1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bị cấp sở "chê" năng lực, Ban Giao thông TPHCM phản bác

Q.Huy

(Dân trí) - Sở GTVT TPHCM dẫn dữ liệu và nhận định, năng lực Ban Giao thông hiện tại khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng dự án. Ban Giao thông cho rằng, các số liệu và nhận định trên chưa đúng bản chất.

Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) cùng có 2 văn bản khẩn gửi tới Sở Nội vụ liên quan vấn đề đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ.

Phía Sở GTVT thành phố cho rằng, số lượng dự án mà Ban Giao thông đảm nhận thời gian qua sẽ vượt quá năng lực quản lý, điều hành và khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng. Một số công trình, dự án mà ban này thực hiện còn chậm, bị chấm dứt hợp đồng với nhà thầu và nhiều tồn tại khác do thiếu chủ động.

Bị cấp sở chê năng lực, Ban Giao thông TPHCM phản bác - 1

Nút giao An Phú, một trong số các dự án do Ban Giao thông TPHCM làm chủ đầu tư (Ảnh: Hải Long).

Phản bác lại quan điểm này, Ban Giao thông cho rằng, Sở GTVT đã sử dụng nhiều số liệu, nhận định chưa chính xác, chưa phản ánh đúng bản chất. Ban Giao thông không thống nhất cách lựa chọn thông tin, dữ liệu, phân tích của Sở GTVT.

Sở GTVT muốn thành lập ban mới

Theo các dữ liệu của Sở GTVT TPHCM, Ban Giao thông đang được giao làm chủ đầu tư của 162 dự án, giám sát 8 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, 2 dự án có tầm quan trọng cấp Quốc gia là dự án thành phần 1, 2 của tuyến vành đai 3 TPHCM; 10 dự án thuộc nhóm A, B, C.

Với khối lượng công việc lớn như vậy nhưng Ban Giao thông chỉ có tổng cộng 239 nhân sự. Trung bình mỗi dự án có chưa đến 2 người quản lý.

Trong quá trình tham mưu UBND TPHCM giao ban này làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần thuộc tuyến vành đai 3 TPHCM, Sở GTVT đã nhận định khối lượng công việc cho ban rất lớn. Trong khi đó, Ban Giám đốc của Ban Giao thông đã nhận lãnh đạo thực hiện 160 dự án.

Bị cấp sở chê năng lực, Ban Giao thông TPHCM phản bác - 2

Sơ đồ đường vành đai 3 TPHCM (Đồ họa: Ngà Trịnh).

Nếu được UBND TPHCM giao nhiệm vụ chủ đầu tư 2 dự án thành phần nói trên, khối lượng công việc sẽ rất lớn. Nếu không cân nhắc, tính toán chặt chẽ, kỹ càng phương án kiện toàn nhân sự và bộ máy lãnh đạo của Ban Giao thông, ngoài nguy cơ không đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng dự án theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, UBND TPHCM, tiến độ các dự án trọng điểm, cấp bách khác còn bị ảnh hưởng.

Sở GTVT TPHCM cũng cho rằng, Ban Giao thông hiện có 10 ban điều hành dự án để tổ chức quản lý hơn 162 dự án. Tuy nhiên, các ban điều hành lại không có tư cách pháp nhân và không đủ thẩm quyền, chức năng để phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan giải quyết công việc trong quá trình triển khai dự án, dẫn đến quá tải cho công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Ban Giao thông.

Trong giai đoạn chuẩn bị dự án, công tác tham mưu của Ban Giao thông có chất lượng chưa cao, có lúc làm gián đoạn, giảm hiệu quả đầu tư. Sở GTVT cũng liệt kê hàng loạt tồn tại, hạn chế, thiếu sót của Ban Giao thông trong giai đoạn thực hiện dự án của ban này, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư.

Bị cấp sở chê năng lực, Ban Giao thông TPHCM phản bác - 3

Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (TP Thủ Đức) của Ban Giao thông bị Sở GTVT điểm tên về việc chậm tiến độ (Ảnh: Nam Anh).

Từ những luận điểm trên, Sở GTVT cho rằng, với việc tăng về cả quy mô và số lượng dự án trong thời gian tới, nếu vẫn duy trì 1 Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông vận tải như hiện nay sẽ vượt quá năng lực quản lý, điều hành, rất khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng dự án và không đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 

Do đó, Sở GTVT đề xuất thành lập thêm một Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành giao thông vận tải trực thuộc UBND TPHCM.

Ban Giao thông nói gì?

Sau ý kiến của Sở GTVT, Ban Giao thông chưa đồng tình với một số nội dung và cho rằng, sở đã sử dụng nhiều số liệu, nhận định chưa chính xác, chưa phản ánh đúng bản chất vụ việc. Điều này dẫn đến nhiều nhận định, kết luận chưa khách quan, chưa phù hợp.

"Đặc biệt, cách nhận định trên sẽ dễ gây ra ngộ nhận mọi chậm trễ hiện nay đều có nguyên nhân từ Ban Giao thông", cơ quan này phản hồi.

Ban Giao thông làm rõ, tuy tổng dự án được giao làm chủ đầu tư là 162, nhưng 67 dự án đã và đang quyết toán hoàn thành, 24 dự án đang chuẩn bị đầu tư nên nhiệm vụ, công tác trọng tâm trên thực tế  chỉ tập trung vào 71 dự án. Trong đó 23 dự án đang thi công, 48 dự án đang tháo gỡ khó khăn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Bị cấp sở chê năng lực, Ban Giao thông TPHCM phản bác - 4

Ban Giao thông làm rõ, thực tế, mỗi dự án do ban làm chủ đầu tư có trung bình 13 người quản lý (Ảnh: Nam Anh).

Về số liệu, Ban Giao thông đang có bình quân 13 người quản lý 1 dự án. Điều này khác xa nhận định của Sở GTVT khi lấy 239 người chia cho 162 dự án.

Ban Giao thông cũng không đồng ý nhận định liên quan thẩm quyền, tư cách pháp nhân của Sở GTVT. Theo quy định và yêu cầu tinh gọn, mỗi ban quản lý dự án chỉ có 1 Ban Giám đốc và các ban điều hành trực thuộc.

Với giải pháp phân cấp, phân quyền tối đa cho các trưởng ban điều hành, các đơn vị vẫn có thể chủ trì làm việc, phối hợp hàng ngày với các địa phương.

"Nếu Sở GTVT lập luận vậy thì Ban Quản lý dự án chuyên ngành sắp tới (giả sử được thành lập) sẽ khắc phục bất cập này thế nào? Mỗi ban điều hành dự án trực thuộc sẽ có con dấu riêng, kế toán riêng để đủ thẩm quyền giao dịch với các địa phương", Ban Giao thông hỏi ngược lại.

Ban Giao thông cũng dẫn chứng hàng loạt dự án đang triển khai cùng những nguyên nhân, lý do cụ thể và cho rằng, hàm ý của Sở GTVT về những chậm trễ đều do ban này là không công bằng, không khách quan.

Tóm lại, liên quan đến nội dung văn bản Sở GTVT gửi tới Sở Nội vụ, Ban Giao thông thống nhất cần phải tiếp tục hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông. Tuy nhiên, Ban Giao thông không thống nhất với cách lựa chọn các thông tin, dữ liệu, phân tích, nhận định của sở.

Bị cấp sở chê năng lực, Ban Giao thông TPHCM phản bác - 5

Việc thành lập Ban quản lý giao thông trọng điểm theo mô hình Sở GTVT để xuất dễ ảnh hưởng tâm lý của nhân sự Ban Giao thông hiện tại (Ảnh: Nam Anh).

Trong trường hợp UBND TPHCM, Sở GTVT nhận thấy trong những năm sắp tới cần có thêm một ban quản lý chuyên ngành giao thông trực thuộc UBND thành phố, Ban Giao thông đề xuất ban này có chức năng, nhiệm vụ tương tự như Ban Giao thông hiện nay và có thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý các dự án giao thông theo phương thức PPP và các dự án mang tính thí điểm, đột phá về cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.

Ban quản lý dự án giao thông mới và Ban Giao thông hiện nay sẽ cùng triển khai các dự án giao thông trọng điểm, không thành lập Ban quản lý giao thông trọng điểm như đề xuất của Sở GTVT vì mô hình này sẽ gây mất cân đối về nguồn nhân lực giữa 2 ban, dễ ảnh hưởng tâm lý, động lực làm việc của nhân sự Ban Giao thông hiện tại.