TPHCM:
Bị thu giữ xe "6 không", người lao động than "cả nhà tôi dựa vào nó"
(Dân trí) - Phần lớn người dân sử dụng xe máy cũ nát để mưu sinh đều than trời khi bị CSGT tạm giữ phương tiện và xử phạt.
8h ngày 15/3, anh Hồ Nguyễn Phước Tài không đội mũ bảo hiểm điều khiển xe máy không biển số, không đèn, không còi chở theo hàng chục bao nước đá giao cho khách như thường lệ.
Vừa tới giao lộ Nguyễn Thị Sóc - quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn, TPHCM), anh Tài bị Đội CSGT An Sương thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TPHCM ra hiệu dừng xe.
Khi được CSGT thông báo lỗi về hành vi điều khiển phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật, anh vui vẻ chấp hành và cho biết tất cả là do cuộc sống mưu sinh.
"Tôi biết xe không đảm bảo an toàn nhưng do cuộc sống mưu sinh nên đành chấp nhận. Một bao đá lời có 1.000 đồng mà đầu tư xe tải nhỏ thì tốn vài trăm triệu. Trong khi đó, xe ba gác máy cũng bị cấm lưu thông, còn chiếc xe này có giá khoảng 5-6 triệu đồng", anh Tài cho hay.
Theo anh Tài, vài ngày trước đã được lực lượng chức năng nhắc nhở sẽ xử phạt các trường hợp điều khiển xe máy "6 không" (không biển số, không giấy phép lái xe, đăng ký xe, không đèn, kèn, thắng) nhưng không đủ thời gian và tiền bạc để thay đổi phương tiện phù hợp.
Sợ nước đá tan dưới trời nắng nóng, anh Tài xin tổ CSGT cho đi giao đá cho khách rồi sẽ tiếp tục quay lại làm việc nhưng bị chối từ. Sau đó, anh Tài thuê một xe ba gác với giá 200 ngàn đồng chở về xưởng.
Khác với anh Tài, anh Nguyễn Tiến Sỹ vừa đi giao trái cây xong cho chủ và đang chạy về nhà thì bị CSGT mời vào làm việc. Chiếc xe máy của anh Sỹ chỉ có bộ khung sắt, không đèn, không biển số, phần yên được thay bằng giá đỡ sắt dài hơn so với thiết kế ban đầu và mỗi lần chở được khoảng 200kg.
"Chủ đưa xe này cho tôi để đi giao trái cây thì tôi sử dụng thôi. Tiền lương ít ỏi như tôi thì lấy tiền đâu để đầu tư xe mới. Bây giờ bị phạt nữa thì coi như tháng này đói rồi", anh Sỹ bộc bạch.
Vẻ mặt rầu rĩ khi vừa bị CSGT lập biên bản tạm giữ "cần câu cơm", anh Lê Văn Phong cho biết, anh sử dụng xe máy gắn thêm rơ-moóc tự chế đi giao rau muống từ nhiều năm nay. "Đây là phương tiện tạo ra thu nhập chính cho cả gia đình tôi. Nó có vẻ cồng kềnh nhưng cả nhà tôi phụ thuộc vào nó", anh Phong than thở.
Hơn 1 giờ ra quân, hàng loạt người điều khiển xe máy không rõ số khung, số máy, không gắn biển số để vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn lấy hàng hoặc đi giao hàng bị Đội CSGT An Sương lập biên bản xử phạt.
"Các trường hợp có đầy đủ giấy tờ xe thì sẽ được trả lại phương tiện sau khi nộp phạt. Nhiều trường hợp không đến làm việc do mức phạt cao hơn với số tiền bỏ ra để mua một xe máy tự chế", đại diện Đội CSGT An Sương cho hay.
Theo người này, các trường hợp điều khiển phương tiện "6 không" có thể bị phạt tiền gần 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Từ ngày 15/3 đến hết ngày 14/6, Phòng PC08 đồng loạt ra quân xử lý xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật, xe cũ nát, xe tự chế trên toàn thành phố.
Trung tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng Phòng PC08 cho biết, đợt ra quân lần này nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, kéo giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, đồng thời đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, các vụ vi phạm pháp luật về môi trường, gây ô nhiễm không khí.