Bí thư Hà Tĩnh nói gì từ “tâm chấn Formosa”?
Đương kim Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn trao đổi với Tiền Phong về thiệt hại, khả năng phục hồi, trách nhiệm cán bộ và tâm lý muốn di cư của một số người dân. Ông Sơn nói: “Sự cố Formosa làm một số người dân băn khoăn, nhưng mong bà con bình tĩnh. Đảng, nhà nước và lãnh đạo Hà Tĩnh luôn đặt lợi ích của người dân lên đầu”.
Hậu quả trước mắt, lâu dài
- Thưa ông, là người đứng đầu tỉnh Hà Tĩnh, ông đánh giá thế nào về sự cố môi trường do Formosa gây ra?
- Hiện tượng hải sản chết bắt đầu ngày 6/4/2016 tại Hà Tĩnh, sau đó đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Đây là sự cố nghiêm trọng, tác động tới kinh tế - xã hội, môi trường và an ninh trật tự, an toàn xã hội trước mắt và lâu dài.
Cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy và gia đình tôi vẫn luôn sử dụng cá biển, nhưng địa chỉ mua cá là một trong 25 điểm bán hải sản do Sở Công Thương chỉ đạo. Tôi mong người dân khi có nhu cầu sử dụng hải sản cũng sẽ tìm đến các điểm này, vì hải sản ở đây đã được kiểm nghiệm và dán nhãn an toàn.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn
Khi hải sản bắt đầu chết bất thường, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo Sở NN&PTNT lấy mẫu và đến ngày 12/4 có kết quả bước đầu, cho thấy: Môi trường sinh học có những dấu hiệu không bình thường, cá chết không phải do dịch bệnh. Từ ngày 17/4 trở đi, các cơ quan chức năng lấy mẫu liên tục đều cho kết quả như vậy.
Ngày 27/4, tỉnh Hà Tĩnh lập Ban chỉ đạo khắc phục sự cố do tôi làm trưởng ban. Theo đó, Hà Tĩnh đã đề xuất Trung ương, trước mắt hỗ trợ các đối tượng thiệt hại 15 kg gạo/tháng/người và được thực hiện trong 1,5 tháng (hiện Trung ương đã điều chỉnh nâng hỗ trợ gạo cho các đối tượng từ 1,5 tháng lên 6 tháng); tỉnh trích 700 triệu đồng hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản. Ngày 1/5, Bộ NN&PTNT thông báo vùng biển ngoài 20 hải lý đảm bảo an toàn. Từ đó, tỉnh đã tích cực động viên ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ ra khơi. Khi ngư dân đánh bắt hải sản về, tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT dán tem chứng nhận hải sản an toàn, tổ chức các điểm bán hải sản sạch.
Trước những thiệt hại do sự cố môi trường gây ra, phần lớn người dân vùng biển và nhân dân toàn tỉnh phải đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng với tinh thần, trách nhiệm cao, nhân dân đã đồng hành chia sẻ với những khó khăn chung của tỉnh.
Thể hiện rõ nhất là cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 của tỉnh thành công, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, thực sự là ngày hội toàn dân.
- Lo lắng nhất của người dân là hải sản không an toàn, ngư dân không ra khơi vì cá đưa về không bán được. Ông đã chỉ đạo những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn này?
- Bản thân tôi và các đồng chí lãnh đạo tỉnh khi tiếp xúc với người dân các phường, xã của thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh cùng nhiều địa phương khác đều nhận được câu hỏi của người dân: Khi nào ngư dân được ra khơi? Khi nào hải sản vùng lộng đánh bắt về tiêu thụ được? Đây là những trăn trở hết sức xác đáng vì ra khơi, bám biển là nghiệp của ngư dân.
Tuy xác định tàu đánh cá ngoài 20 hải lý là an toàn. Nhưng Hà Tĩnh hiện chỉ có 275/5.500 tàu có thể vươn khơi xa. Để tăng số lượng tàu đánh bắt xa bờ, tỉnh luôn mong muốn các ngư dân lập thành tổ hợp, đồng thời tỉnh sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế để ngư dân vay vốn đóng mới, cải hoán tàu đủ điều kiện đánh bắt xa bờ.
Để nhân dân yên tâm về chất lượng nước biển, hải sản, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên lấy mẫu nước biển để kiểm nghiệm, công bố kịp thời về kết quả. Đối với các loài hải sản vùng trong 20 hải lý, ngành y tế đã và đang lấy mẫu, phân tích.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế phối hợp với địa phương đang gấp rút đánh giá môi trường biển và sẽ công bố vùng biển và hải sản an toàn cho người dân trong thời gian sớm nhất.
- Ông có nghe phản ánh việc người dân bị nhiễm độc từ Formosa, một số người đi xuất khẩu lao động bị trả về?
- Đây là vấn đề hệ trọng, phải đánh giá khách quan. Người dân có thể nhiễm độc từ chất thải của dự án Formosa, có thể nhiễm trong quá trình sử dụng các ngư cụ đánh cá hoặc nhiễm từ môi trường sinh hoạt hàng ngày. Nội dung này, phải xác định chính xác, khoa học chứ không thể nói chung chung.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn.
Có lúc buông lỏng, có khi vượt tầm
- Ông đánh giá như thế nào về chất lượng quản lý nhà nước trong sự cố Formosa này?
- Ai cũng có mong muốn phải làm sao để địa phương mình phát triển nhanh và bền vững, đời sống người dân được nâng lên. Mong muốn là vậy nhưng có khi kết quả chưa đạt được.
Quá trình triển khai dự án từ năm 2008 đến nay, có những thời điểm, những việc làm còn buông lỏng công tác quản lý; có những việc vượt quá tầm kiểm soát của tỉnh. Ngày 20/7, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh làm rõ các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc triển khai dự án Formosa. Tỉnh đang triển khai khẩn trương chỉ đạo của Thủ tướng.
- Ông nhìn nhận thế nào về các phát biểu dễ dãi, có phần thiếu trách nhiệm của cấp dưới như: “Người dân yên tâm ăn cá, tắm biển” khi chưa có kết luận về môi trường; hay “anh em hoảng quá nên lấy mẫu thiếu khách quan”…?
- Chúng tôi phê bình nghiêm túc việc trả lời hời hợt, thiếu chiều sâu của một số lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thuộc các sở, ngành. Qua đây, chúng ta càng ý thức hơn việc phải thường xuyên nâng cao trình độ, chuyên môn cho cán bộ.
Xung quanh nội dung các câu trả lời của một số cán bộ với cơ quan báo chí, có đồng chí phân tích chưa rõ ý nên người nghe dễ hiểu nhầm, có đồng chí chuyên môn hạn chế, có đồng chí nhận thức vấn đề qua loa, chưa lường hết hậu quả của những phát ngôn thiếu chuẩn mực. Từ những bất cập đó, tôi đã yêu cầu không được bao biện hay né tránh báo chí.
- Ông thẳng thắn như vậy, chắc cũng không ngại nói về trách nhiệm của mình?
- Tôi được Đảng phân công, dân cử nên tôi luôn thể hiện sự cầu thị và rất thẳng thắn thể hiện rõ chính kiến của mình trước mọi vấn đề. Với cương vị được phân công hiện nay, tôi thấy rõ trách nhiệm của mình và tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm khi bản thân tôi và cán bộ dưới quyền của mình đã để xảy ra những sai phạm.
Người dân hãy tin chính quyền, đừng vội bỏ làng quê
- Hiện nay, Formosa sử dụng rất ít lao động là người địa phương. Họ yêu cầu công nhân Việt Nam cũng phải biết tiếng Trung, ông đánh giá như thế nào?
- Chuyển dịch cơ cấu lao động là đề án của tỉnh Hà Tĩnh triển khai lâu nay chứ không phải khi xảy ra sự cố môi trường mới thực hiện. Theo đề án, Hà Tĩnh phấn đấu hướng đến mô hình gia đình 3 trong 1, tức là trong một gia đình có cả lao động nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Riêng tại dự án Formosa, chúng tôi xác định cơ bản lao động phải là người Việt Nam, người Hà Tĩnh. Và thực tế kể từ khi triển khai dự án đến nay, số lao động người Việt Nam xê dịch từ 60 đến 70%, trong đó người Hà Tĩnh chiếm tỷ lệ chủ yếu. Tuy nhiên, số lượng chưa được như mong đợi do trình độ, tay nghề của lao động Việt Nam theo yêu cầu của nhà đầu tư chưa thực sự đáp ứng.
Theo yêu cầu của Formosa, ở một số vị trí, lao động phải nói được tiếng nước ngoài, đó là yêu cầu của họ. Đối với phản ánh công nhân làm việc ở Formosa phải biết tiếng Trung, Hà Tĩnh sẽ làm rõ nội dung này. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, dự án triển khai trên đất Việt Nam thì họ phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật Việt Nam, không thể bắt ép chúng ta.
- Thưa ông, giờ đang manh nha tình trạng người dân Kỳ Anh muốn di cư, ông có lo ngại điều này?
- Sự cố môi trường làm ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng của người dân. Chúng tôi không bao giờ muốn dân mình rời bỏ quê hương, bản quán. Các ngành chức năng khẳng định, môi trường chưa thực sự bị ô nhiễm mà ai đó muốn rời quê hương thì phải cân nhắc thật kỹ. Chúng tôi sẽ kiểm tra thông tin này nhưng tôi tin, đây chỉ là ý định của một số ít cá nhân không phải của số đông.
- Ông có thể trả lời câu hỏi: “Được và mất Formosa là gì?”, “Có nên để Formosa tồn tại?”
- Dự án lớn mà trả lời ngắn gọn sẽ không thể đầy đủ. Nhưng có thể khẳng định: Kể từ khi dự án được triển khai, trên các lĩnh vực, địa bàn của tỉnh Hà Tĩnh nhất là thị xã Kỳ Anh, các huyện, thị lân cận đã có những khởi sắc đáng mừng. Tổng thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh năm 2015 đạt trên 12 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Khi triển khai dự án, các đồng chí lãnh đạo tỉnh tiền nhiệm và hiện tại đều có khát khao đưa Hà Tĩnh từ một tỉnh nghèo, đời sống người dân khó khăn thành tỉnh trung bình và khá giả, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Nay xảy ra sự cố, ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài, trách nhiệm của chúng ta phải yêu cầu Fomorsa thực hiện nghiêm khắc các cam kết về cải tạo môi trường. Quan điểm của chúng ta rất rõ, phát triển kinh tế phải gắn với xã hội, môi trường, không đánh đổi phát triển kinh tế mà hủy hoại môi trường.
Tôi chưa nghĩ đến việc dừng hoạt động của dự án Formosa vì qua quá trình đấu tranh cả về khoa học và pháp lý, Formosa đã thừa nhận, cúi đầu xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, cam kết sẽ bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề, phục hồi môi trường biển, không tái phạm. Vấn đề chính, chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ, nghiêm khắc, triệt để cam kết của họ. Nếu Formosa tái phạm thì Hà Tĩnh sẽ đề nghị đóng cửa.
- Cảm ơn ông!
Theo Minh Thùy - Sỹ Lực
Tiền Phong