Bí thư Quảng Ninh "bật mí" những quyết sách quan trọng giúp tỉnh vượt "bão" Covid
(Dân trí) - Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, sẽ có hàng loạt quyết sách nhằm bảo đảm sự ổn định, đổi mới, phát triển của tỉnh giai đoạn tới sẽ được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 6, khóa XIV.
Kỳ họp vừa được khai mạc sáng nay (7/12) tại Trung tâm hội nghị tỉnh (TP Hạ Long).
Theo Bí thư Tỉnh ủy, năm 2022, được xác định là năm đầu thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025, tỉnh Quảng Ninh đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới to lớn, đan xen với khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 trên thế giới, trong khu vực, trong nước vẫn tiếp tục có những diễn biến mới phức tạp, có thể còn kéo dài, khó lường. Do đó, tại kỳ họp lần này, HĐND có nhiệm vụ rất quan trọng xem xét các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết, thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.
Cụ thể, HĐND tỉnh sẽ tập trung thảo luận, xem xét, quyết định mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách và đầu tư phát triển năm 2022. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục thực hiện thành công chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Xác định nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại khu vực công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến…; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng tâm là ngành Than. Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; khôi phục du lịch…
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số toàn diện.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 10%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%; thu hút vốn FDI đạt ít nhất 1,5 tỷ USD. Tiếp tục giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI. 100% đơn vị cấp huyện và cấp tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư phát triển năm 2022 trên cơ sở kế thừa kết quả tích cực và phát huy bài học kinh nghiệm đã đạt được của giai đoạn 2016-2020; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, kéo dài, lãng phí, kém hiệu quả.
Kiên trì thực hiện phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội, nhất là thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP) để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng năng lượng, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thương mại và hạ tầng văn hóa, xã hội.
Đồng thời, cân đối ưu tiên nguồn lực hợp lý tạo động lực hoàn thành chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là các khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025; tăng cường năng lực cho y tế dự phòng, y tế tuyến cơ sở; đầu tư các dự án phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của Nhân dân… nhằm gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu nghèo; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, tăng trưởng bao trùm…
Rà soát, hoàn thiện đồng bộ cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, gắn với sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy, thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Trung ương, của tỉnh.
HĐND tỉnh cũng sẽ nghe báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác xây dựng chính quyền năm 2021 và những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp. Thực hiện quyền giám sát theo quy định của pháp luật, HĐND tỉnh sẽ xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; các báo cáo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021.