1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Bi hài xét nghiệm ADN cho bò để phân xử tranh chấp

Hoàng Lam

(Dân trí) - Công tác hòa giải không có kết quả, hai bên phải nhờ đến tòa án phân xử. Cơ quan chức năng phải lấy mẫu ADN để làm căn cứ xác định ai là chủ sở hữu của con bò đang tranh chấp.

Ông Moong Công Hải – Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, đơn vị đang chờ kết quả giám định ADN để mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp bò giữa nguyên đơn ông Lương Văn M. và bị đơn ông Lương Văn P.

Bi hài xét nghiệm ADN cho bò để phân xử tranh chấp - 1
Cơ quan chức năng lấy mẫu giám định ADN con bò đang tranh chấp giữa ông M. và ông P. (ảnh Võ Trọng Thắng).

Do tập quán chăn nuôi nên gia đình ông Lương Văn M. và Lương Văn P. (cùng trú tại xã Yên Hòa, Tương Dương) thường thả rông trâu bò trong rừng, thỉnh thoảng vào thăm nom. Bò tự kiếm ăn, tự sinh sản, bao giờ cần thì bán bớt. Tuy nhiên, tập quán chăn thả gia súc trong rừng cũng kéo theo nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.

Ông M. và ông P. đều cho rằng mình là chủ sở hữu của chú bò đực khoảng 4 năm tuổi. Nếu bê còn nhỏ, đi theo mẹ thì dễ phân xử. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp thì chú bê đã lớn, vả lại hai đàn bò cùng kiếm cỏ trong một khu vực nên khá “thân thiện” với nhau nên khi thả bò ra để xem nó theo đàn nào cũng không có kết quả thuyết phục.

UBND xã Yên Hòa thành lập nhiều đoàn kiểm tra, xác minh, hòa giải nhưng hai bên tranh chấp vẫn không thống nhất được phương án giải quyết, cũng không xác định được ai là chủ sở hữu của chú bò nói trên. Ông Lương Văn M. làm đơn gửi tòa án huyện phờ phân xử.

“Tòa án đã nhiều lần triệu tập và yêu cầu hai bên tranh chấp cung cấp các tài liệu để chứng minh quyền sở hữu tài sản của mình nhưng vẫn chưa thể giải quyết được. Phương án cuối cùng là giám định ADN để làm căn cứ xác định huyết thống của chú bò nói trên, từ đó xác định nó thuộc về ông M. hay ông P.

Việc lấy mẫu giám định được thực hiện theo quy định, với sự tham gia của đầy đủ các thành phần. Hiện chúng tôi đang chờ kết quả, khi nào có sẽ mở phiên tòa xét xử”, ông Moong Công Hải cho biết.

Bi hài xét nghiệm ADN cho bò để phân xử tranh chấp - 2
Tập quán chăn thả rông trâu bò kéo theo nhiều câu chuyện dở khóc dở cười (ảnh minh họa).

Theo quy định, người thua kiện sẽ phải chi trả chi phí xét nghiệm và án phí. Nhiều trường hợp, chi phí xét nghiệm lớn hơn giá trị của tài sản là con bò tranh chấp nhưng đây là biện pháp khách quan và chính xác nhất để giải quyết vụ việc, tránh việc khiếu kiện kéo dài.

Theo ông Moong Công Hải, xét nghiệm ADN cho bò không phải là mới ở địa bàn. Thời gian qua, TAND huyện đã xét xử hàng chục vụ tranh chấp trâu, bò bằng biện pháp lấy mẫu giám định ADN.

Bà Lương Thị Th. (xã Nga My, Tương Dương) có 4 con bò thả rông trong rừng, cách nhà tầm 2km, tuần 1 đôi lần người phụ nữ này đi thăm bò. Trong khu vực này, ông Kha Văn T. cũng thả đàn bò 8 con của gia đình mình.

Khi lên thăm bò, thấy thiếu 1 con, lại thấy 1 con bò trong đàn bò của gia đình hàng xóm giống bò của mình, bà Th. đưa về. Tuy nhiên, ông T. không chịu và khẳng định đây là bò của mình, vừa sinh một con bê. Chính quyền địa phương tổ chức hòa giải, phân xử nhưng bà Lương Thị Th. khăng khăng đây là bò của mình, ông Kha Văn T. cũng khẳng định con bò này gia đình ông chăm sóc từ trước đến nay.

Bà Lương Thị Th. khởi kiện vụ án ra tòa án để “đòi” bò. Cơ quan chức năng phải giám định AND con bò đang tranh chấp, đối chiếu với kết quả giám định bò mẹ của hai gia đình để làm cơ sơ giải quyết vụ án. Kết quả giám định cho thấy con bò tranh chấp không có huyết thống với con bò của gia đình bà Th. TAND huyện Tương Dương tuyên con bò tranh chấp thuộc sở hữu của ông Kha Văn T.

Bà Th. mất án phí và chi phí xét nghiệm hơn 10 triệu đồng. Mất tiền, mất bò nhưng đổi lại hòa khí xóm làng vẫn giữ được sau khi trắng đen được phân xử rõ ràng.

“Việc xét nghiệm ADN là biện pháp cuối cùng nhưng khách quan và chính xác khi các đương sự không thể hòa giải được. Sau khi xét xử dựa trên kết quả giám định ADN để xác định huyết thống xác định chủ nhân của trâu, bò tranh chấp, các đương sự không có khiếu kiện, khiếu nại hay kháng cáo mà tự nguyện thi hành án”, ông Moong Công Hải cho hay.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm