Bí thư Hà Nội: "Gia Lâm có nghề cây cảnh rất được, tôi mới sang mua hoa"

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Bí thư Hà Nội cho biết, huyện Gia Lâm có nhiều yếu tố từ văn hóa, truyền thống đến làng nghề cây cảnh... Mới đây, ông đã sang Gia Lâm mua cây hoa giấy 40 triệu đồng để ở trước cổng "làm đẹp cho đời".

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội vào sáng 12/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2022, cùng với việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đổi mới công tác đánh giá cán bộ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, thành phố đã đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Hà Nội: Gia Lâm có nghề cây cảnh rất được, tôi mới sang mua hoa - 1

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri diễn ra sáng 12/10 tại huyện Gia Lâm (Ảnh: Nguyễn Trường).

9 tháng qua, các chỉ số kinh tế đều đạt mức cao, trong đó tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,69% (cả nước tăng 8,83%), thu ngân sách nhà nước trên địa ước đạt 78,3% so với dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Bí thư Hà Nội nhìn nhận, kết quả thành phố đạt được có đóng góp quan trọng của các địa phương, trong đó có Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm. Kinh tế chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 10,38% so với cùng kỳ.

Chia sẻ tại hội nghị về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt 6 nhóm nội dung trọng tâm.

Trong đó, ông Dũng nhấn mạnh việc Gia Lâm là một trong hai huyện được thành phố ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng thành quận trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Bí thư Thành ủy chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền huyện tập trung chỉ đạo huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phân công, đôn đốc sâu sát, quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, đồng thời tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận; phấn đấu đáp ứng đủ điều kiện trở thành quận vào năm 2023.

Bí thư Hà Nội bày tỏ, huyện Gia Lâm ở vùng giáp ranh với các tỉnh nên nếu làm tốt có thể trở thành trung tâm với các tỉnh bạn. Bên cạnh đó, Gia Lâm hội tụ nhiều yếu tố từ văn hóa, làng nghề, truyền thống… nên ông Dũng cho rằng, cơ hội phát triển của địa phương này rất bền vững.

"Chúng ta có cái làng nghề cây cảnh rất được. Chiều hôm trước tôi sang đây mua cây hoa giấy 40 triệu đồng. Cây to lắm, rất đẹp, để ở trước cổng làm đẹp cho đời. Ý tôi muốn nói văn hóa có, làng nghề có, truyền thống có... nên có cơ hội phát triển" - ông Dũng khích lệ.

Trước đó, hồi tháng 6 vừa qua, tại hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của TP Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, căn cứ pháp lý để quyết tâm thực hiện lộ trình xây dựng 5 huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức và Đan Phượng thành quận đã chắc chắn. Tới đây, Bộ Chính trị cho phép Hà Nội báo cáo Chính phủ, Quốc hội để triển khai một số chính sách lớn và đây là cơ sở để thành phố quyết tâm thực hiện kế hoạch.

Nhấn mạnh một số khó khăn trong quá trình thực hiện như về nhóm tiêu chí, quy hoạch, cơ chế chính sách, thủ tục triển khai, bà Tuyến đề nghị, thời gian tới, từng thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục làm việc với các huyện, Sở để có lộ trình và báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy, quyết tâm phấn đấu đến năm 2023 đưa 2 huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận.

Ngoài ra, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý cần tính toán lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính sau khi các huyện lên quận, tiếp tục rà soát lại các chính sách còn lại để thực hiện việc phân cấp cho các địa phương…