1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bi hài chuyện dân làng tranh nhau “thỉnh” nước Phật về trị bệnh

Nghe tin giếng Phật (chùa Thiên Ấn, thuộc xã Tịnh Ấn Tây, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) chứa “nước thiêng” có thể trị bách bệnh, nhiều người dân khắp nơi đổ xô về, lỉnh kỉnh can thùng lên chực chầu để được thỉnh “nước Phật” về trị bệnh.

Không biết có ai đã thực sự khỏi bệnh nhờ uống “nước Phật” hay chưa, nhưng thực tế là ban trị sự chùa đã nhiều lần phải khuyến cáo, nước trong giếng chỉ là nguồn nước tự nhiên và không có tác dụng trị bệnh như người dân đồn thổi.

 

Chùa Thiên Ấn nơi kì bí với rất nhiều người. Ảnh TG

Chùa Thiên Ấn nơi kì bí với rất nhiều người. Ảnh TG

 

Truyền thuyết về giếng thiêng

 

Chuyện diễn ra ngót gần năm nay, ngày nào dọc đỉnh Thiên Ấn cũng có một vài người mang can nhựa, thùng, chai… lên xuống với mục đích lấy nước từ giếng Phật về để trị bệnh. Đây là một “cơn sốt” lạ lùng ở thời điểm hiện tại, nhưng còn nhiều câu chuyện kỳ bí khác liên quan tới giếng Phật được ghi rõ ràng trong cuốn kì thư của chùa Thiên Ấn. Dẫn chúng tôi đi quanh chùa, Sư trụ trì Thích Hạnh Trình kể cho chúng tôi câu chuyện kì bí về giếng Phật của chùa. Theo đó, từ xa xưa đã có câu "Ông thầy đào giếng trên non/ Đến khi có nước không còn tăm hơi" để nói về câu chuyện nhà sư đào giếng. Giếng Phật được đào từ lúc khai sơn phá thạch, câu chuyện về nhà sư đào giếng đã lưu truyền rộng rãi trong dân gian và được ghi lại trong các thư tịch cổ mà nhà Phật xem là những Phật thoại. Tương truyền rằng, giếng đào mất 20 năm mới hoàn thành, và đây là cái giếng "khai sinh" cho sự sống của cả vùng núi Thiên Ấn.

 

“Lúc đầu đào giếng chỉ có một mình ông tổ của chùa này, sau đó ba năm có một vị hòa thượng từ xa đến xin tá túc lại chùa và đào giếng cùng với Pháp Hóa Hòa Thượng. Hai sư thầy cùng đào, ròng rã 20 năm trời thì đụng phải tảng đá lớn chắn ngang, cứ nghĩ công lao 20 năm qua đã vô vọng. Nhưng đêm đó, vị sư đã được báo mộng, phải đào về phía Bắc một ít, long mạch sẽ mở ra, tảng đá đó sẽ chảy ra nguồn nước thiêng. Sáng hôm sau hai sư thầy làm y chỉ dẫn thì có nước phun lên từ tản đá, đúng như lời báo mộng. Nhưng sau khi long mạch chảy ra nguồn nước mạnh mẽ, trụ trì chùa trèo lên đến nơi trong vui mừng thì nhìn xuống giếng không thấy vị hòa thượng trẻ kia nữa, từ đó giếng được tin là đức phật ban cho chùa”, Sư trụ trì Thích Hạnh Trình kể.

 

Kể từ đó, người dân viếng chùa lại đến giếng Phật mong muốn gội rửa tâm hồn mình, lúc đầu chỉ là lấy nước rửa mặt, người uống ít nước như một tâm niệm tin vào sự huyền diệu sẽ đến. Hòa thượng Thích Hạnh Trình kể, theo tàng thư của tự thì có những điều huyền diệu trong giếng rất khó lý giải. “Tôi làm trụ trì cũng được mấy chục năm rồi, tu hành chùa này từ khi là một đứa trẻ, nhưng chưa bao giờ thấy nước cạn dù giếng ở tận trên đỉnh núi. Những mùa hạn hán các giếng ở dưới đồng bằng điều cạn nước nhưng giếng này thì không. Long mạch của giếng cũng là một sự huyền bí, giếng như cái chốt của ấn trời đóng xuống, những ngày trọng đại của chùa, hào quang tỏa ra từ giếng khiến không ít tín đồ kinh ngạc”.

 

Chùa Thiên Ấn nơi kì bí với rất nhiều người. Ảnh TG
Hoà thượng Thích Hạnh Trình, với nụ cười tươi mỗi khi kể lại huyền tích chùa như một sự tự hào của danh thắng đệ nhất Quảng Ngãi. Ảnh TG

 

Sự linh thiêng của giếng Phật được lan truyền, người ta dần kéo đến xin nước về uống. Khởi đầu là một cặp vợ chồng không sinh được con lên cầu nguyện tại chùa ba ngày đêm, rồi xin nước với tâm nguyện sớm trở thành cha mẹ. Sau đó, cặp vợ chồng trên có con thật, họ đã lên chùa cúng tạ. “Chuyện đôi vợ chồng đang vô sinh bỗng có được mụn con vì uống nước giếng Phật được truyền tai nhau. Cho đến giờ, lâu lâu cặp vợ chồng trên lại ghé viếng chùa xin nước”, Hòa thượng Thích Hạnh Trình nói.

 

Chẳng biết chuyện có con của cặp vợ chồng trên có phải do uống nước giếng của chùa Thiên Ấn hay không, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhiều người dân từ khắp nơi đổ về chùa xin nước về trị bệnh. Cụ Nguyễn Tạo, người giữ phần mộ của cụ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Thiên Ấn cho biết: “Từ tháng 4 đến giờ người ta lên chùa xin nước về trị bệnh nhiều lắm, có đợt xếp thành một hàng dài, chờ đợi từ sáng đến tối mịt để tới lượt mình”.

 

Tranh nhau “thỉnh” nước về trị bệnh

 

Giếng Phật chùa Thiên Ấn vẫn là sự huyền bí với bao câu chuyện xoay quanh. Ảnh TG
Giếng Phật chùa Thiên Ấn vẫn là sự huyền bí với bao câu chuyện xoay quanh. Ảnh TG

 

Nhiều người từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình có bệnh tật, hay không có con cũng đem can nhựa vào mong có được nước thiêng. Một đồn mười, mười đồn trăm, số lượng người dân kéo đến chùa mỗi ngày một đông. Bác Nguyễn Văn Hùng, người dân sống ở đây cho biết: "Tui cũng nghe người ta đồn đại về giếng Phật ở chùa Thiên Ấn, đặc biệt là thời gian gần đây, rằng uống nước "giếng Phật" có khả năng chữa được rất nhiều bệnh. Không rõ thực hư ra sao nhưng dân trong vùng và nhiều nơi khác cứ ùn ùn kéo về xin nước".

 

Nói về vấn đề này, Hòa thương Thích Hạnh Trình cho biết: “Chuyện uống nước giếng Phật trong chùa có chữa được bệnh hay không thì bản tự không thể nói được. Tuy nhiên, chuyện người ta đến nói uống giếng Phật hết bệnh và cúng tạ chùa thì có khá nhiều. Người xuất gia như tôi cũng mong điều này là thật để chúng sinh được cứu khổ cứu nạn”. Cũng theo trụ trì chùa, việc giếng Phật có chữa lành bệnh hay không cũng còn dựa vào lòng tin của người dân nơi cửa phật, có thể người dân sau khi uống niềm tin tăng lên, cùng với đó là sự lạc quan nên tinh thần tốt mà bệnh tật thuyên giảm.

 

“Ban quản lý chùa có khuyến cáo người dân về việc dùng nước giếng phật trị bệnh là chưa được chứng minh của cơ quan chức năng nhưng cũng không ngăn được người dân mộ đạo khắp nơi đến xin nước”, Hòa thượng Thích Hạnh Trình nói thêm. Tuy nhiên, trong câu chuyện với chúng tôi, Hòa thượng Thích Hạnh Trình cũng không giấu được sự lo lắng khi ông cho rằng, một số người đã quá sùng tín đến mê muội, đã coi nước tại giếng như một thứ thuốc siêu phàm có thể trị được bách bệnh. Nhưng thực tế, chẳng ai ngăn được dòng người đổ về xin nước. Hòa thượng Thích Hạnh Trình chia sẻ thêm: “Từ ngày cặp vợ chồng kia có được con, chùa không lúc nào được vắng lặng vì số lượng tín đồ đến xin nước quá đông”.

 

Đỉnh điểm cho việc xin nước là vào tháng 7, 8, 9, đoàn người nối nhau từ dưới núi lên đến chùa. Ai nấy can nhựa lỉnh kỉnh, có người còn mang theo cả bồn chứa nước để đựng cho được nhiều nước thiêng lấy được từ giếng Phật. Anh Nguyễn Đương, hiện sống dưới chân núi cho biết: “Tôi nhìn đoàn người mà muốn ngợp, vợ chồng tôi cũng phát hoảng, từ trước đến giờ làm gì có chuyện lạ đời này. Những mùa hạn hán, gia đình tôi cũng lấy nước từ giếng chùa về uống vì giếng dưới này trơ đáy hết. Vào tháng 8 mưa hoài mà số người đến chùa cũng không giảm, có người xin ở nhờ để chờ đợi hôm sau chùa mở cửa là lên lấy nước. Người ta nói nước buổi sáng là linh nghiệm nhất”.

 

Đặc biệt, có cả gia đình dẫn người thân bị bệnh đến nằm trước chùa để lấy nước ra uống cho hiệu nghiệm. Bệnh tình không biết có thuyên giảm không, nhưng khi đưa người thân về, người nhà không quên mang theo can nước lấy được để tiếp tục trị bệnh. “Tôi thấy có người bị bệnh gan nặng tới mức da vàng như nghệ, bụng trướng to lắm, thế mà vẫn được gia đình đưa lên đây. Hỏi ra mới biết bệnh tình đã khó qua khỏi lắm rồi nên gia đình nghĩ còn nước còn tát, nghe người ta đồn chùa Thiên Ấn có giếng Phật nước chữa bách bệnh nên mang người bệnh đến để cầu xin sự nhiệm màu” – anh Bình bán nước trước chùa kể.

 

Tuy nhiên, đã có những vụ đụng độ cãi vã, thậm chí thượng cẳng chân, hạ cẳng tay ngay giữa chốn linh thiêng vì tranh nhau nước chùa sau nhiều giờ chờ đợi. “Ôi trời, giờ lên là giảm đi rồi đó, chứ mấy tháng trước nhìn dòng người chen lấn là thấy ngợp luôn. Cãi nhau là chuyện bình thường, ngày nào cũng có, lâu lâu lại có vụ đánh nhau chỉ vì người này cho rằng người kia đến sau mà xin nước trước”, một chủ quán nước trên đỉnh núi cho biết. Cả đỉnh núi có 5 quán nước và 3 bãi đỗ xe nhưng trong “giờ cao điểm” xin nước tất cả điều kẹt cứng.

 

Sự việc căng thẳng đến mức chùa phải tạm cáo lỗi không tiếp tín đồ đến xin nước giếng để sửa giếng. “Ban quản trị chùa thấy tín đồ đến tranh giành lấy nước, mà giếng lúc đó không có thành bao quanh, sợ lỡ trong lúc chen lấn có người ngã xuống giếng thì tội lỗi với Đức Phật. Vì thế, chùa đã tạm dừng không cho người dân đến lấy nước nhằm xây lại thành và rào chắn để đảm bảo an toàn như hiện giờ” – Sư trụ trì chùa Thiên Ấn cho biết.

 

Theo Thiện Thuật
 Gia đình & Xã hội