1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bi hài chuyện con gái không được mang họ cha

Hàng chục năm nay, những bé gái được sinh ra ở xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn được cha mẹ làm giấy khai sinh theo đúng “phong tục”: lấy tên đệm của cha làm họ cho con. Từ đây, hàng loạt rắc rối nảy sinh khi những cô gái đó đi làm ăn nơi khác.

Về Sơn Đồng dễ dàng gặp những gia đình “cha mang họ một đằng, con gái mang họ một nẻo”. Trong cùng một gia đình, anh trai mang họ khác em gái ruột.

 

Mất suất du học vì khác họ cha

 

Ông Nguyễn Trung Xuân (17A-32/53 An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) không thể quên được chuyện nhập cư vào Hà Nội (trước khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội) của gia đình mình cách đây vài năm. Nhà có 6 người nhưng chỉ có vợ chồng ông và cậu con trai làm được thủ tục chuyển hộ khẩu về Thủ đô.

 

“Cơ quan chức năng Hà Nội không tin đó là 3 đứa con gái ruột của tôi, bởi giấy tờ chứng minh nguồn gốc của tụi nhỏ đều lấy tên đệm của tôi làm họ (họ Trung)”, ông Nguyễn Trung Xuân nhớ lại. Phải đến khi ông Xuân về quê làm lại giấy tờ khai sinh, 3 cô con gái mới được nhập hộ khẩu Hà Nội.

 

Bi hài chuyện con gái không được mang họ cha - 1
Nhiều bé gái ở Sơn Đồng phải mang họ là tên đệm của cha  xuất phát từ quan niệm “trọng nam, khinh nữ”

 

Cũng vì khác họ với cha, mà cô giáo Đức Thị Thanh Hiền (Trường tiểu học Sơn Đồng) đánh mất cơ hội nhận được suất học bổng ở nước Đức. “Khi biết mình trúng suất du học, cả gia đình tôi rất vui mừng. Tôi cũng nhanh chóng hoàn tất thủ tục và hài lòng vì bao nhiêu nỗ lực, cố gắng đã được đền đáp. Nhưng đến ngày chuẩn bị bay sang Đức mới ngã ngửa khi nhận được thông báo giấy tờ không hợp lệ vì nguồn gốc không rõ ràng (cha đẻ cô Hiền là ông Nguyễn Đức Bổ nên phải mang họ cha là Nguyễn mới đúng).

 

Tương tự, thời học phổ thông, cô giáo Nguyễn Kim Oanh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Đồng cũng gặp chuyện rắc rối vì phong tục quê mình. Hồi học lớp 8, cô Oanh nằm trong đội thi học sinh giỏi cấp huyện. Biết trước những phức tạp nếu để họ tên cũ nên cô giáo chủ nhiệm đã bảo gia đình cô Oanh đi làm thủ tục thay đổi hàng loạt giấy tờ để khớp với họ của bố, từ tên Xuân Thị Oanh sang Nguyễn Kim Oanh.

 

Thủ tục đã hoàn thành nhưng khi vào phòng thi, theo thói quen từ nhỏ cô Oanh vẫn viết tên mình là Xuân Thị Oanh trong tờ giấy thi. “Điểm thi năm đó của tôi rất cao nhưng kết quả không được chấp nhận vì họ tên trên bài thi và họ tên mới thay đổi không khớp nhau”, cô Oanh nhớ lại.

 

Nhìn những bé gái đang nô đùa trong sân trường, cô Oanh lo lắng: “Vẫn còn nhiều em gái giống hoàn cảnh của tôi trước đây. Mới học tiểu học nên chưa ảnh hưởng nhiều nhưng càng lớn sẽ càng nhiều vấn đề phức tạp đến với các em chỉ vì cách lấy họ theo kiểu cũ”.

 

Xã có gần 40 họ “độc”

 

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm gặp “ông đồ” Nghiêm Quốc Đạt (68 tuổi) - “người chép sử làng” và nhiều năm mở lớp dạy chữ Nho cho trẻ em Sơn Đồng - để tìm câu trả lời. Ông Đạt tếu táo: “Không tính con dâu thì ở đây, một nhà hai họ khác nhau là chuyện thường. Đi khắp cả nước đố ai tìm thấy nơi đâu nhiều họ như xã này. Toàn xã Sơn Đồng hiện có gần 40 họ mạc khác nhau”.

 

Ở Sơn Đồng, chúng tôi gặp rất nhiều người mang họ “độc” như: Đức, Viết, Xuân, Huy, Chí… Khi được hỏi tại sao con gái lại được lấy họ là tên đệm của cha như vậy, ông Đạt và nhiều lão niên ở Sơn Đồng cho biết: “Cũng không rõ lắm, vì không thấy gia phả hay các bậc tổ tiên đề cập đến vấn đề này”. Nhưng ông Đạt tin rằng, đây là hệ lụy của những hủ tục thời phong kiến còn tồn tại đến ngày nay. “Do coi trọng con trai trong gia đình hơn nên được đặt họ gốc, còn con gái chỉ được lấy tên của chi (thường được gọi là tên đệm) làm họ mình”, ông Đạt giải thích.

 

Mỗi chi mới được thành lập đồng nghĩa với việc thêm một “họ của con gái” trong xã. Ông Đạt đưa ra ví dụ: dòng họ Nguyễn, khởi điểm ở Sơn Đồng chỉ có 2 chi là Nguyễn Văn và Nguyễn Đức. Khi số dân trong họ phát triển quá đông, số con gái tăng lên thì các chi mới được thành lập. Cho đến nay dòng họ Nguyễn đã phát triển lên tới 7 chi, còn các dòng họ khác cũng nhiều không kém.

 

Ông Nguyễn Chí Mậu, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết, nếu tính họ như những địa phương khác thì toàn xã cũng chỉ có khoảng 5 dòng họ lớn là họ Nguyễn, Phạm, Trần, Lê, Nghiêm.

 

Cách đặt họ khác thường ở Sơn Đồng đã tồn tại nhiều năm nay, khiến việc con gái không mang họ cha và xuất hiện các họ nhiều lên theo cấp số nhân. Chính điều này đã dẫn tới việc khó quản lý nhân khẩu ở địa phương, đặc biệt là các các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính.

 

Chính quyền “bó tay”

 

Mỗi ngày, có cả chục cô gái đi học, làm ăn xa tìm tới UBND xã Sơn Đồng để làm thủ tục xác nhận, thay đổi giấy tờ khai sinh cho khớp với họ của cha. Theo ông Nguyễn Chí Mậu, nhiều cặp vợ chồng trẻ muốn khai sinh họ tên con gái theo họ của cha nhưng khi về lại không được ông bà chấp nhận, họ lại ra xã xin đổi lại theo “phong tục”. “Điều đó đã thành thói quen nên rất khó khuyên được người dân từ bỏ ngay lập tức. Trước mắt, chúng tôi buộc phải chấp nhận nó, sau đó sẽ khuyên người dân dần thay đổi”, ông Mậu nói.

 

Theo Quang Phong

 Báo Đất Việt