góp to lớn vào tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cụ thể hơn, KCNC đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đầu tư đạt gần 1,5 tỷ USD, vượt gấp 3,7 lần so với kế hoạch năm (400 triệu USD). Giá trị sản xuất năm 2015 đạt hơn 4,7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 4,67 tỷ USD, tăng 49,3% so với cùng kỳ và vượt 16,7% so với kế hoạch đề ra.
“Với các dự án của các tập đoàn lớn như Intel, Samsung tăng tốc sản xuất trong năm 2016, dự báo tổng sản lượng sản xuất sản phẩm tại KCNC sẽ đạt 5 tỷ USD, hoạt động KHCN của các doanh nghiệp nói riêng cũng như của KCNC nói chung được thúc đẩy và phát triển”, ông Quốc phát biểu.
Sau khi nghe báo cáo của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Trong bản báo cáo từ ban quản lý KCNC hết sức đầy đủ, chi tiết, bản báo cáo hết sức công phu. Tuy nhiên, tôi thấy nó còn thiếu, đó là cái báo cáo này chưa thể hiện sự quyết tâm, đột phá, cả trong cách trình bày lẫn nội dung của bản báo cáo. Chúng ta chưa đưa ra được những mục tiêu cụ thể”.
Ông Thăng đặt vấn đề, một nền kinh tế đầu tàu của cả nước, chất lượng tăng trưởng kinh tế tăng lên, năng lực cạnh tranh tăng, thì tỉ trọng của khoa học công nghệ tăng lên bao nhiêu? Hiện nay con số này bao nhiêu? Mục tiêu sắp tới là bao nhiêu? Con số phải được lượng hoá chứ không thể nói chung chung.
“Vai trò của KCNC trong tổng thể khoa học công nghệ thành phố như thế nào? Để thành phố phát triển nhanh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, ngân hàng trong 5 năm tới thì đầu tàu về khoa học công nghệ phải làm gì? Dự kiến thu hút đầu tư trong 5 năm tới là 6 tỷ USD thì liệu có đáp ứng được không? Để thực sự trở thành đầu tàu thì Khu công nghệ cao cần cơ chế, chính sách, giải pháp đặc biệt nào?”, Bí thư Thành ủy đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP cho biết, để KCNC trở thành đầu tàu thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ thì các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư là yếu tố hết sức quan trọng và phải ràng buộc để họ có đầu tư hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển).
Hiện nay thành phố đang thiếu một cơ chế hoạt động thông thoáng cho các tổ chức nghiên cứu khoa học. Phải hình thành được một số mô hình hoạt động tiên tiến trong khoa học công nghệ thì mới có thể hợp tác cùng với quốc tế.
“Trình độ phát triển khoa học công nghệ của thế giới đã đi rất xa rồi còn mình thì đang lè tè ở dưới; mình không thể nào đòi đi theo họ được nếu không thu hút nguồn lực từ nước ngoài vào. Chẳng hạn như chính sách lương bổng, chế độ như thế nào? Đó là chưa kể chính sách thu hút nguồn lực khoa học công nghệ nội địa”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, có nhiều nhận xét rằng đầu tư cho khoa học công nghệ nhiều nhưng lại không đóng góp gì cho ngân sách. Tuy nhiên, theo ông Dũng, nhiệm kỳ vừa qua, TP đầu tư từ ngân sách khoa học công nghệ là trên 2%. Nhưng trong đó có 80% dành cho phát triển hạ tầng. Còn tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài nghiên cứu là 7%.
Bí thư ngắt lời: “Như vậy trong quy định nhà nước thì trên 2% đầu tư cho khoa học công nghệ có quy định chi trực tiếp cho nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ là bao nhiêu?”.
Ông Dũng trả lời: “Có quy định đầu tư những nội dung gì nhưng không quy định cụ thể là bao nhiều phần trăm”. Nghe tới đây, Bí thư Thăng nói: “Như vậy thì phải đề xuất ngay. Anh là Giám đốc Sở thì phải đề xuất. Nếu muốn khoa học công nghệ trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội thành phố thì trong 2% này thì chi ít nhất là 50 – 60% vào nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ. Không đề xuất mà suốt ngày kêu là không có tiền đầu tư cho hoạt động nghiên cứu”.
Ông Dũng nói: “Một chương trình nghiên cứu trong 2 – 3 năm thì đầu từ khoảng 20 – 50 triệu USD thu hút nhiều công ty tham gia và nhà nước đầu tư. Còn đề tài của mình thì chỉ có 1,4 tỷ đồng thì làm sao thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển”.
Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu, các đơn vị cần tập trung giải quyết, khắc phục một số tồn tại trong những năm qua. Phải xây dựng làm sao để KCNC phải thực sự trở thành đầu tàu tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố và tạo được sức hút, sức lan tỏa.
“Chúng ta phải rà soát lại tất cả các quy hoạch, chiến lược phát triển của KCCN cho phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế thành phố trong 5 tới và tầm nhìn 2030. Hình thành cơ chế, thể chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ nói chung và KCNC. Cơ chế, chính sách phải tạo được sự gắn kết của hoạt động nghiên cứu khoa học và đời sống thực tiễn”, ông Thăng nói.
“Như Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân báo cáo trước Quốc hội, thủ tục của ta còn quá rườm rà. Từ ý tưởng cho đến lúc ra sản phẩm, chúng ta còn đang làm thủ tục thì người khác đã sản xuất ra sản phẩm rồi. Cho nên chúng ta cần đưa ra các thủ tục, nếu trong luật chưa có thì chúng ta phải đề xuất, áp dụng cơ chế thí điểm để thực hiện cho thật nhanh”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Thăng cũng yêu cầu các sở ngành phải đưa ra được cơ cấu thu chi, trong ngân sách chi cho khoa học công nghệ thì bao nhiêu phần trăm là đầu tư trực tiếp cho nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ. Tránh đầu tư dàn trải. Tăng cường mối liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp; liên kết giữa các trường, viện với khu công nghiệp, khu công nghệ, doanh nghiệp…. để làm sao thương mại hóa được các nghiên cứu, bởi hiện nay thành phố chưa làm tốt điều này.
“Sở Khoa học và Công nghệ, KCNC phải làm sao giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giúp họ ứng dụng, chuyển đổi nâng cao công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động. Suy cho cùng, năng suất lao động là yếu tố quyết định sự cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp và mỗi quốc gia”, Bí thư Thăng nhấn mạnh.
Quốc Anh – Quốc Phan