1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bí thư Hà Nội: Phủ kín quy hoạch sông Hồng tạo sinh kế cho 900 nghìn dân

(Dân trí) - Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, việc phủ kín quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ tạo nguồn lực rất lớn cho TP, đồng thời đảm bảo sinh kế cho khoảng 900 nghìn dân.

Chiều ngày 8/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết, trong giai đoạn 5 năm tới, TP phải phủ kín quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có quy hoạch phân khu sông Hồng. Từ đó, định hướng sử dụng được nguồn tài nguyên đất các bãi ven sông.

Bên bờ sông Hồng sẽ như sông Hàn

“Muốn quy hoạch được 2 bên bờ sông Hồng và các bờ sông khác thì quy hoạch thoát lũ là quan trọng nhất. Do vậy, TP xin ý kiến lãnh đạo bộ để trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết. Thực tế, cách đây 3 năm TP đã bỏ lỡ việc phê duyệt quy hoạch này khi thẩm quyền còn thuộc HĐND TP.

Bí thư Hà Nội: Phủ kín quy hoạch sông Hồng tạo sinh kế cho 900 nghìn dân - 1

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trước đây TP cũng đã thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng quy hoạch đê sông Hồng kết hợp với đường giao thông. Theo ông Chung, kết hợp giữa 2 chức năng này, đoạn sông Hồng qua nội thành từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy sẽ giống như đô thị hai bên bờ sông Hàn (Hàn Quốc).

“Về cao trình đê, nếu được thống nhất là 13,2m thì vẫn đảm bảo phân lũ với tần suất tới 500 năm mới có một lần lũ lớn. Theo thẩm quyền quy hoạch thoát lũ hiện nay thuộc thẩm quyền của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do vậy TP đề nghị bộ hoàn thiện luôn hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt” - ông Chung nói.

Trước những đề xuất của TP Hà Nội, ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết, các tuyến đê của TP có vai trò đặc biệt quan trọng. Riêng đê sông Hồng qua nội thành Hà Nội phải đảm bảo trường hợp lũ lớn hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng 500 năm mới có một lần.

Là công dân Thủ đô, ông Hoài cũng mong muốn sớm có quy hoạch thoát lũ sông Hồng. “Mỗi lần kiểm tra khu vực bãi sông Hồng, bản thân tôi thấy không thể để tồn tại mãi tình trạng như vậy. Như để có quy hoạch, thì phải xây dựng phương án phòng chống lũ nằm trong quy hoạch phát triển Thủ đô”, ông Hoài nói.

Bên bờ sông Hồng như hiện nay thì không ai dám đầu tư

Liên quan đến quy hoạch thoát lũ sông Hồng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường cho biết, phải căn cứ vào quyết định 257/2016 của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức quy hoạch phân lũ cho 15 tỉnh hạ du, làm cơ sở cho công tác phòng chống thiên tai, bảo vệ đê điều.

Ông Cường cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh biển đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan thì quy hoạch này cần phải được coi trọng. Theo đó, Bộ trưởng Cường đưa ra 2 tiêu chí chính trong phân lũ sông Hồng là cao trình đê phải đạt 13,4m mới đảm bảo mức thoát lũ 20.000m3/s.

Bí thư Hà Nội: Phủ kín quy hoạch sông Hồng tạo sinh kế cho 900 nghìn dân - 2

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.

“Như vậy vừa đảm bảo an toàn cho khu vực nội đô mùa lũ, đảm bảo hệ thống thuỷ lợi mùa khô, vừa tận dụng được tài nguyên từ khu vực sông Hồng, đồng thời đảm bảo cho hơn 900 nghìn người dân hai bên bờ sông sinh sống ổn định”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, yêu cầu chống lũ rất quan trọng, là vấn đề sống còn. “Các đồng chí nhìn trên máy bay xuống hay đi tàu bè qua, thì thấy hai bên bờ sông Hồng như vậy thì Thủ đô làm sao phát triển được. Theo quy định đất chưa quy hoạch chỉ được đấu thầu 5 năm lại “xóa” đi làm lại, thì không ai dám đầu tư vào. Ngay khu bãi giữa của Hoàn Kiếm, giờ mượn làm tạm cũng không được, tất cả án binh bất động hết. Chỗ này đề nghị Bộ nghiên cứu giúp cho TP”, ông Huệ nhấn mạnh.

Do vậy, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ việc phủ kín quy hoạch phân khu sông Hồng góp phần chỉnh trang cảnh quan đô thị, tạo nguồn lực rất lớn và đảm bảo sinh kế cho khoảng 900 nghìn dân. Do vậy, Bí thư Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu giúp TP sớm phủ kín quy hoạch sông Hồng.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất giải pháp thiết kế xây dựng cải tạo tuyến đê hữu Hồng đoạn từ ngõ 124 Âu Cơ đến nút giao Lạc Long Quân (đoạn 3) trong tổng thể phương án cải tạo đê hữu Hồng từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật để đảm bảo khớp nối và khả năng tiếp cận giao thông.

Đối với đoạn đê hữu Hồng từ cầu Chương Dương đến cây xăng Lương Yên, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất phương án giữ nguyên tuyến tường bê tông cốt thép phía thượng lưu, hạ thấp tuyến đường đê phía trên xuống cùng cao độ mặt đường phía dưới.

Quang Phong