1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bí ẩn kho vàng 4.000 tấn: Vẫn là chuyện mơ hồ

Sau khi UBND tỉnh Bình Thuận quyết định dừng việc tìm kiếm kho vàng, ông Trần Văn Tiệp đã phản ứng khá gay gắt; đặc biệt là sau khi có một doanh nghiệp đến khai thác vật liệu xây dựng tại núi Tàu…

Bí ẩn kho vàng 4.000 tấn: Vẫn là chuyện mơ hồ   - 1

PV tiếp xúc tại nhà ông Trần Văn Tiệp ở TPHCM cuối tháng 12/2010 -  ảnh: Hoàng Linh

 

Phải nộp 10 tỉ đồng

 

Suốt từ năm 1993 đến nay, công cuộc tìm kiếm kho vàng núi Tàu của ông Trần Văn Tiệp vẫn không đem lại kết quả. Từ thực tế này, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các ngành liên quan kiến nghị chấm dứt việc khai thác tìm kiếm của ông Tiệp ở núi Tàu. Tuy nhiên, như đã nói ở các bài trước, do niềm tin vào kho vàng không bao giờ tắt nên ông Tiệp liên tục gửi nhiều văn bản đến các đồng chí lãnh đạo cao cấp kiến nghị can thiệp cho tiếp tục tìm kiếm kho vàng.

 

Ngày 1/2/2010, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký công văn đồng ý cho ông Tiệp tiếp tục được tìm kiếm kho vàng, nhưng với điều kiện phải ký quỹ vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận 10 tỉ đồng. Nếu việc khai thác tìm kiếm có hiệu quả thì ông Tiệp được hưởng phần trăm theo quy định. Ngược lại, không có kết quả thì không được nhận lại số tiền này vì phải dùng để khắc phục môi trường. Tuy nhiên, đến nay, ông Tiệp không nộp một đồng ký quỹ nào như yêu cầu của UBND tỉnh Bình Thuận.

 

Đầu năm 2010, UBND tỉnh cho phép Công ty vật liệu và khoáng sản Bình Thuận đến khai thác đá xây dựng tại núi Tàu. Điều này càng làm cho ông Tiệp tiếp tục khiếu nại vì cho rằng đây là “công trường” ông đang khai thác kho vàng chưa hoàn tất. Mọi hoạt động ở khu vực này đều mang ý định chiếm đoạt kho vàng mà ông là người đã phát hiện đầu tiên.

 

Lại phát hiện “kim loại dị thường”

 

Dù không chấp nhận ký quỹ, nhưng vào ngày 24/9/2010, ông Tiệp ký hợp đồng với Công ty CP thiết bị địa vật lý Hà Nội (địa chỉ tại Q.Thanh Xuân, TP Hà Nội) để nhờ DN này mang máy thiết bị điện từ (máy đo MP-21T) vào Bình Thuận để đo “khối lượng vàng” ở sườn phía đông núi Tàu.

 

Kết quả mà DN này kết luận (do ông Nguyễn Hữu Hào, Phó giám đốc ký) sau khi đo độc lập từ và điện: “Theo hướng bắc - nam có một dị thường hẹp (bề ngang chừng 10m). Độ dài của dãy dị thường 200m; độ sâu khoảng 50m. Dị thường này là các khối quặng kim loại tự nhiên hoặc nhân tạo với khối lượng lớn và tương đối tập trung cộng với hang KAST dạng hầm liên tiếp. Muốn đánh giá trữ lượng cần khoan thăm dò từ 3-5 mũi với độ sâu 100m” (nguyên văn). Kết luận này càng như “tiếp lửa” cho ông Tiệp tiếp tục tìm kiếm.

 

Ngày 21/12/2010, ông Tiệp lại trình lãnh đạo tỉnh Bình Thuận kế hoạch khai thác kho vàng núi Tàu. Ông cho rằng hiện nay những người khai thác vật liệu xây dựng đã “vào được cửa hầm số 1”. Trong thư gửi lãnh đạo Bộ Công an, ông Tiệp còn cho rằng Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Huỳnh Tấn Thành (nay đã nghỉ hưu - PV) có ý định “chiếm đoạt” kho vàng của mình khi cấp phép cho khai thác đá xây dựng ở núi Tàu. Thanh tra tỉnh Bình Thuận đã mời giải quyết, nhưng ông Tiệp không đến. Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Thanh tra chuyển toàn bộ hồ sơ vụ núi Tàu sang Công an Bình Thuận để điều tra những vấn đề mà ông Tiệp tố cáo.

 

Mệt mỏi vì “kho vàng”

 

Những ngày cuối năm 2010, PV Thanh Niên đã tìm về núi Tàu, nơi có “huyền thoại” bí ẩn kho vàng. Nhiều người dân khi nghe chúng tôi hỏi thăm thông tin về kho vàng ở núi Tàu, hầu hết đều lắc đầu: “Kho vàng ư? Đó chỉ là hão huyền”. Ông Tư Hưng, đã gần 70 tuổi, ở ngã ba xã Phước Thể cho hay: “Dòng họ tôi bao đời sống ở đây. Tôi chưa từng nghe ai nói ở núi Tàu có kho châu báu vàng bạc gì bao giờ cả. Đó chỉ là tin vịt mà thôi”.

 

Một cán bộ làm việc ở xã Phước Thể nói: “Không hiểu sao tỉnh lại cho bác Tiệp đến núi Tàu tìm kiếm kho vàng suốt hàng chục năm trời như vậy. Dẫu biết rằng là tiền của bác ấy bỏ ra, nhưng khi thấy không có dấu hiệu của kho vàng thì phải ngưng chứ. Làm gì có chuyện người ta chôn hàng nghìn tấn vàng ở đây mà suốt mấy chục năm qua không ai biết”.

 

Nhưng cũng có người đồng cảm với ông Tiệp. Anh Lê Vinh, một người chạy xe ôm nhiều năm ở ngã ba xã Phước Thể chở chúng tôi đi thực địa nói: “Trên thế giới cũng từng có những vụ đào kiếm kho vàng và tìm thấy đó thôi. Tôi nghĩ mình không mất gì cả. Bác Tiệp có tâm huyết gần cả đời người, giờ bác ấy đã già rồi để cho bác ấy mãn nguyện với mơ ước của mình. Có tìm thấy kho vàng thì bác ấy cũng phải nộp cho Nhà nước chứ có lấy được đâu mà sợ. Tất nhiên những điều bác ấy làm có thể gây khó chịu cho chính quyền, nhưng tôi nghĩ đó không phải là chuyện lớn”.

 

Về phía chính quyền, ông Đặng Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Phước Thể tỏ ra mệt mỏi: “Tỉnh giao đất cho công ty của Nhật nuôi tôm. Ông Tiệp vịn vào đó để nói “Nhật tiếp cận” mỏ vàng vì Nhật thiếu gì tiền mà đi nuôi tôm. Dân chúng tôi chăn nuôi nhờ sườn núi này, trong khi ông Tiệp ngăn cản, gây khó khăn cho bà con chăn nuôi. Chẳng những người dân chúng tôi không tin kho vàng, ngược lại còn phản ứng chính quyền cho đào bới gây hủy hoại môi trường, mất an ninh trật tự”.

 

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận (nguyên Chánh thanh tra Nhà nước tỉnh) cho biết: “Thường trực UBND tỉnh có chủ trương trên tinh thần là mời ông Tiệp ra Bình Thuận để nghe ông báo lại toàn bộ sự việc và phương án tìm kiếm của ông ấy như thế nào. Nếu thấy phù hợp thì UBND tỉnh sẽ chấp thuận cho tiếp tục tìm kiếm, nhưng với điều kiện là phải ký quỹ với một khoản tiền nhất định; đồng thời phải chấp hành tuyệt đối các quy định của Nhà nước.

 

Còn chuyện ông ấy cho rằng tỉnh cho khai thác vật liệu xây dựng là không đúng. Vì địa điểm mà Công ty vật liệu và khoáng sản Bình Thuận lấy đá xây dựng không trùng với địa điểm mà ông Tiệp từng tìm vàng”. 

 

Theo Quế Hà

 Thanh Niên