1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bi kịch của những gia đình công nhân rời quê lên phố

Trong căn phòng 12m2 tại khu nhà trọ gần cầu vượt Linh Xuân, Thủ Đức (TPHCM), chị Bùi Thị Thanh ôm chiếc áo trẻ con mà nước mắt tuôn lã chã. Anh Nguyễn Vĩnh Tiến, chồng chị, thở dài rồi ra ngồi trước cửa nhà trầm ngâm đốt thuốc lá. Căn phòng im lìm, nặng nề.

Bi kịch của những gia đình công nhân rời quê lên phố - 1

Những khu nhà trọ mấy chục phòng thế này nhưng vắng bóng trẻ con

 

Chỉ cách đây mấy hôm, căn phòng này còn bi bô tiếng trẻ con và rộn rã tiếng cười. Anh Tiến cho biết đứa con ba tuổi của anh chị mới theo bà ngoại về ngoài quê. Lương công nhân của cả hai vợ chồng không đủ xoay xở để vừa mua sữa, vừa gửi con vô nhà trẻ.

 

Ôm chặt chiếc áo vào lòng, người vợ nghẹn ngào: “Giờ này ở quê, chắc con cũng đang khóc ngất vì nhớ hơi mẹ”.

 

Lương không đủ nuôi con

 

Anh Nguyễn Vĩnh Tiến kể mấy tháng chị Loan sinh, chỉ được nhận trợ cấp, không đủ vào đâu nên anh phải xin tăng ca để có thêm tiền lo cho con. Hết thời gian nghỉ sinh, chị Loan phải nghỉ thêm mấy tháng không lương để ở nhà trông con.

 

Khi con đủ tháng, mẹ đi làm, ngoài tiền sữa, anh chị phải trả thêm khoản tiền gửi con mỗi tháng gần một triệu đồng. Dù tiết kiệm tối đa, cuộc sống gia đình vẫn thiếu trước hụt sau. Suy đi tính lại, hai vợ chồng quyết định gửi con về quê nhờ ông bà nuôi hộ. Hôm giao con cho bà ngoại, chị Loan đã phải trốn sang phòng bên, khóc đến ngất.

 

Không chỉ anh Tiến chị Loan, tại các khu nhà trọ, còn rất nhiều những gia đình công nhân đang phải chịu chung hoàn cảnh như vậy. Chúng tôi đến Thủ Đức (TPHCM) và những khu nhà trọ trên địa bàn Bình Dương vào ngày chủ nhật nhưng không khí rất tĩnh lặng, hiếm lắm mới nghe tiếng cười của trẻ thơ.

 

Ghé vào phòng của vợ chồng chị Mai Ngọc Thoa, thấy bữa cơm chỉ có hai vợ chồng với lèo tèo một dĩa rau muống luộc, hai người ngồi ăn trong lặng lẽ. Chị Thoa cho biết đang làm công nhân trong khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức), chồng chị đi làm thợ hồ. Vợ chồng có hai đứa con, đứa lớn tám tuổi, đứa nhỏ năm tuổi nhưng phải gửi về cho ông bà vì ở đây vợ chồng không kham nổi tiền học hành của các con.

 

Chị Loan tâm sự: “Xa con thì đau lắm nhưng không còn cách nào hơn. Nhiều khi nhớ quá chỉ muốn bỏ hết mà về với con…”

 

Sợ rồi con quên luôn mặt bố mẹ

 

Đấy là nỗi đau mà nhiều vợ chồng công nhân lo sợ khi phải gửi con về quê cho ông bà lúc chúng còn quá nhỏ. Chị Nguyễn Ngọc Hoà, công nhân khu chế xuất Linh Trung kể: “Tôi đưa con về cho ông bà từ khi cháu hai tuổi. Tết về thăm, tôi rất đau lòng khi thằng bé bám chặt lấy bà mà không chịu ra với mẹ. Phải mất cả ngày dỗ dành, nựng nịu cháu mới chịu theo. Đến khi mẹ con kịp quen hơi thì lại phải quay lại Sài Gòn. Nhìn thằng bé đứng trên bậc thềm vẫy tay chào mà tôi đi không đành. Trẻ con chóng quên, không biết lần tới về quê, liệu mẹ có lại phải làm quen với con lần nữa không!”

 

Một công nhân tên Hoàng Văn Tuấn cũng tâm sự: “Tôi đi gần ba năm mới về thăm con, đứa con gái năm tuổi nhìn bố đầy xa lạ. Ông bà bảo nó ra với bố mà nó không chịu ra, chỉ đứng nhìn. Chắc tôi đi lâu quá, con gái tôi quên mất cả mặt bố”.

 

Nhiều công nhân thở dài chưa biết tiếp tục ra sao. Đưa con vào thì không có khả năng lo mà để con ở quê thì cũng không đành cảnh con lớn lên thiếu thốn tình cảm cha mẹ. Bồng tống về quê thì làm gì ra tiền để nuôi con ăn học. Còn ở lại thì luôn phải dằn vặt với nỗi nhớ con, lúc nào cũng canh cánh bên lòng không biết giờ này con đang làm gì, không biết con buồn hay con vui.

 

Có nhiều cặp vợ chồng sau một vài năm tha hương đã quyết định từ bỏ Sài Gòn, về quê bám lấy ruộng để gần con cái. Nhưng cũng có nhiều gia đình phải ly tán vì không tìm được tiếng nói chung.

 

Vợ chồng anh Nguyễn Thế Vinh (vợ quê Thái Bình, anh quê Vĩnh Long) sau khi sinh được đứa con đã phải gửi về quê cho ông bà ngoại. Nhưng vì quá nhớ con, chị muốn cả anh cùng về Thái Bình sinh sống. Anh Vinh không chịu, hai vợ chồng mâu thuẫn, rồi chị quyết định về quê.

 

Ở lại một mình, đêm nào anh Vinh cũng lê la ngoài quán nhậu hoặc kéo bạn bè về phòng uống rượu. Ai nhìn cũng thấy ái ngại. Có lẽ, anh không tìm ra lời giải cho bài toán gia đình mình nên đành mượn rượu để giải sầu.

 

Theo Hà Dịu
Sài Gòn Tiếp Thị