1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Tĩnh:

Bị ngăn cản, dân vẫn vào hồ thủy điện tìm người mất tích

(Dân trí) - Bất chấp sự ngăn cản của lực lượng chức năng vì hồ thủy điện Hố Hô đang xả lũ đầy bất trắc, nhiều người dân xã Hương Trạch, huyện Hương Khê vẫn dùng thuyền máy thô sơ đi sâu vào lòng hồ thủy điện tìm kiếm thi thể người thân.

Thông tin trên được Trung tá Nguyễn Huy Hoàng - Phó chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy huyện đội huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) - thông tin cho PV Dân trí vào trưa 3/10.
 
Theo Trung tá Hoàng, đêm 30/9, anh Phan Tiến Dũng, 40 tuổi, trú xã Hương Trạch, Hương Khê, cùng bạn dùng thuyền đi đánh cá trên lưu vực thượng nguồn hồ thủy điện Hố Hô. Do mưa lớn, thuyền của anh Dũng đã bị nước nhấn chìm, người bạn đi cùng dùng thùng xốp vùng vẫy bơi được vào bờ, còn anh Dũng bị nước nhấn chìm và mất tích đã hơn 3 ngày qua.
 
Người thân nạn nhân vẫn đang chờ đợi tin tức từ các đoàn cứu nạn
Người thân nạn nhân vẫn đang chờ đợi tin tức từ các đoàn cứu nạn

Thoát nạn, người bạn đi cùng đã đi dọc theo bìa rừng về thông báo với chính quyền địa phương và người thân. Ngay ngày hôm sau, rất đông người thân của nạn nhân cũng như lực lượng tìm kiếm cứu nạn của huyện đã lên đập thủy điện Hố Hô để tìm kiếm nạn nhân, tuy nhiên mọi nỗ lực đều không đạt kết quả.

Theo Trung tá Hoàng, tối qua 2/10, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng chức năng do hồ thủy điện Hố Hô đang xả lũ rất huy hiểm, nhiều người thân của nạn nhân vẫn dùng 3 thuyền máy thô sơ đi sâu vào lòng hồ thủy điện tìm kiếm. “Chúng tôi đã cố ngăn cản, giải thích việc tìm kiếm nạn nhân hiện đã có các lực lượng huyện đội, công an, cán bộ Nhà máy thủy điện Hố Hô, tuy nhiên nhóm người này vẫn không nghe, sau đó dùng 3 thuyền đi sâu vào lòng hồ ngay giữa đêm khuya” – Trung tá Hoàng nói.

Trung tá Hoàng cho biết thêm, trước những hiểm nguy mà nhóm người tìm kiếm tự phát này có thể gặp phải, ngay sáng sớm 3/10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của huyện Hương Khê phối hợp với Nhà máy Thủy điện Hố Hô huy động gần 20 người đi trên 4 xuồng theo lòng hồ ngược lên vị trí nạn nhân Dũng gặp nạn.
 
“Do điện thoại ngoài vùng phủ sóng, nên hiện chúng tôi và người nhà nạn nhân vẫn chưa liên lạc được với hai đoàn tìm kiếm này. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục chờ đợi thông tin” – Trung tá Hoàng cho biết thêm.  
 
Trong một diễn biến khác cũng liên quan đến cơn bão số 10, ông Lê Quang Lanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp thoát nước Quảng Bình cho biết, đến 10 giờ sáng 3/10, hơn 90% người dân TP Đồng Hới đã có nước sạch sử dụng. Ở thị trấn các huyện thị, công ty cũng đang khẩn trương khắc phục các sự cố và sớm cấp nước sạch cho bà con sinh hoạt.

Đối với ngành điện, trao đổi với PV Dân trí, ông Thái Hồng Quân, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình cho biết, hiện nay công ty đang nỗ lực hết sức để sớm khắc phục những thiệt hại nặng nề do bão số 10 gây ra.

Bị ngăn cản, dân vẫn vào hồ thủy điện tìm người mất tích
Dù bị thiệt hại nặng nề do bão số 10 gây ra nhưng ngành điện Quảng Bình cũng đang nỗ lực hết sức khắc phục hậu quả, sớm đáp ứng nhu cầu cho người dân (Ảnh: Đặng Tài)

Ông Quân cho hay, tính đến thời điểm 11 giờ trưa nay (3/10), về cơ bản các công trình công cộng đóng trên địa bàn thành phố Đồng Hới và các thị trấn, thị xã ở các huyện đã có điện chiếu sáng. Ở các xã phường khác trên địa bàn toàn tỉnh, công ty cũng đang phối hợp với các đơn vị khác nỗ lực hết sức, sớm khắc phục hậu quả và truyền tải điện sáng cho bà con nhân dân.

Cũng trong sáng nay, lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Bình cho biết, Công ty lưới điện cao thế tại Đà Nẵng đã triển khai 4 nhóm công tác cấp tốc đến hỗ trợ cho ngành điện tỉnh ta để cùng xử lý hệ thống lưới điện bị hư hỏng do “siêu bão” số 10.

Lực lượng Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cũng đã có mặt tại Quảng Bình để hỗ trợ ngành điện xử lý tại khu vực huyện Lệ Thủy; lực lượng Công ty Điện lực Quảng Nam có mặt tại tỉnh ta để chung sức xử lý khu vực huyện Quảng Trạch, huyện Bố Trạch; riêng lực lượng Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng sẽ tham gia xử lý tại khu vực TP Đồng Hới…

Được biết, ngoài việc tập trung cho công tác sửa chữa hệ thống lưới điện, trong một vài ngày tới, ngành điện Quảng Bình sẽ tiếp tục công tác kiểm tra lưới điện nông thôn, các vùng ngập lụt chưa có điều kiện để tới hiện trường được như Điện lực Bố Trạch, Điện lực Quảng Trạch,... từ đó lên phương án, kế hoạch khắc phục sửa chữa. Ngoài ra, các ngân hàng, cây xăng dầu, doanh nghiệp,… đóng trên địa bàn tỉnh này cũng đang khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão để phục vụ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng đã cam kết sẽ không tăng giá sau bão, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng.
 
*
Sáng nay 3/10, ông Nguyễn Tất Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình cho biết, vừa tìm thấy thi thể ngư dân Phạm Văn Lương (53 tuổi) bị mất tích từ 3 ngày qua. Trước đó vào ngày 30/9, ông Lương cùng con trai là Phạm Văn Cường (32 tuổi) và một thuyền viên khác ở Quảng Trạch đang đưa tàu vào tránh bão số 10 trên khu vực sông Gianh. Thời điểm đó nước sông lên rất cao khiến tàu của ông bị lật. Con trai của ông và một thuyền viên đã bơi được vào bờ, còn ông bị mất tích.

Đến sáng nay UBND xã Đức Trạch nhận được thông tin từ Công an xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh báo đã tìm thấy một thi thể bị sóng biển đánh dạt vào bờ biển của địa phương này và báo cho gia đình biết. Ngay sau đó, người thân đã lên đường vào xã Hải Ninh để nhận dạng thi thể và đưa ông Lương về an táng.

Ông Thành cũng cho biết, gia đình ông Lương phải vay nợ ngân hàng để đóng chiếc thuyền nói trên làm phương tiện kiếm sống. Nay thuyền bị đánh chìm, hư hại khiến gia đình ông đang lâm vào cảnh khó khăn.
 
*
Chiều 2/10, ông Nguyễn Văn Dần, cán bộ Văn phòng UBND thị trấn Đăk Hà (Đăk Hà, Kon Tum) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra tình trạng sụt lún trên 8.000 m2 đất trồng cà phê của người dân bên lòng hồ thủy điện Plei Krông. Diện tích đất bị sụt trên thuộc tổ dân phố 2, thị trấn Đăk Hà khiến hơn 800 cây cà phê của 3 hộ gia đình đang trong thời kì chuẩn bị thu hoạch bị vùi lấp và hư hại. Nguyên nhân ban đầu được xác định, do mưa lớn liên tục kéo dài nhiều ngày nay khiến đất ở nơi xảy ra sự việc bị nhão ra, đồng thời do nước trong lòng hồ thủy điện Plei Krông (thuộc Công ty thủy điện Ia Ly) dâng cao gây ngập một phần diện tích cà phê trên. Khi nước trong lòng hồ được xả lũ đã kéo theo việc sạt lở đất và cuốn trôi cà phê. Và việc sụt lún này vẫn chưa dừng lại. May mắn, nơi xảy ra sụt lún ở cách khu dân cư gần 1km nên không có ai bị ảnh hưởng.

Ông Dần cho biết thêm, ngoài việc sụt lở trên tại tổ dân phố 2, mưa lớn kéo dài đã kiến hơn 50 ha hoa màu, cà phê trên địa bàn bị vùi lấp và ngập úng; 8,26 ha ao nuôi cá bị ngập. Nước suối Đăkui dâng cao gây nguy cơ sạt lở cầu tràn của tổ dân phố 10 đi tổ dân phố 11; cầu treo của tổ 7 đi tổ 11 có nguy cơ sạt lở mố cầu. Trung tâm thị trấn cũng bị ngập úng… Ông Dần cũng bày tỏ lo lắng về nguy cơ vỡ đập Mùa Xuân trên địa bàn thị trấn, chính vì vậy, mấy ngày nay cán bộ thị trấn luôn túc trực cả ngày lẫn đêm để chủ động được tình huống xấu xảy ra.

Hơn 8.000 m2 đất trồng cây cà phê của người dân bị lún do thời tiết (Ảnh: Thiên Thư)
Hơn 8.000 m2 đất trồng cây cà phê của người dân bị lún do thời tiết (Ảnh: Thiên Thư)

Trước tình hình trên, UBND thị trấn đang đề xuất hỗ trợ 3 gia đình có cà phê bị sụt lún với số tiền 1 triệu đồng/gia đình, đồng thời UBND thị trấn cũng đang tiến hành đề xuất với huyện hỗ trợ người dân, và có công văn đề nghị nhà máy thủy điện Plei Krông hỗ trợ cho các gia đình có cà phê bị sụt lở.

Tại Gia Lai, mưa lớn kéo dài cùng với việc thủy điện An Khê- Ka Nak và công trình thủy lợi Ayun Hạ xả lũ đã làm cho một số huyện như Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa bị ngập nước. Tại huyện Ia Pa có 29 nhà dân và trường học bị ngập; 160 ha hoa màu bị ngập, 30m kênh bê tông bị sạt lở… Huyện Phú Thiện có 381 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, hơn 6.000m kênh bê tông bị hư hỏng…

Văn Dũng - Xuân Sinh - Đặng Tài - Đăng Đức - Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm