Bí thư huyện lên tiếng việc giới thiệu con gái làm Phó Bí thư Huyện đoàn

(Dân trí) - Bí thư Huyện ủy và người đứng đầu Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã lên tiếng về việc nữ cán bộ Huyện đoàn đã quá tuổi nhưng vẫn được giới thiệu bầu vào Ban chấp hành Huyện đoàn.

Việc giới thiệu bầu vào Ban chấp hành Huyện đoàn không sai?

Liên quan đến việc chị Trương Thị M.T. được bố đẻ là ông Trương Văn Lịch, Bí thư Huyện ủy Bá Thước (Thanh Hóa) ký văn bản giới thiệu ứng cử để bầu bổ sung Phó Bí thư Huyện đoàn Bá Thước khi đã quá tuổi, phóng viên Dân trí đã có những trao đổi làm rõ.

Bí thư huyện lên tiếng việc giới thiệu con gái làm Phó Bí thư Huyện đoàn - 1
Chị Trương Thị. M.T được giới thiệu ứng cử bầu bổ sung Phó Bí thư Huyện đoàn Bá Thước, nhiệm kỳ 2012-2017 của Huyện ủy Bá Thước khi đã quá tuổi.

Ông Trương Văn Lịch khẳng định việc chị T. con gái ông được bầu vào Ban chấp hành Huyện đoàn Bá Thước là không sai với quy định của Trung ương, của cấp trên.

Ông Lịch viện dẫn, theo điểm 4, Điều 7, Quyết định số 289, ngày 8/2/2010 của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (gọi tắt là QĐ 289), có thể quá từ 1 - 2 tuổi, tùy tình hình thực tế ở địa phương.

Ông Lịch giải thích thêm: “Điều 10 (QĐ 289) nói tiêu chuẩn cụ thể của cán bộ Đoàn cấp huyện, tham gia Ban chấp hành lần đầu thì tuổi đời không quá 30 tuổi, thì cô này (chị Trương Thị M.T.) sinh ngày 18/10/1986, tháng 12/2016 bổ nhiệm thì quá 2 tháng. Nhưng tra cứu Điều 7 của QĐ 289 thì trong trường hợp cụ thể có thể tăng lên 1 - 2 tuổi”.

Ông Lê Văn Trung, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa cũng khẳng định: “Việc đó (việc chị T. được bầu vào Ban chấp hành Huyện đoàn Bá Thước - PV) là không sai”.

Theo ông Trung, hiện nay cả tỉnh đang thiếu cán bộ Đoàn. Điểm 2, Điều 10 (QĐ 289) là tiêu chuẩn chung, trong trường hợp cụ thể vận dụng điểm 4, Điều 7 (QĐ 289).

Ông Trung khẳng định thêm: “Đối với tất cả trường hợp như chị T., bổ nhiệm lần đầu, vận dụng điểm 4, Điều 7, QĐ 289. Cho nên kể cả bầu chị T. vào thời điểm năm 2018 vẫn đủ điều kiện”.

Tuy nhiên, trong QĐ 289 quy định về tiêu chuẩn cán bộ Đoàn cấp huyện, ghi rất rõ là: “Tham gia Ban chấp hành lần đầu không quá 30 tuổi và giữ chức vụ không quá 35 tuổi”. Đây là tiêu chuẩn quan trọng để các địa phương quy hoạch, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn đúng độ tuổi, tránh tình trạng “già hóa” cán bộ Đoàn.

Cần nhắc lại một lần nữa, điểm 2, Điều 10, QĐ 289 là quy định tiêu chuẩn cán bộ Đoàn cấp huyện tham gia Ban chấp hành lần đầu. Và trường hợp chị Trương Thị M.T. là lần đầu được giới thiệu vào Ban chấp hành Huyện đoàn Bá Thước.

Còn tại điểm 4, Điều 7, QĐ 289 về tiêu chuẩn chung, ghi rõ: “Có sức khoẻ tốt; ngoại hình phù hợp với công tác thanh vận; tuổi cán bộ đoàn được quy định theo cương vị được giao và có thể hơn từ 1 đến 2 tuổi để phù hợp với yêu cầu công tác cụ thể”. Cần hiểu rõ rằng, đây là quy định tiêu chuẩn chung của cán bộ Đoàn, chứ không phải quy định riêng cho cán bộ Đoàn cấp huyện khi tham gia vào Ban chấp hành lần đầu.

Bí thư huyện lên tiếng việc giới thiệu con gái làm Phó Bí thư Huyện đoàn - 2
Huyện ủy Bá Thước, nơi chị Thu công tác.

Liên quan đến việc, ngày 13/12/2016, Huyện ủy Bá Thước có công văn về việc xin tiếp nhận cán bộ công chức và trong cùng ngày Tỉnh đoàn có công văn về việc thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự bổ sung Ủy viên Ban chấp hành, Ban Thường vụ, chức danh Phó Bí thư Huyện đoàn Bá Thước khóa XVII, nhiệm kỳ 2012-2017, ông Trung lý giải: “Huyện xuống làm việc trực tiếp, đó là văn bản thỏa thuận thống nhất, làm quy trình. Về mặt nghiệp vụ, Tỉnh đoàn hướng dẫn cho Ban chấp hành Huyện đoàn”.

Một điều đáng chú ý khi QĐ 289 là căn cứ quan trọng về Quy chế cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhưng trong công văn số 439-CV/TĐTN-BTC, ngày 13/12/2016 của Tỉnh đoàn Thanh Hóa gửi Ban Thường vụ Huyện ủy Bá Thước lại không nêu căn cứ vào QĐ 289 của Ban Bí thư?

Về vấn đề này, ông Lê Văn Trung vòng vo: “Cái này theo phân cấp, chứ chưa có căn cứ, vì đã có nhân sự cụ thể đâu mà căn cứ 289 (QĐ 289)? Vì 289 là tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể của cán bộ Đoàn”.

“Không phải người ta lấy vì con gái của Bí thư”!

Liên quan đến câu hỏi về việc dư luận cho rằng, có sự ưu ái đối với con gái mình, ông Lịch phân trần: “Trường hợp con gái tôi hay trường hợp ai cũng vậy thôi, nó là bình thường. Vì chúng tôi trong Thường vụ, Thường trực không tính con gái của ai cả. Tổ chức tham mưu, tìm người, tiêu chuẩn giới thiệu lên, chứ không phải người ta lấy vì con gái của Bí thư”.

Bí thư huyện lên tiếng việc giới thiệu con gái làm Phó Bí thư Huyện đoàn - 3
Ông Trương Văn Lịch, Bí thư Huyện ủy Bá Thước (Ảnh bathuoc.gov.vn)

Ông Lịch cho rằng, trong thực tế cán bộ Đoàn cấp huyện Bá Thước nói riêng và tỉnh Thanh Hóa hiện nay đang thiếu, cho nên quy định về tuổi rất khó. Hơn nữa không có biên chế vì 5 năm nay tỉnh Thanh Hóa không tổ chức thi tuyển công chức. Còn những người đang trong công chức thì đã quá tuổi.

Liên quan đến câu hỏi Ban tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa đã trả lời công văn số 219-CV/HU, ngày 13/12/2016 về việc xin tiếp nhận cán bộ công chức của Huyện ủy Bá Thước hay chưa? ông Lịch cho biết: Do chị Trương Thị M.T. không thuộc diện Ban tổ chức Tỉnh ủy quản lý nên đơn vị này không trả lời. Còn huyện Bá Thước tiếp nhận chị Trương Thị M.T. - cán bộ, Bí thư Chi đoàn Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Bá Thước về công tác tại cơ quan Dân Đảng để thực hiện quy trình bầu bổ sung Phó Bí thư Huyện đoàn là theo phân cấp quản lý về tổ chức bộ máy, cán bộ của tỉnh Thanh Hóa.

Nói về lý do theo quy định không phải xin ý kiến, nhưng Huyện ủy Bá Thước vẫn có công văn gửi Ban tổ chức Tỉnh ủy, ông Lịch cho biết: “Do anh em tham mưu liên quan đến vấn đề cán bộ của cơ quan thôi”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề trên đến bạn đọc.

Trần Lê