Bí thư, Chủ tịch Hà Nội thị sát chốt kiểm soát dịch "vùng đỏ"

Nguyễn Trường Đỗ Quân Tiến Nguyên

(Dân trí) - Sáng 4/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã trực tiếp kiểm tra công tác lập chốt chuẩn bị kiểm soát chặt người và phương tiện sau khi đã phân vùng chống dịch.

Bí thư, Chủ tịch Hà Nội thị sát chốt kiểm soát dịch vùng đỏ - 1

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng (đứng giữa) và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh (bên phải) thị sát chốt kiểm soát vùng 1.

Trước đó, để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp, Hà Nội quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.

Căn cứ các yếu tố, Hà Nội quyết định thực hiện phân theo 3 vùng, trong đó phân vùng 1 sẽ bao gồm: Khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hiện là vùng đỏ, có nhiều đối tượng nguy cơ cao.

Tính theo địa giới hành chính, phân vùng 1 sẽ gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Theo Công an thành phố, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về kiểm soát, phong tỏa triệt để phương tiện, người dân từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài giữa các vùng, đúng nguyên tắc cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm chéo, Công an sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện tổ chức chốt trực, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào vùng 1.

Bí thư, Chủ tịch Hà Nội thị sát chốt kiểm soát dịch vùng đỏ - 2

Hà Nội bổ sung 30 chốt cứng.

39 chốt trực sẽ được triển khai từ 7h ngày 4/9 cho đến khi có chỉ đạo mới của Thành phố. Các chốt sẽ trực 24/24h, chia làm 4 ca, mỗi ca 6 tiếng đồng hồ.

Bí thư, Chủ tịch Hà Nội thị sát chốt kiểm soát dịch vùng đỏ - 3

Ghi nhận vào thời điểm 7h sáng nay tại đầu phía Bắc cầu Thăng Long , các phương tiện ôtô xếp hàng dài chờ kiểm soát giấy đi đường, giấy luồng xanh (Ảnh: Đỗ Quân).

Lực lượng chốt trực sẽ dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế; kiểm tra Giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định; kiểm tra phương tiện được phép vận chuyển các loại hàng hóa thiết yếu.

Bên cạnh đó, các chốt trực có thể xét nghiệm nhanh Covid-19 trong trường hợp nghi ngờ, khử trùng trong trường hợp cần thiết (do lực lượng y tế quyết định); kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người được phép đi vào phân vùng 1.

Bí thư, Chủ tịch Hà Nội thị sát chốt kiểm soát dịch vùng đỏ - 4

Lực lượng y tế chốt trực đầu cầu Chương Dương (phía nội đô) triển khai test nhanh người nằm trong diện nghi nhiễm ( Ảnh: Đỗ Quân).

Lực lượng làm nhiệm vụ kiên quyết yêu cầu quay đầu đối với các trường hợp không đủ điều kiện.

Trong 39 chốt, 21 chốt trực của thành phố (chốt trực loại 1) được đặt tại vị trí có mật độ giao thông cao. Mỗi chốt này sẽ gồm 16 cán bộ: 10 cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố (3 Cảnh sát giao thông, 2 Cảnh sát cơ động, một Cảnh sát hình sự, 2 cán bộ an ninh và 2 cán bộ cảnh sát); 2 Thanh tra giao thông vận tải; 2 chiến sĩ Bộ tư lệnh thủ đô và 2 cán bộ Sở Y tế.

Bí thư, Chủ tịch Hà Nội thị sát chốt kiểm soát dịch vùng đỏ - 5

Ghi nhận tại chốt kiểm soát cầu Vĩnh Tuy hướng vào trung tâm Thành phố thời điểm 8h sáng nay, 100% phương tiện lưu thông qua đây được yêu cầu kiểm tra chặt chẽ giấy đi đường (Ảnh: Đỗ Quân).

9 chốt loại 2 được UBND quận, huyện đặt tại vị trí có mật độ giao thông trung bình. Mỗi chốt có 9 người, gồm: 5 cán bộ công an, một Thanh tra giao thông, một cán bộ ban chỉ huy quân sự, một cán bộ y tế và một chính quyền địa phương.

9 chốt loại 3 của UBND xã, phương, thị trấn đặt tại vị trí có mật độ giao thông thấp. Mỗi chốt gồm 4 người, gồm: Công an xã/phường/thị trấn, lực lượng tự quản, y tế xã/phường và chính quyền địa phương.