Bí quyết bán 2 tấn nhãn sau một buổi bán livestream của lão nông 70 tuổi

Quỳnh Anh

(Dân trí) - Ở tuổi 63, ông Bùi Xuân Tám (Hưng Yên) vẫn miệt mài lao động với tình yêu tha thiết ruộng đồng. Say mê giống nhãn cổ truyền của quê hương, ông nghiên cứu trồng và tìm hướng đi cho loại nông sản quý.

Tình yêu dành cho cây nhãn

Ở thôn Nễ Châu (xã Hồng Nam, TP Hưng Yên), không ai là không biết đến ông Bùi Xuân Tám - một cựu sĩ quan quân đội trở về làm giàu trên quê hương. Trên vườn nhãn rộng tới 2 mẫu đất của gia đình, ông Tám thoăn thoắt tỉa cây, cắt cành, ủ phân, bón thúc từng kỳ cho 200 gốc nhãn mà ông yêu thương chăm sóc.

Bí quyết bán 2 tấn nhãn sau một buổi bán livestream của lão nông 70 tuổi - 1

Ngoài chăm lo cho vườn riêng, ông Bùi Xuân Tám còn nhiệt tình chia sẻ bí quyết với bà con.

Vườn nhãn là tâm huyết cả đời của ông, có diện tích lớn nhất làng. Yêu cây nhãn, ông đặc biết rày công nhân giống và tìm ra phương pháp chăm sóc đặc biệt 60 gốc nhãn cùi cổ truyền. Dưới bàn tay ông, giống nhãn cổ tưởng như đã mai một lại cho năng suất, chất lượng vượt trội nhờ nguồn phân hữu cơ và hệ thống tưới tiêu khoa học. Có cây nhãn mẹ đã 70 - 80 tuổi đời vẫn sai quả. Có cây con 21 tuổi, mỗi năm thu hoạch 2- 3 tạ nhãn quả to, hương vị đậm đà, ăn một lần là nhớ mãi.

Nhờ vườn nhãn ngon nức tiếng, ông Tám có cơ hội tiếp đón nhiều đoàn công tác, khách quý từ các Sở - ban - ngành đến tham quan. Đặc biệt, ông vinh dự đón tiếp 3 đời bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vào các năm 2015 - 2019 - 2021, được nhận nhiều lời khen tặng của các Bộ trưởng.

Ngoài chăm lo cho vườn riêng, ông Tám còn nhiệt tình chia sẻ bí quyết với bà con. Mỗi năm, ông đều tìm đến học từ những vườn nhãn sai quả nhất và cả những vườn nhãn kém nhất để rút kinh nghiệm. Nhờ vậy, vườn nhãn mang đến nguồn thu nhập xứng đáng, trung bình 300 - 400 triệu đồng/năm cho gia đình ông.

Bí quyết bán 2 tấn nhãn sau một buổi bán livestream của lão nông 70 tuổi - 2

Ông Bùi Xuân Tám tại một hội chợ địa phương.

Năm 2015, ông Tám tham gia tổ Vietgap đầu tiên của xã. Năm 2016, ông tham gia Hợp tác xã (HTX) nhãn lồng Nễ Châu, đẩy mạnh việc liên kết sản xuất của các hộ nông dân tại địa phương.

"Cơ chế thị trường đòi hỏi người nông dân phải biết liên kết, đẩy mạnh sản xuất - tiêu thụ nông sản theo chuỗi, để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng tốt hơn. Đây là lý do chúng tôi hình thành mô hình hợp tác xã. Sau 5 năm hoạt động, mô hình đã rất thành công. Nhãn lồng Nễ Châu được tiêu thụ bởi các đơn vị lớn như Siêu thị BigC, công ty Sói Biển, tập đoàn Vinaco, công ty Kim Anh… Vừa rồi, chúng tôi cũng đã xuất khẩu thành công chuyến hàng đầu tiên sang châu Âu" - ông Tám cho biết.

Lão nông livestream bán hàng

Tưởng như suôn sẻ, thì Covid-19 ập đến khiến mọi thứ ngưng trệ. Giữa mùa dịch, có lúc ông Tám lo "thắt ruột thắt gan" nhãn được mùa vẫn thất thu.

"Dịch bệnh khiến việc bán hàng gặp khó. Nỗi lo bị thương lái ép giá, không vận chuyển, giao hàng được cho khách có lúc làm tôi mất ngủ" - ông kể.

Không chỉ lo cho riêng mình, ông còn lo nỗi lo chung của bà con. HTX nhãn lồng Nễ Châu do ông làm Giám đốc có 26 hộ, tổng diện tích trồng nhãn 50 ha, dự kiến sản lượng 150-200 tấn nhãn đứng trước nguy cơ ách tắc đầu ra, bị thương lái ép giá. Lẽ nào bất lực vì Covid-19?

Ông nỗ lực xoay sở tiếp nối những đầu ra có sẵn và đảm bảo các đơn đặt hàng cũ, mới. Được sự chung tay Hội Nông Dân, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, xã và nhiều đơn vị địa phương, tháng 8/2021, ông hợp tác cùng một đơn vị tổ chức livestream bán nhãn qua sàn thương mại điện tử.

Bí quyết bán 2 tấn nhãn sau một buổi bán livestream của lão nông 70 tuổi - 3

"Ban đầu cũng ngần ngại vì tôi thực sự cũng chưa biết livestream là gì. Lại nghĩ cứ đứng trước cái điện thoại để mời chào mua nhãn thì… kì cục quá! Nhưng rồi được các anh chị bên Hội nông dân, Sở công thương, các anh chị bên sàn thương mại điện tử và chính con gái mình thuyết phục, tôi cũng nghĩ "thông" và quyết định lên "sóng" - ông nói.

Trong bộ quần áo lính đã bạc màu, đứng giữa vườn nhãn xanh um, những hàng nhãn thẳng tắp, ông Tám mở lời giới thiệu về đặc sản nhãn lồng Hưng Yên. Mấy câu đầu còn gượng gạo, ông tìm cách nói trôi chảy hơn. Thay vì màn hình điện thoại, ông chuyển ánh nhìn sang vợ con để lấy lại điềm tĩnh và sự tự nhiên. Ông tự nhủ phải vượt lên chính mình, vững tâm như người lính.

Dòng suy nghĩ đưa ông quay về những năm tháng tuổi trẻ đã đổ bao mồ hôi nước mắt, bao tâm huyết, tiền của vào vườn nhãn: Liều lĩnh vay hàng trăm triệu để có tiền mua thêm đất trồng cây; lao tâm khổ tứ để nhân rộng và nghĩ cách chăm bón đặc biệt giúp hồi sinh giống nhãn cổ giòn cùi ngọt thơm đặc biệt; chung lưng cùng người vợ hiền lành nuôi 3 con ăn học nên người…

Bí quyết bán 2 tấn nhãn sau một buổi bán livestream của lão nông 70 tuổi - 4

Cứ thế, ông Tám "có gì nói ấy", mộc mạc giới thiệu về đặc sản nhãn lồng quê mình đến cộng đồng mạng. Ấy vậy mà đơn hàng đến ầm ầm. Người đặt vài cân, người đặt vài yến,có người đặt mua cả tạ… Chỉ sau một buổi mà tổng kết bán được tới 2 tấn nhãn - gấp 20 lần đơn hàng lớn nhất mà ông từng bán được.

Cả mùa nhãn, ông Tám đã giúp hợp tác xã bán được hàng chục tấn nhãn. Hàng trăm phản hồi từ khách hàng chuyển về trong đó có nhiều lời khen, nhiều đơn hàng mới khiến lão nông U70 phấn khởi lạ lùng.

"Chắc chắn mùa nhãn năm sau, tôi và bà con sẽ tiếp tục cách bán hàng hiện đại này" - ông khẳng định.

Đánh giá cao hình thức bán hàng livestream, ông nhận ra một vài điểm yếu như: Người mua không được nếm, được sở, được thử... Với quan niệm bán hàng là bán cả danh dự nên trong mỗi đơn hàng gửi đi ông đều thêm vào một tấm card có ghi địa chỉ, số điện thoại để khách hàng yên tâm trao đổi nếu có sự cố. "Trọng chữ tín, quý chữ tình" là điều ông muốn nói với từng vị khách.

Hai thế hệ tiếp nối một giấc mơ

Con gái ông Tám, chị Bùi Thu Hường (SN 1985) cho biết, cha mình là người nông dân yêu đất, yêu cây, tâm huyết với cây nhãn nhất mà chị từng biết.

"Bố tôi gắn bó với vườn nhãn đã hơn 20 năm. Tôi đã chứng kiến nhiều đêm, 12 giờ bố còn dậy lấy đèn pin, bảo lên vườn nghe xem cây thở thế nào. Bố ra vườn chỉ đề ngồi yên nghe cây "thở" hàng giờ liền.

Cây ông chăm 10 ngày, nửa tháng lớn lên thấy rõ. Ông cũng là người đi đầu ở địa phương bỏ công nghiên cứu để hồi sinh giống nhãn cùi cổ, vừa năng suất, vừa chất lượng. Giá bán chênh tới 40 - 50% so với giống nhãn lồng Hưng Yên vốn cũng đã có thương hiệu nhất định trên thị trường" - chị chia sẻ.

Mong tiếp nối cha, sau khi tốt nghiệp đại học chị đã về quê và lựa chọn khởi nghiệp với ruộng đồng. Chị là thành viên trẻ nhất của HTX Nễ Châu.

"Nông nghiệp sạch hiện là xu thế của thế giới hiện nay. Phát triển nông nghiệp sạch, kết hợp công nghệ sẽ mang lại nhiều triển vọng cho người nông dân như tăng năng suất, tăng thu nhập đồng thời góp phần nâng tầm giá trị cho nông sản Việt" - chị phân tích.

Qua tìm hiểu, chị nhận thấy việc bán hàng theo các kênh truyền thống khiến người nông dân bị phụ thuộc, chưa tạo dựng được giá trị và thương hiệu mạnh cho sản phẩm. Khi Covid-19 nổ ra, những điểm yếu này lại càng lộ rõ.

Ủng hộ chủ trương ứng dụng công nghệ tìm đầu ra cho cây nhãn mà các Sở - Ban - Ngành địa phương gợi ý triển khai, chị Hường trực tiếp tham gia vận hành kênh bán hàng qua hình thức livestream, động viên bố mẹ cùng làm.

"Ban đầu, bố tôi từ chối vì ông đã có tuổi, không thạo công nghệ. Bố cũng e ngại việc xuất hiện trên mạng bán hàng. Tôi giải thích và động viên để ông đồng ý livestream và thực tế là bố làm rất tốt" - chị tâm sự.

Sang năm 2022, chị dự định sẽ kết hợp cùng các đơn vị địa phương tiếp tục đưa nông sản lên sàn thương mại quốc tế, tiếp tục giấc mơ đưa thương hiệu nhãn Hưng Yên vươn tầm quốc tế.