“Bí” cách giám sát gói kích cầu
(Dân trí) - Bàn đến chương trình giám sát dự kiến năm 2010, UB thường vụ QH hôm nay đã cân nhắc khả năng “nhắm” tới gói kích cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều “nỗi khó” như thiếu căn cứ, số liệu đánh giá đã được cảnh báo…
Theo tập hợp của Văn phòng QH, hiệu quả sử dụng vốn ngân sách thực hiện chính sách kích thích đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ được 9 đoàn đại biểu các địa phương yêu cầu đưa vào chương trình giám sát năm tới. Đây cũng là 1 trong 4 nội dung chính Văn phòng QH đề nghị UB thường vụ lựa chọn thực hiện trong năm 2010.
Chính sách kích thích kinh tế đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng chung của Chính phủ được chia thành các gói: hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế, rót vốn trái phiếu… Đoàn đại biểu QH Đà Nẵng đề nghị “nhắm” vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn đề sản xuất kinh doanh còn đoàn Bạc Liêu lại coi trọng nội dung rót vốn cho lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến thảo luận đã cảnh báo về tính khả thi của công tác giám sát bởi việc triển khai các gói kích cầu có nhiều điểm đặc thù.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận tỏ ý băn khoăn vì không phải cứ “kích” là thấy “cầu” ngay. Theo ông Thuận để đánh giá hiệu quả các giải pháp này cần một độ lùi nhất định.
Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì cho rằng, việc đánh giá hiệu quả đem lại cũng không đơn giản vì khó có con số kiểu thống kê cụ thể. Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng lại băn khoăn về căn cứ pháp luật để giám sát kích cầu vì Chính phủ triển khai thực hiện việc này không thông qua QH. Ông Vượng lo ngại QH sẽ lấn việc của Thanh tra Chính phủ.
Trong buổi làm việc, UB thường vụ QH cũng thống nhất không nhắm lĩnh vực kinh tế đưa vào chương trình giám sát tối cao trong năm 2010 không giám sát để tập trung vào lĩnh vực văn hóa, xã hội.
UB Thường vụ QH sẽ thực hiện giám sát việc thực thi pháp luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; việc thực hiện pháp luật về đầu tư phân cấp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. 3 nội dung được nhắm tới là: quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai; đầu tư đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo (nhấn vào bậc đại học và sau đại học); quản lý, sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm xã hội từ năm 2006 - 2010.
Ngoài ra, UB thường vụ cũng sẽ giám sát việc thực thi pháp luật lao động trong việc đưa nhân lực Việt Nam ra nước ngoài làm việc.
Những tồn tại bức xúc hiện nay như việc tuyển chọn lao động, dạy nghề, bồi dưỡng ngoại ngữ, kiến thức cần thiết cho người lao động; các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cạnh tranh không lành mạnh, tiêu cực, tranh giành hợp đồng gây thiệt hại chung và đặc biệt đối với người lao động; quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam ở nước ngoài… sẽ được truy xét toàn diện.
P. Thảo