1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bị rắn lục cắn, bé 9 tuổi rối loạn đông máu toàn thân

(Dân trí) - Cơn mưa vừa qua đi, bé Y. tung tăng ra sân chơi. Trong lúc đi lại sát hàng rào dâm bụt, cháu bất ngờ bị con rắn lục đuôi đỏ lao ra cắn vào mắt cá chân trái. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng nhiễm độc nặng.

Tai họa bất ngờ ập đến với bé H.N.Y (9 tuổi, ngụ tại Bình Dương). Trước đó, vào lúc 20 giờ tối 29/10 trên địa bàn xảy ra cơn mưa lớn. Khi mưa vừa qua đi, bé Y. chạy ra sân chơi đùa và trong lúc lại sát hàng rào dâm bụt được trồng giáp với khoảng sân cháu cảm thấy đau nhói ở chân trái.


Bị rắn lục cắn, bé 9 tuổi rối loạn đông máu toàn thân - 1
Loài rắn lục đuôi đỏ, thủ phạm đã tấn công bé Y
 

Khi nhìn xuống, trong ánh điện mập mờ bé Y. hoảng loạn hét toáng lên vì thấy con rắn đang trườn đi. Nghe tiếng kêu thất thanh, người nhà đã chạy tới đập chết con rắn. Khi mang con rắn vào ánh điện, mọi người đều tá hỏa vì biết đó là loại rắn lục đuôi đỏ.

 

Trong đêm 29/10 bé Y. được chuyển đến cấp cứu tại bệnh viện Bình Dương nhưng sáng hôm sau cháu đã phải chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 2 vì vết rắn cắn sưng tấy, bệnh nhi rơi vào tình trạng sốt cao, mê man…

 

Tại đây, sau khi kiểm tra và tiến hành các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị rối loạn đông máu toàn thân do nhiễm độc quá nặng. Ngay lập tức, bé được truyền huyết tương tươi đông lạnh để phục hồi các yếu tố đông máu và theo dõi liên tục. Sau nhiều ngày được điều trị tích cực tình trạng của bé mới dần cải thiện.

 

Bác sĩ cho biết mỗi loại rắn có chứa độc tố riêng, có loại gây rối loạn đông máu nạn nhân bị xuất huyết đa cơ quan; Có loại tác động lên thần kinh gây liệt cơ, đặc biệt là cơ tim và cơ hô hấp làm nạn nhân tử vong nhanh chóng nếu không cứu chữa kịp thời. Để phòng ngừa, không nên cho trẻ chơi ở trong những bụi cây, bụi rậm, đống lá rụng vì đó là nơi ẩn nấp ưa thích của rắn.


Trong trường hợp bị rắn cắn phải được xử lý sớm bằng cách băng ép bằng băng vải thun bảng rộng với một lực vừa phải, không nên garot quá chặt và kéo dài dễ làm “chết” vùng xa của chi do thiếu máu nuôi. Sau khi tiến hành sơ cứu phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân cùng xác rắn đã cắn người (nếu đã bị đánh chết) đến bệnh viện để bác sĩ nhanh chóng xác định loại rắn và chọn lựa huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. 

 

Li Uyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm