1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Nội giải bài toán quy hoạch thoát lũ để tạo “kỳ tích sông Hồng”

(Dân trí) - Giải được bài toán quy hoạch thoát lũ, Hà Nội tạo “kỳ tích sông Hồng”, qua việc hình thành các khu đô thị sinh thái, biến hai bờ đê thành trục đường giao thông, ổn định đời sống hơn 900.000 hộ dân.

Lỡ cơ hội quy hoạch từ 2017

Phát biểu thảo luận về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội tại hội trường, đại biểu Dương Đức Tuấn (quận Hoàn Kiếm) đề nghị rà soát, lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Ông Tuấn cũng lưu ý việc đề xuất mở rộng ranh giới phát triển khu vực đô thị phù hợp, đảm bảo hiệu quả về đô thị hóa, hiệu quả về kinh tế đô thị và tái cấu trúc mô hình không gian đô thị trung tâm, phát triển cân bằng hai bên sông Hồng, đặc biệt là trục trung tâm sông Hồng.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (quận Thanh Xuân) đề nghị tập trung nguồn lực cho công tác quy hoạch, nhất là các quy hoạch lớn, quan trọng như quy hoạch phân khu sông Hồng.

Hà Nội giải bài toán quy hoạch thoát lũ để tạo “kỳ tích sông Hồng” - 1

Từ những năm 2000, Hà Nội đã thể hiện khát vọng thực hiện quy hoạch đô thị ven sông Hồng

“Cần phải có một quyết tâm chính trị lớn và ưu tiên cho quy hoạch này để giải quyết các vướng mắc, nhất là các vướng mắc về các văn bản pháp luật của bộ, ngành, Trung ương để đáp ứng nong mỏi của cử tri và nhân dân Thủ đô cũng như nhân dân cả nước”, đại biểu Đức nói.

Giải trình trước HĐND TP Hà Nội về nội dung phủ kín quy hoạch phân khu dọc hai bên bờ sông Hồng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã từng bỏ lỡ mất cơ hội làm quy hoạch này từ 3 năm trước.

Cụ thể tại thời điểm cuối năm 2017, UBND Hà Nội đã giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với Viện quy hoạch của Bộ NN&PTN để thực hiện quy hoạch phân lũ theo Quyết định 217 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do các lý do khách quan, đặc biệt là vướng Luật Quy hoạch nên toàn bộ các nội dung này bị hoãn.

“Theo Luật Quy hoạch thì thẩm quyền làm quy hoạch phân lũ không thuộc về HĐND thành phố nữa”, ông Chung nói và cho biết, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các quy hoạch phân khu hai bên bờ sông Hồng.

“Theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ, dự kiến tại cuộc họp với Bộ NN&PTNT vào chiều ngày 9/7 tới, UBND Hà Nội sẽ đề xuất với Bộ uỷ quyền cho thành phố thực hiện quy hoạch này”, ông Chung cho hay.

Ổn định đời sống gần 1 triệu hộ dân

Theo ông Chung, chỉ khi nào làm xong quy hoạch phân lũ tại sông Hồng đoạn qua Hà Nội thì mới xây dựng được các quy hoạch phân khu hai bên bờ sông Hồng. Ông cho biết, đến nay về cơ bản Hà Nội đã làm xong các quy hoạch nội dung hai bên bờ sông, nhưng do vướng quy hoạch phân lũ nên chư triển khai được.

Hà Nội giải bài toán quy hoạch thoát lũ để tạo “kỳ tích sông Hồng” - 2

Quỹ đất sông Hồng đoạn chảy qua TP Hà Nội hiện nay chủ yếu để phát triển nông nghiệp

“Tinh thần là thành phố sẽ quy hoạch các đô thị sinh thái hai bên bờ sông Hồng, biến hai bờ đê bên sông thành hai con đường giao thông. Và quan trọng nhất, là nếu làm được quy hoạch hai bên sông Hồng thì mới có điều kiện làm cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm để cho hơn 900 nghìn người dân của 11 quận, huyện dọc hai bên bờ sông”, ông Chung nói.

Trước đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất trong lịch sử có chủ đề “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thành phố đang đề nghị với Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô năm 2030, tầm nhìn 2050.

Trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội quyết tâm phấn đấu sẽ phủ đầy các quy hoạch phân khu, đặc biệt là các quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Nhuệ, sông Đáy.

“Muốn làm được các quy hoạch phân khu này thì phải xác định được quy hoạch về thoát lũ. Nếu làm tốt các quy hoạch phân khu này thì mới có thể làm nên kỳ tích sông Hồng”,  Bí thư Hà Nội nói.

Được biết, 4 quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng sẽ liên quan đến địa giới của 15 quận huyện bao gồm: Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Thường Tín, Thanh Trì, Phú Xuyên, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên.

Hơn 10 năm trước, Hàn Quốc từng đề nghị làm siêu đô thị 2 bên bờ sông Hồng với tổng mức đầu tư 10 tỷ USD. Phía Hàn Quốc cũng đã chi khoảng 5 triệu USD để nghiên cứu quy hoạch, sau đó bị gác lại...

Quang Phong