1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bị chết đuối, được công nhận liệt sĩ!

(Dân trí) - Ông Trần Xuân Thiều được công nhận là liệt sĩ thanh niên xung phong từ tháng 4/2002. Mới đây, qua lời tố cáo từ một người cháu của ông Thiều, người ta mới phát hiện ông chỉ là liệt sĩ… giả; và con đường để ông có được danh hiệu đó quả thật là một câu chuyện bi hài.

Ông Trần Xuân Thiều sinh năm 1933, tại xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2002, ông Thiều được Sở LĐ-TB&XH tỉnh công nhận là liệt sĩ. Việc này xuất phát từ một lá đơn đề nghị của bà Thân Thị Bát, vợ ông Thiều, xin giải quyết chế độ liệt sĩ cho chồng.

 

Theo hồ sơ bà Bát cung cấp thì chồng bà từng tham gia TNXP thuộc binh trạm 14, binh đoàn 12, đoàn 559. Ngày 10/4/1966, trên đường ra Bắc công tác, đến trục đường 16 (đoạn từ Quảng Bình đi Nam Lào), ông Thiều trúng bom Mỹ và hy sinh, được an táng tại đây.

 

Hồ sơ nói trên được sự chứng nhận của hai đồng đội cùng đơn vị với ông Thiều là Bùi Văn Được (trú huyện  Thạch Hà) và Nguyễn Trí Đậu (trú huyện Thạch Hà). Ngoài ra, trong hồ sơ đó còn có lời khẳng định của ông Nguyễn Doãn Hành, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, với nội dung: “Vào hồi 8h sáng ngày 13/7/1970, máy bay Mỹ đánh phá vào cầu Máng xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Đồng chí Trần Xuân Thiều bị bom và hy sinh tại chỗ, được nhân dân địa phương đưa về nghĩa địa xã Việt Xuyên chôn cất. Nay đề nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện giải quyết chế độ cho ông Thiều”.

 

Hồ sơ xin giải quyết chế độ liệt sĩ cho ông Thiều của bà Bát đã được chính quyền xã Việt Xuyên xác nhận vào năm 2000. Và đi qua nhiều cơ quan chức năng, cuối cùng nó được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh công nhận vào tháng 4/2002. Nhờ đó, hơn 5 năm qua, người nhà ông Thiều được nhận hàng chục triệu đồng và không ít ưu đãi của Nhà nước.

 

Lộ mặt “liệt sĩ giả”

 

Sự thật này được phơi bày qua lá đơn tố cáo của anh Trần Xuân Cường, cháu ruột của ông Thiều. Trong lá đơn này còn có sự chứng nhận của rất nhiều nhân chứng như ông Trần Văn Tỳ, xóm trưởng xóm 4 xã Việt Xuyên; ông Hoàng Hồng, nguyên xóm trưởng xóm 4, thời kỳ ông Thiều “hy sinh”; ông Hoàng Ngọc, một người cao tuổi tại xóm 4... Tất cả các nhân chứng này đều khẳng định ông Thiều bị… nước cuốn trôi tại cầu Máng vào năm 1971 chứ không hề “hy sinh vì bom Mỹ” như bà Bát đã trình bày.

 

Quả thật, xem lại hồ sơ do bà Bát cung cấp thấy các nhân chứng đưa ra thời điểm hy sinh của ông Thiều rất khác nhau, bà Bát nói chồng hy sinh năm 1966, phó chủ tịch huyện thời đó nói ông Thiều mất năm 1970.

 

Sau đó, ông Nguyễn Trí Đậu, một trong hai người làm chứng cho “liệt sĩ” Thiều, đã thú nhận: “Trong biên bản làm chứng tôi đã chứng nhận là anh Thiều chết vào năm 1966 tại bản Cu Bay, trên đường nhận lệnh đi công tác. Nhưng thực tế tôi không chứng kiến, thậm chí không hề biết sự việc đó. Mãi đến năm 1995, khi về công tác ở địa phương, tôi mới tình cờ biết được ông Thiều đã chết đuối”.

 

Ông Đậu cho biết, ông chứng nhận cho ông Thiều hy sinh vì “có sự nhờ vả của gia đình ông Thiều và ông Bùi Văn Được, Thủ trưởng trực tiếp quản lý tiểu đội của ông Thiều. Bên cạnh đó lại có giấy xác nhận và đề nghị của ông Nguyễn Doãn Hành, nguyên phó chủ tịch UBND huyện Thạch Hà”.

 

Hồ sơ giả “chui” qua các cơ quan công quyền như thế nào?

 

Để hồ sơ liệt sĩ của ông Trần Xuân Thiều được hoàn tất và được chứng nhận có sự “đóng góp” không nhỏ của các cấp cơ sở và việc cố tình làm trái của một số cá nhân. Đầu tiên phải kể đến việc cố tình làm trái của chính quyền xã Việt Xuyên. Chính quyền xã này không những làm ngơ trước lời khai giả dối của các nhân chứng mà còn không thực hiện các bước xác minh theo quy trình trước khi đề nghị xác nhận liệt sĩ cho ông Thiều như quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Ông Phan Quang Hợi - Chủ tịch xã Việt Xuyên, một trong những người đứng tên trong biên bản đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Thiều - đã thừa nhận điều này.

 

Khi hồ sơ được cấp xã trình lên, huyện đoàn Thạch Hà cũng bỏ luôn công đoạn xác minh lại. Đơn vị này tiếp tục trình lên tỉnh và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã cấp giấy báo tử cho gia đình “liệt sĩ” Thiều.

 

Trước sức ép từ nhân dân xã Việt Xuyên, Phòng Nội vụ LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà đã vào cuộc điều tra. Ngày 2/10/2007, đơn vị này đã có kết luận về trường hợp của “liệt sĩ” Trần Xuân Thiều.

 

Kết luận khẳng định: “Hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ Trần Xuân Thiều đã phản ánh sai lệch thời gian, địa điểm, nguyên nhân cái chết của ông Thiều. Thực tế ông Thiều chết là do một tai nạn rủi ro là bị động kinh, ngã xuống nước chết đuối.

 

Thời gian chết là ngày 13/7/1971 tại mương Linh Cam, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc; chứ không phải hy sinh ở bản Cu Bay ngày 10/4/1996 khi trên đường đi công tác bị máy bay địch ném bom (…) Phòng Nội vụ LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà đã quyết định tạm dừng việc chi trả chế độ đối với gia đình bà Bát”.

 

Văn Dũng - Minh San

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm