1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bị cáo tạm giam được mặc thường phục khi ra tòa

Ngày 16/5, thay vì phải mặc áo tù như thường lệ, tất cả các bị cáo được giải từ các trại giam tới TAND đều bước ra khỏi xe tù với bộ trang phục bình thường. Đây là ngày đầu tiên cả nước thực hiện Nghị quyết 743 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trang phục của bị cáo tại phiên tòa dù nghị quyết này đã có hiệu lực kể từ ngày 24/12/2004.

Thượng úy Lê Văn Nguộn, Đội phó Đội Cảnh sát bảo vệ Trại tạm giam Chí Hòa- Công an TPHCM, cho biết: “Hôm nay đội đã giải 9 bị cáo ra tòa theo lệnh trích xuất của TAND TPHCM. Trước đây chúng tôi chỉ cần 3-4 chiến sĩ bảo vệ nhưng do việc bị cáo được mặc thường phục nên đã phải tăng cường tới 9 cảnh sát để đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra”.

Khi chúng tôi bước vào phòng xử án A của TAND TPHCM thì phiên tòa đã tạm dừng để Hội đồng xét xử vào bên trong nghị án. Ở băng ghế dành cho bị cáo có hai người đàn ông đang trò chuyện, một người mặc áo trắng, một người mặc áo xanh đậm. Theo thông báo của thư ký thì vụ án này chỉ có một bị cáo tên là Trần Văn Sanh, bị Viện KSND TPHCM truy tố về tội "giết người".

Chúng tôi đã dặn chụp cận cảnh bị cáo Sanh nhưng phóng viên ảnh cứ loay hoay, rồi chạy ra hỏi: "Có một ông áo trắng, một ông áo xanh, chụp ông nào?". Đến lúc này chúng tôi mới chợt nhớ là từ nay, vĩnh viễn không còn ai mặc trang phục kẻ sọc nữa trong các phiên tòa, dù đó là bị cáo được tại ngoại hay đang bị tạm giam.

Hỏi một anh công an làm nhiệm vụ dẫn giải, chúng tôi mới biết người mặc áo xanh đậm là bị cáo Sanh, còn người áo trắng là luật sư (LS) bào chữa. Ngành tòa án và Công an TPHCM đã thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về trang phục của bị cáo khi tham gia các phiên tòa.

Khi được hỏi chuyện, bị cáo Sanh dường như cũng "quên" mình là một can phạm với mức hình phạt tù chung thân mà công tố viên đề nghị, nên kể rất vô tư: "Bộ đồ tui đang mặc trên người là do cán bộ trại cho mượn, đã mấy lần tui ra hầu tòa rồi, nhưng đây là lần tui cảm thấy yên tâm nhất".

Còn LS Hoàng Cao Sang, người bào chữa cho bị cáo Sanh thì nói rằng ông tham dự phiên tòa này với "tâm trạng khá thoải mái vì bị cáo đã được đối xử công bằng hơn".

Gặp chúng tôi bên ngoài hành lang phòng xử án, LS Trương Thị Hòa cũng đưa ra một nhận xét nhanh: "Theo tôi đó là việc làm hết sức thiết thực, bởi lẽ theo quy định của pháp luật, chưa ai bị xem là có tội nếu chưa có một phán quyết của tòa. Quy định trên trước hết là được thực hiện ở phần hình thức, tức là trang phục của bị cáo khi ra tòa. Trong một vụ án, nếu như bị cáo mặc thường phục thì không khí phiên tòa sinh động hơn và trông đỡ nặng nề hơn. Nhiều người nghĩ rằng khi ra tòa, bị cáo cứ mặc áo tù rồi thì chắc chắn sẽ có tội. Điều đó hoàn toàn không đúng và sẽ ảnh hưởng đến thân phận của các bị cáo".

Nếu như quy định trên mang lại sự phấn chấn cho bị cáo thì ngược lại, các chiến sĩ cảnh sát hỗ trợ tư pháp lại là những người chịu nhiều áp lực. Mỗi cán bộ dẫn giải được phân công "đeo sát" bị cáo được lệnh trích xuất từ khi rời khỏi trại tạm giam, đến khi xét xử thì phải ngồi ngay sau lưng bị cáo và kết thúc phiên tòa thì phải lo áp giải an toàn về đến trại.

Trong buổi sáng hôm qua, TAND TPHCM chỉ có 4 phòng xử làm việc với khoảng 9 bị cáo (bị tạm giam) nhưng lực lượng dẫn giải phải tham gia khá đông.

Cán bộ dẫn giải Lê Phương Thảo nói: "Bị cáo mặc thường phục làm cho chúng tôi rất khó khăn, vì nếu bất cẩn, họ có thể trà trộn vào những người dự khán mà không bị phát hiện".

Một chiến sĩ khác cho biết, "khó nhất" là trong một phiên tòa vừa có bị cáo tạm giam vừa có bị cáo tại ngoại, vì việc lẫn lộn rất dễ xảy ra. "Biện pháp chữa cháy" là cho các bị cáo tại ngoại ngồi tách biệt với các bị cáo tạm giam. Một người khác cho biết thêm: "Tụi tui đã đề xuất cắt tóc ngắn bị cáo nam để dễ phân biệt, còn bị cáo nữ thì vẫn chưa biết xử lý thế nào!".

Chánh án TAND TPHCM Bùi Hoàng Danh cho biết: "Quy định trên chủ yếu tập trung ở công tác dẫn giải của ngành công an. Lãnh đạo tòa chỉ yêu cầu các thẩm phán khi tiến hành xét xử cố gắng áp dụng thống nhất nhằm thực hiện đúng Nghị quyết 743 để bảo vệ quyền lợi cho bị cáo".

Theo Người lao động, Thanh niên