1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bí thư Hoàng Trung Hải: Giao thông Hà Nội đang ở mức... nước sôi!

(Dân trí) - Sau hàng loạt ý kiến cho rằng, giao thông Hà Nội còn những hạn chế, còn sức ép lớn, ông Hoàng Trung Hải dùng hẳn từ “báo động”: “Chúng ta thường nói khi tốc độ tăng GDP lên cỡ 7-8% là tăng trưởng nóng, còn tăng trưởng giao thông như thế này chắc phải gọi là tăng trưởng... nước sôi”.

Sáng 7/3, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã họp với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải triển khai công tác quản lý về GTVT, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2016-2020.

Cho ý kiến về vấn đề trên, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Hà Nội quan tâm sớm việc xây dựng và triển khai Đề án tăng cường năng lực vận tải công cộng và kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân.

Về vấn đề xử lý người đi bộ vi phạm, ông Hùng ủng hộ chủ trương của Hà Nội. “Tuy nhiên, nếu không giải quyết hạ tầng cho người đi bộ thì họ không thể đi bộ được. Việc này có thể giải quyết ngay mà không phải đầu tư lớn”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cảnh báo giao thông trên địa bàn Hà Nội đang ở mức báo động
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cảnh báo giao thông trên địa bàn Hà Nội đang ở mức báo động

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhìn nhận, trong những năm qua Hà Nội đã cải thiện rất đáng kể hình ảnh giao thông ở các cửa ngõ. Thế nhưng đi vào nội thành lại gặp cảnh ùn tắc. Theo ông Đông khi chưa thể hoàn thiện đường sắt nội đô thì Hà Nội cần phải tổ chức lại giao thông từ xa, không để các phương tiện ập vào mới gỡ rối ở các cửa ngõ.

Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội có kế hoạch triển khai đầu tư một số dự án và hoàn thành ngay trong giai đoạn 2016 - 2017 nhằm giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại 7 điểm nghẽn lớn. Theo đó, Hà Nội có kế hoạch xây dựng nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, Cầu vượt nút giao Bạch Mai - Lê Thanh Nghị, Cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, Cầu vượt nút An Dương - đường Thanh Niên, Cầu vượt nút giao Trần Hưng Đạo - Lương Yên, nút giao Cổ Linh và hầm chui Lê Văn Lương. Tổng kinh phí ước tính của 7 dự án trên khoảng 2.260 tỷ đồng.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, có lộ trình kiểm soát chặt chẽ phương tiện cá nhân, di dời các cơ quan hành chính, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, các bệnh viện lớn ra khỏi phạm vi trung tâm thành phố, xử lý triệt để hiện tượng xe dù, bến cóc, kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận tải và xe siêu trường, siêu trọng.

Kết lại buổi làm việc, ông Hoàng Trung Hải – Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ hàng loạt nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố thời gian qua. Theo ông Hải nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông thường xuyên chiếm xấp xỉ 50% tổng vốn của các ngành kinh tế nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Nguyên nhân được ông Hải chỉ rõ là do tốc độ tăng trưởng giao thông quá lớn. Ngoài ra, công tác quản lý, điều hành hệ thống giao thông chưa tốt cũng là một trong những nguyên nhân làm cho hệ thống giao thông nặng nề hơn.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 5,3 triệu xe máy, 560 nghìn ô tô, 10 nghìn xe đạp điện. Tốc độ tăng ô tô hàng năm khoảng 17%, xe máy 11%, như vậy gấp 1,5 đến 2 lần so với tốc độ tăng GDP trên địa bàn. “Điều đó gây sức ép rất lớn về hạ tầng. Chúng ta thường nói khi mà tốc độ tăng GDP lên cỡ 7-8% là tăng trưởng nóng, còn tăng trưởng giao thông như thế này chắc phải gọi là tăng trưởng... nước sôi”, Bí thư Thành ủy Hà Nội ví von.

Theo Bí thư Hoàng Trung Hải, tăng trưởng dân số của Hà Nội cũng rất nhanh, từ lúc sáp nhập vào Hà Tây mới 6,2 triệu người, đến thời điểm này đã lên 7,6 triệu người. Đó là chưa kể trên địa bàn thành phố thường xuyên có 3 triệu người vãng lai.

Ông Hoàng Trung Hải cho rằng, tất cả những vấn đề trên đã gây sức ép lớn vào hạ tầng giao thông. Điều đó, đòi hỏi đơn vị liên quan phải nỗ lực quyết liệt hơn đưa ra những giải pháp đặc thù để khắc phục những hạn chế trong thời gian ngắn nhất; vì càng làm chậm càng gây sức ép lớn về sau.

“Chúng ta mất bao nhiêu công đầu tư đường vành đai 3, các đồng chí chỉ vi vu được mấy hôm. Nay bắt đầu bàn chuyện tăng tốc độ nhưng đã quá tải rồi thì tăng ở đâu. Tăng lên 120km/h lấy đâu chỗ mà đi?”, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ rõ những bất cập liên quan đến vấn đề giao thông trên địa bàn.

Từ những phân tích trên, ông Hoàng Trung Hải cho rằng, đối với Hà Nội, vấn đề về hạ tầng giao thông ở mức báo động. “Các đồng chí ở đây chỉ nói còn rất nhiều hạn chế, còn sức ép lớn, tôi nói là báo động. Báo động bởi vì sao, từng người dân ra đường đã thấy vô cùng khó khăn trong việc tham gia giao thông và giữ an toàn giao thông. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp đặc biệt hơn, phải nỗ lực hơn, phải có nhiều phương án đặc thù hơn”, ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bí thư Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị xử lý nghiêm vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm của các phương tiện giao thông như xe buýt, xe công trường, vệ sinh đường phố. Xe từ các công trường xây dựng phải vệ sinh sạch sẽ mới được ra phố.

“Các anh chị nhìn công trình Lotte, làm bao nhiêu năm có bụi bẩn không? Các anh nêu Hà Nội có khả năng ô nhiễm bằng Bắc Kinh, nhưng tôi nghĩ còn hơn nếu không quy hoạch từ bây giờ” - Bí thư Hà Nội nói thêm.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm